Cơn bão Rai đang có cường độ rất mạnh với gió ở cấp 14, tức là từ 150 – 165 km/giờ, giật cấp 17, đang di chuyển đến gần Biển Đông. Ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai ra công điện yêu cầu ứng phó.
Cập nhật diễn biến mới nhất của cơn bão Rai, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết, lúc 7 giờ sáng nay 16.12, tâm bão cách bờ biển miền trung Philippines khoảng 300 km về phía đông đông nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 14, tức là từ 150 – 165 km/giờ, giật cấp 17.
Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển nhanh theo hướng tây tây bắc, mỗi giờ đi được 25 – 30 km. Đến 7 giờ ngày 17.12, tâm bão Rai ở trên khu vực phía tây nam miền Trung Philippines. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 13, tức là từ 135 – 150 km/giờ, giật cấp 16.
Cũng theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, trong khoảng đêm mai 17.12, cho đến rạng sáng 18.12, bão Rai sẽ đi vào Biển Đông, trở thành bão số 9 trong năm nay.
Bão Rai đang ở cường độ rất mạnh và tiếp tục di chuyển đến gần Biển ĐôngTRUNG TÂM DỰ BÁO KHÍ TƯỢNG THỦY VĂN QUỐC GIA |
Từ đêm nay 16.12, do ảnh hưởng của bão kết hợp với không khí lạnh, ở khu vực phía bắc Biển Đông (bao gồm vùng biển quần đảo Hoàng Sa) có gió mạnh cấp 7 – 8, giật cấp 10. Dự báo từ gần sáng và ngày mai 17.12, vùng biển phía đông khu vực giữa Biển Đông có gió mạnh dần lên cấp 8 – 9, sau tăng lên cấp 10, cấp 11. Vùng gần tâm bão mạnh cấp 12 – 13; sóng biển cao từ 5 – 7 m, biển động dữ dội.
Quảng Ninh đến Kiên Giang sẵn sàng ứng phó bão
Trước diễn biến phức tạp của bão RAI, trưa nay, Ban chỉ đạo quốc gia về Phòng chống thiên tai đã ra công điện yêu cầu các bộ, ngành T.Ư, các tỉnh ven biển từ Quảng Ninh đến Kiên Giang sẵn sàng các phương án ứng phó bão.
Theo cảnh báo của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, bão RAI là cơn bão có cường độ rất mạnh khi đi vào Biển Đông. Khi đi vào gần bờ, bão có thể đổi hướng. Do ảnh hưởng của bão, vùng ven biển và đất liền sẽ có gió mạnh cấp 9, giật cấp 11.
Theo đó, Ban chỉ đạo quốc gia về Phòng chống thiên tai yêu cầu các tỉnh ven biển theo dõi chặt chẽ diễn biến bão, kiểm đếm phương tiện, kêu gọi di chuyển trong vùng ảnh hưởng bão đến nơi an toàn; có phương án đảm bảo an toàn cho người, tài sản trên các đảo, vùng ven biển, chòi canh nuôi trồng thủy sản.
Đối với đất liền dự báo bão ảnh hưởng trực tiếp, các địa phương chuẩn bị sẵn sàng nhu yếu phẩm, phương tiện, lực lượng tại chỗ để xử lý các tình huống cứu hộ cứu nạn có thể xảy ra trong điều kiện bị mưa bão chia cắt, cô lập.
Ban chỉ đạo quốc gia về Phòng chống thiên tai cũng yêu cầu Bộ Công thương, Bộ NN-PTNT quản lý chặt chẽ công tác vận hành ở các công trình hồ đập; đảm bảo an toàn cho các công trình, dự án đang thi công, đặc biệt là các vị trí, khu vực xung yếu dễ gặp sự cố trong mưa lũ.