Các quan chức Liên minh châu Âu (EU) cho biết liên minh này sẽ áp mức thuế lên tới 37,6% với xe điện được sản xuất tại Trung Quốc từ ngày 5/7, làm gia tăng căng thẳng với Bắc Kinh trong vụ kiện thương mại lớn nhất từ trước đến nay của khối.
Tuy nhiên, vẫn có khoảng thời gian bốn tháng để áp dụng mức thuế tạm thời và các cuộc đàm phán chuyên sâu dự kiến sẽ tiếp tục diễn ra giữa hai bên trong bối cảnh Bắc Kinh đe dọa sẽ trả đũa trên diện rộng.
Theo đó, EU sẽ áp mức thuế tạm thời từ 17,4% – 37,6% nhằm ngăn chặn tình trạng mà Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen) cho là nguy cơ tràn ngập xe điện giá rẻ được Trung Quốc trợ giá.
Các mức thuế được nêu trong tài liệu dài 208 trang được công bố vào ngày 3/7 gần giống với mức giá mà EU công bố vào ngày 12/6. Cơ quan điều hành đã điều chỉnh sau khi các công ty phát hiện ra những lỗi tính toán nhỏ trong bản công bố ban đầu.
Bắc Kinh khi đó tuyên bố sẽ thực hiện “mọi biện pháp cần thiết” để bảo vệ lợi ích của Trung Quốc. Những biện pháp này có thể bao gồm thuế quan trả đũa đối với các mặt hàng nhập khẩu từ châu Âu như rượu cognac hoặc thịt lợn.
Dù vậy, người đứng đầu bộ phận thương mại của EU, ông Valdis Dombrovskis, cho biết Trung Quốc không có cơ sở để trả đũa. “Mục tiêu của chúng tôi là đảm bảo sự cạnh tranh công bằng và sân chơi bình đẳng”, ông Dombrovskis cho hay.
Cuộc điều tra chống trợ cấp của EU vẫn còn gần bốn tháng nữa để đưa ra quyết định cuối cùng. Khi đó, cơ quan điều hành của EU có thể đề xuất các mức thuế cố định thường áp dụng trong 5 năm.
Ông Dombrovskis cho biết: “Những cuộc đàm phán với Trung Quốc vẫn đang diễn ra và thực sự nếu có một giải pháp cùng có lợi, chúng tôi cũng có thể tìm ra cách để không áp dụng thuế quan vào cuối ngày”.
“Nhưng rõ ràng là giải pháp này cần phải giải quyết được tình trạng méo mó thị trường mà chúng ta đang gặp phải hiện nay và nó cần phải tuân thủ theo thị trường”, ông nhấn mạnh thêm.
Bộ Thương mại Trung Quốc ngày 4/7 cho biết cả hai bên đã tổ chức một số vòng đàm phán kỹ thuật về thuế quan liên quan đến vấn đề này.
Người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, ông He Yadong, cho biết: “Chúng tôi hy vọng phía châu Âu và Trung Quốc sẽ cùng hành động, thể hiện sự chân thành và thúc đẩy quá trình tham vấn càng sớm càng tốt”.
Các công ty được cho là đã hợp tác với cuộc điều tra chống trợ cấp, bao gồm cả nhà sản xuất ô tô phương Tây Tesla và BMW sẽ phải chịu mức thuế 20,8% và những công ty không hợp tác sẽ phải chịu mức thuế 37,6%.
Các nhà sản xuất xe điện Trung Quốc sẽ phải quyết định xem có nên chịu thuế quan hay tăng giá để trang trải hàng tỷ USD chi phí mới tại biên giới châu Âu.
Ông Tu Le, người sáng lập công ty tư vấn Sino Auto Insights, cho biết: “Các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc đang rất muốn mở rộng doanh số bán hàng ra bên ngoài Trung Quốc vì cuộc chiến giá cả trong nước đang gây ảnh hưởng”.
Triển vọng về thuế quan có thể thúc đẩy các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc đầu tư vào các nhà máy ở châu Âu, mặc dù chi phí lao động và sản xuất ở đây cao hơn ở Trung Quốc.
Được biết Xpeng đã trở thành nhà sản xuất xe điện mới nhất cân nhắc việc thành lập cơ sở sản xuất tại khu vực này để tránh thuế quan.
Thương hiệu Trung Quốc MG và Nio ngày 4/7 thì cho biết rằng họ có thể tăng giá ở châu Âu vào cuối năm nay. Tesla cho biết vào tháng trước rằng họ có kế hoạch tăng giá Model 3.
Làn sóng phản đối
Những người phản đối mức thuế quan mới cho rằng chi phí xe điện tăng đối với người tiêu dùng châu Âu sẽ làm suy yếu mục tiêu đạt mức trung hòa carbon vào năm 2050 của EU.
Trong tuyên bố đưa ra ngày 4/7, nhà sản xuất ô tô lớn nhất châu Âu Volkswagen đã chỉ trích quyết định của EU.
Người phát ngôn của Volkswagen nêu rõ: “Những tác động tiêu cực của quyết định này lớn hơn bất kỳ lợi ích nào đối với ngành công nghiệp ô tô châu Âu và đặc biệt là Đức”.
Các giám đốc điều hành ngành công nghiệp ô tô đã cảnh báo về mức thuế quan này, lo ngại các biện pháp trả đũa có thể ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh của ô tô tại Trung Quốc, nơi họ đang phải vật lộn để theo kịp số lượng đối thủ cạnh tranh trong nước ngày càng tăng.
Năm ngoái, các nhà sản xuất ô tô Đức đã đạt được một phần ba doanh số bán hàng tại Trung Quốc.
Ủy ban châu Âu ước tính thị phần của các thương hiệu Trung Quốc trên thị trường EU đã tăng từ mức dưới 1% vào năm 2019 lên 8% và có thể đạt 15% vào năm 2025. Ủy ban cho biết giá thường thấp hơn 20% so với giá của các mẫu xe sản xuất tại EU.
Mặc dù Ủy ban đã tiến hành điều tra mà không có khiếu nại nào từ ngành, các thành viên vẫn đang do dự không biết có nên ủng hộ mức thuế quan bổ sung hay không, điều này làm nổi bật thách thức của Brussels trong việc nhận được sự hỗ trợ cho vụ việc.
Hiệp hội xe du lịch Trung Quốc cho biết mức thuế quan sẽ có tác động khiêm tốn đến phần lớn các công ty Trung Quốc.
Mức thuế này thấp hơn nhiều so với mức thuế 100% mà Washington dự kiến áp dụng đối với xe điện nhập khẩu từ Trung Quốc từ tháng 8.
Theo Reuters
Vy Ba / Vietnamfinance