Dù trong nước đang nỗ lực giảm giá xe để bán hàng do lo ngại ế ẩm nhưng ô tô nhập khẩu vẫn ồ ạt về cảng.
Tiêu thụ ô tô lao dốc, xe nhập khẩu vẫn ồ ạt cập cảng
Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, ước tính có khoảng 41.780 xe ô tô nguyên chiếc được nhập khẩu về Việt Nam trong 3 tháng đầu năm 2023, đạt giá trị kim ngạch 903 triệu USD. So với cùng kỳ năm 2022, kim ngạch nhập khẩu ô tô nguyên chiếc cộng dồn trong quý I/2023 đã tăng 76% về lượng và tăng 60,8% về giá trị.
Tính riêng trong tháng 3/2023, lượng ô tô nhập khẩu về nước ước đạt 15.000 chiếc, đạt kim ngạch 332 triệu USD, tăng 48,8% về lượng và tăng 48,5% về giá trị so với cùng kỳ năm 2022.
Còn theo báo cáo của Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), số liệu bán hàng của các thành viên trong hiệp hội cho thấy trong 2 tháng đầu năm nay, sức mua ô tô trên toàn thị trường duy trì ở mức khá thấp. Cụ thể, lượng xe bán ra trong tháng đầu năm chỉ đạt 17.314 chiếc. Sang đến tháng 2, sức mua tăng lên đáng kể và đạt tổng cộng 28.913 chiếc.
Sức mua thị trường sụt giảm nhanh ngoài dự báo khiến hàng tồn kho tại showroom và nhà máy sản xuất ở mức đáng báo động. Trong ngắn hạn, nếu sức mua không được cải thiện và thị trường không tăng trưởng trở lại để giảm áp lực tồn kho, các nhà sản xuất sẽ không thể duy trì nhịp sản xuất ổn định và buộc phải giảm công suất và nhân công. Điều này tác động trực tiếp tới tình hình lao động, việc làm, ảnh hưởng đến vấn đề an sinh xã hội của người dân.
Một số đại lý ô tô tại khu vực Hà Nội phản ánh việc xe tồn kho hiện rất lớn. Từ giữa năm 2022, khi tình hình đứt gãy nguồn cung được cải thiện, các hãng ồ ạt giao xe cho đại lý theo đơn đặt hàng trước đó, dẫn đến tình trạng thừa nguồn cung. “Chúng tôi chịu áp rất lực lớn vì nếu không bán hết mẫu xe đời 2022 sẽ ôm lỗ lớn bởi mẫu đời 2023 đang được tung ra”, đại diện một đại lý tại khu vực Hà Nội cho hay.
Trước viễn cảnh “u ám” của thị trường, mới đây, Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), Hiệp hội doanh nghiệp cơ khí Việt Nam (VAMI), UBND các tỉnh Ninh Bình, Quảng Nam đã có văn bản gửi Bộ Tài chính, Bộ Công Thương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Văn phòng Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đề xuất một số chính sách tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và kích cầu tiêu thụ ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước; trong đó có chính sách giảm 50% lệ phí trước bạ.
Trong văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ, VAMI cho rằng chính sách giảm lệ phí trước bạ từng áp dụng trong thời gian chịu ảnh hưởng đại dịch Covid-19 đã mang lại hiệu quả tích cực, giúp các doanh nghiệp có thêm nguồn vốn để phục hồi sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, bước vào năm 2023, thị trường tiêu thụ ô tô tiếp tục chịu sức ép lạm phát, tỷ giá, lãi suất ngân hàng gia tăng… khiến người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu đối với những mặt hàng có giá trị cao, trong đó có ô tô.
“Trên thực tế, các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước đã đưa ra nhiều chương trình khuyến mại, khuyến khích người tiêu dùng mua sắm, nhưng nếu chỉ dựa vào giải pháp kích cầu đơn lẻ của từng doanh nghiệp là không đủ để tạo ra sức bật giúp thị trường tiêu thụ ô tô tăng trưởng trở lại và ổn định một cách bền vững”, VAMI cho hay.
Dự báo trong thời gian tới, nếu chính sách hỗ trợ giảm 50% lệ phí trước bạ được Chính phủ thông qua, nhiều khả năng thị trường ô tô hồi phục cũng sẽ trở nên sáng sủa hơn.
Minh Đức / Vietnamfinance