Vệt nước màu đỏ từng xuất hiện ở Quảng Bình, Hà Tĩnh không phải tảo nở hoa hay phù sa, mà là lớp màng sắt – manh mối quan trọng để tìm ra ổ độc di động dưới đáy biển.
Sau hiện tượng hải sản chết bất thường tại một số vùng ven biển miền Trung, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam cùng các bộ ngành liên quan đã lấy mẫu, phân tích. Khi có kết quả ban đầu, Bộ Khoa học và Công nghệ được giao nhiệm vụ chủ trì thành lập Hội đồng khoa học công nghệ cấp quốc gia, với ba tổ nghiên cứu các nhóm tác nhân gây cá chết gồm: hóa học, sinh học, khí tượng thủy văn và động lực học biển…
Tiến sĩ Vũ Đức Lợi, Phó chủ tịch Hội đồng khoa học tìm nguyên nhân cá chết cho biết, các nghiên cứu đã loại trừ yếu tố động đất, sóng thần, tràn dầu, dịch bệnh và tập trung vào hai nhóm chính là: tảo đỏ và độc tố hóa học. Tuy nhiên, ảnh viễn thám chụp vùng biển từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên – Huế không phát hiện dấu hiệu tảo nở hoa trên diện rộng, nên các nhà khoa học cho rằng nó không thể là nguyên nhân khiến cá chết hàng loạt.
Để tìm độc tố, giới khoa học lấy lượng mẫu lớn từ Vũng Áng đến Thừa Thiên Huế, đặc biệt là khu vực Formosa với mức độ dày đặc tại 27 điểm. Các chuyên gia đã lấy 289 mẫu nước tầng mặt, tầng đáy tại thời điểm đỉnh triều và chân triều từ ngày 27 đến 29/4; 97 mẫu trầm tích, 135 mẫu sinh vật phù du (nhóm tảo), 34 mẫu động vật đáy, 254 mẫu cá chết và sống để phân tích.
Lúc này, nhóm phát hiện nhiều mẫu cá chết ngoài tự nhiên có hiện tượng bỏng ở đầu và đuôi, đặc biệt là dính mang, thân và mô bị xung huyết.
Các mẫu cá chết có hàm lượng kim loại nặng và asen thấp hơn tiêu chuẩn Bộ Y tế, nhưng một số mẫu có xyanua từ 0,39 đến 40 mg/kg, phenol hàm lượng 5-340 mg/kg. Hai mẫu cá chết khác được Australia kiểm chứng cũng chỉ ra hàm lượng phenol trong cơ, gan và trứng ở mức cao.
“Các mẫu cá đều có hiện tượng biến đổi cấu trúc mô, nhiều mẫu bị dính mang, một số có biểu hiện cháy đầu đuôi – dấu hiệu điển hình của nhiễm độc phenol. Phân tích trầm tích khu vực ven biển bốn tỉnh miền Trung cũng có phenol”, ông Lợi cho hay.
Để chắc chắn hơn, nhóm đã thí nghiệm thử độc tính dịch chiết của mẫu cá chết. Dịch từ cá chết khi phân hủy vào nước tiếp tục làm chết các con cá biển khác. “Nếu cá chết do tảo thì không thể khiến con cá đang sống khác chết được”, tiến sĩ Lợi nói và đi đến kết luận nguyên nhân gây cá chết không phải thiên nhiên mà chính là con người, cụ thể phenol và xyanua – hai tác nhân hóa học gây ra tình trạng hải sản chết.
Nhận định xyanua xuất hiện trong cá có thể do hoạt động đánh bắt hoặc chất thải từ luyện cốc, nhưng phenol chỉ xuất hiện trong nước thải của luyện cốc, nhóm nhà khoa học “truy” lại Formosa để tìm nguồn thải ra hai độc tố này.
Cụ thể, trong quá trình súc rửa đường ống, Formosa sử dụng lượng lớn axit – yếu tố tạo phức với sắt rất tốt. Lượng nước thải có chứa axit xitric trong quá trình súc rửa không được xử lý riêng mà dẫn thẳng tới trạm xử lý nước công nghiệp.
Ngoài ra, quá trình xử lý nước thải lò cốc có lượng lớn sắt, nước thải sau khi xử lý cũng được dẫn về trạm xử lý nước công nghiệp tập trung. Trạm này chỉ đóng vai trò lắng lọc, chứ không xử lý được độc tố như phenol hay xyanua.
Độc tố di chuyển thế nào?
“Tìm được nguồn xả thải và nguyên nhân gây ô nhiễm, các nhà khoa học đặt nghi vấn phenol hay xyanua là dạng tự do tan và sẽ bị nước biển pha loãng, nếu cá chết thì chỉ ở một điểm chứ không thể lan rộng đến Huế”, tiến sĩ Lợi nhớ lại.
Các nhà khoa học dự đoán cơ chế di chuyển của các độc chất này dọc theo dòng hải lưu, có thể xuất phát từ một số dấu vết bất thường như nước màu đỏ, đen tại Hà Tĩnh, Quảng Bình. Màng dịch nhày bao bọc cá chết trên rạn san hô, màu nâu đỏ phủ trên trầm tích tại Thừa Thiên Huế – điểm cuối của sự cố.
Từ nhận định trên, nhóm thử độc tính với mẫu nước thu được từ vệt nước màu đỏ gạch ở Quảng Bình ngày 4/5, Hà Tĩnh ngày 5/5 và 12/5 cho kết quả tỷ lệ cá chết 80-100% trong 3-30 phút. Đồng thời khi phân tích mẫu nước, hàm lượng sắt trong cặn lơ lửng cao (gần 25%), hydroxit sắt (gần 50%) và chứa phenol.
Màu nước bất thường không phải là màu của tảo nở hoa hay phù sa mà là dạng keo sắt hấp thụ các độc tố như phenol, xyanua – sản phẩm do hoạt động xả thải của con người gây ra. Phân tích màng dịch nhày bao bọc thân cá trên rạn san hô thu được ở Thừa Thiên – Huế ngày 24/4 cũng thu được hàm lượng sắt cao và có chứa phenol.
Từ kết luận trên, các nhà khoa học đã tìm ra mối liên kết giữa dòng nước thải chứa axit, sắt từ súc rửa đường ống và dòng nước thải sinh hóa chứa FeSO4 (sắt II sunfat) cùng phenol, xyanua. Chúng tạo thành hệ keo sắt kéo theo các độc tố khi thải ra biển, còn gọi là “ổ độc di động”. Lớp màng nhầy di động này theo chiều của dòng hải lưu từ Hà Tĩnh tới Thừa Thiên – Huế làm cá chết do tắc mang hoặc do tác động của độc tố phenol, xyanua.
Trong quá trình di chuyển, phenol và xyanua được giải phóng dần và dạng keo có thể lắng xuống đáy. Khi có thủy triều và sóng, lớp keo này bị đẩy lên mặt nước tạo thành vệt màu bất thường như đã thấy ở Quảng Bình và Hà Tĩnh.
Đến Huế, ổ độc di động gặp xoáy nên dừng lại, vì thế Đà Nẵng không bị ảnh hưởng như các địa phương còn lại.
“Bằng luận cứ khoa học một cách độc lập và khách quan, nguyên nhân và thủ phạm gây hải sản chết bất thường đã được chỉ rõ và Formosa đã thừa nhận”, ông Lợi nói.
Hiện tượng cá chết hàng loạt khởi nguồn từ một số lồng nuôi cá bè gần khu công nghiệp Vũng Áng (Sơn Dương, Kỳ Anh, Hà Tĩnh), sau đó lan đến Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế khiến đời sống người dân 4 tỉnh miền Trung lao đao.
Để tìm nguyên nhân, 7 bộ ngành cùng các viện nghiên cứu, 100 nhà khoa học trong và ngoài nước đã vào cuộc. Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố kết quả điều tra sơ bộ, khoanh vùng hai nhóm nguyên nhân là độc tố hóa học thải ra từ hoạt động của con người và hiện tượng tảo nở hoa. Tuy nhiên, nguyên nhân tảo nở hoa vấp phải sự phản ứng của giới khoa học và người dân.
Bộ Tài nguyên và Môi trường đã mời chuyên gia từ Đức, Mỹ, Israel tham gia điều tra nguyên nhân cá chết, đồng thời lập đoàn liên ngành gồm đại diện các bộ và địa phương tổng kiểm tra Khu kinh tế Vũng Áng, nơi Công ty TNHH Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh, có hệ thống ngầm xả thải ra biển.
Ngày 30/6, Formosa đã thừa nhận là nguyên nhân trực tiếp gây ra thảm họa cá chết và cam kết bồi thường 500 triệu USD để khắc phục hậu quả và cải tạo môi trường.
Phạm Hương
Theo Vnexpress