Đúng 19g ngày 27-4, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân chủ trì họp báo công bố nguyên nhân cá chết hàng loạt ở các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên-Huế.
Đây là cuộc họp báo đầu tiên về hiện tượng cá chết trên diện rộng từ ven biển Hà Tĩnh đến Thừa Thiên-Huế. Có khoảng 100 nhà báo tham dự cuộc họp báo này. Tham dự cuộc họp báo có lãnh đạo các Tổng cục, cục và các đơn vị của Bộ Tài nguyên và môi trường (TN-MT).
Cơ quan chuyên môn sẽ có khuyến cáo riêng về việc tắm biển cũng như đánh bắt cá tại các vùng biển xảy ra tình trạng cá chết trên.
20g: Cuộc họp báo kỳ quặc này đã kết thúc ngay sau phát biểu của ông Nhân khiến đại diện các cơ quan báo chí tham dự cuộc họp báo phẫn nộ, phản ứng. Không cơ quan báo chí nào được đặt câu hỏi với Bộ Tài nguyên và môi trường
19g50: Sau gần 1g chờ đợi, Bộ Tài nguyên môi trường vừa thông báo họp báo chuẩn bị bắt đầu.
Theo thứ trưởng Bộ Tài nguyên môi trường Võ Tuấn Nhân, hiện tượng cá chết hàng loạt trên diện rộng đang khiến người dân đặc biệt quan tâm. Bộ Tài nguyên môi trường đã thành lập nhiều đoàn công tác để kiểm tra.
Vụ việc tương tự đã từng xảy ra ở nhiều nước trên thế giới, nhưng để xác định nguyên nhân thì cơ quan chuyên môn phải nghiên cứu một cách có hệ thống. Trong số các chuyên gia hôm nay có chuyên gia từ Đại học Tokyo Nhật Bản và nhiều chuyên gia hàng đầu Việt Nam.
Theo ông Nhân, cơ quan chuyên môn đã thống nhất nhận định có hai nhóm nguyên tố chính. Một là do tác động độc tố hoá học của con người và trên biển. Thứ hai là do tác động của hiện tượng tảo nở hoa hay thủy triều đỏ.
“Hiện chưa thấy mối liên hệ với hoạt động của Formosa và các công ty trong khu vực với tình trạng cá chết hàng loạt này” – ông Nhân cho biết.
Các cơ quan chuyên môn sẽ tiếp tục nghiên cứu theo 2 hướng kể trên. Nếu cần thiết sẽ mời chuyên gia quốc tế kiểm chứng.
19g30: Cuộc họp báo vẫn chưa thể bắt đầu.
Theo giải thích của Bộ Tài nguyên và môi trường, Bộ đang chuẩn bị thông tin để công bố. Cuộc họp chiều nay của Bộ Tài nguyên và môi trường với các bộ ngành đã kéo dài hơn bốn tiếng rưỡi không nghỉ.
Bộ đề nghị các nhà báo nán lại để dự cuộc họp báo.
Đây là cuộc họp báo đầu tiên về hiện tượng cá chết trên diện rộng từ ven biển Hà Tĩnh đến Thừa Thiên-Huế. Có khoảng 100 nhà báo tham dự cuộc họp báo này. Tham dự cuộc họp báo có lãnh đạo các Tổng cục, cục và các đơn vị của Bộ Tài nguyên và môi trường (TN-MT).
Cuộc họp báo này được tổ chức sau hơn 20 ngày kể từ khi hiện tượng cá chết xuất hiện đầu tiên tại vùng nuôi lồng xã Kỳ Lợi, Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh ngày 6-4, sau đó lan rộng cá tự nhiên chết ra các vùng ven biển từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên – Huế.
Trước cuộc báo này, chiều nay 27-4, Bộ trưởng Bộ TN-MT Trần Hồng Hà đã chủ trì phiên họp kéo dài gần 5 tiếng đồng hồ cùng lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Bộ Khoa học và công nghệ, Bộ Y tế và các viện nghiên cứu để nghe báo cáo kết quả phân tích, xác định nguyên nhân cá chết.
18g45: Cuộc họp của chuyên gia 7 bộ ngành về nguyên nhân làm cá chết mới kết thúc. Bộ tài nguyên và môi trường thông báo họp báo sẽ bắt đầu trong 20 phút nữa.
***
Đúng 14g chiều 27-4, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên – Môi trường Trần Hồng Hà chủ trì phiên họp cùng lãnh đạo các Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn, Khoa học – Công nghệ, Y tế và lãnh đạo các viện nghiên cứu, nhà khoa học để nghe báo cáo kết quả xác định nguyên nhân cá chết trên diện rộng từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên – Huế.
Tuy nhiên, cuộc họp này được Bộ Tài nguyên – Môi trường thông báo không có thành phần báo chí tham dự.
Cuộc họp liên bộ xác định nguyên nhân cá chết chiều 27-4 được tổ chức tại trụ sở của Tài nguyên – Môi trường trong bối cảnh tình hình cá chết đã lan rộng tới ven biển Đà Nẵng.
Đáng nói, trái với thông tin Bộ này thông báo về việc sau cuộc họp của các bộ, ngành chiều 27-4, Bộ Tài nguyên – Môi trường sẽ thông tin về nguyên nhân cá chết, nhưng đến 15g chiều 27-4, trong khi cuộc họp giữa các bộ, ngành vẫn đang diễn ra, thông tin từ Bộ này cho biết sẽ không có cuộc họp báo nào được tổ chức sau cuộc họp của các bộ ngành.
Rất nhiều phóng viên các báo đài đã có mặt ở Bộ TN-MT đều nhận được thông tin không họp báo vào cuối giờ chiều 27-4, cũng không có thông tin nào chuyển tới các cơ quan báo chí về nội dung của cuộc họp.
Trước cuộc họp liên bộ về tình hình cá chết trên diện rộng trong tháng 4, rất nhiều Bộ, ngành như Bộ Tài nguyên – Môi trường, Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, Bộ Khoa học – Công nghệ, Bộ Y tế và các viện nghiên cứu đã vào cuộc kiểm tra, khảo sát, lấy mẫu phân tích xác định nguyên nhân cá chết nhưng đến nay vẫn chưa có câu trả lời với người dân.
Hiện tại, mới chỉ có Bộ NN&PTNT ra thông báo về ý kiến kết luận của thứ trưởng Vũ Văn Tám xung quanh vụ cá chết bất thường tại các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên – Huế diễn ra từ đầu tháng 4 tới nay có thể do độc tố có độc lực mạnh.
Kết quả phân tích ban đầu của Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 1 và Cục Thú y cho thấy cá chết bất thường không có biểu hiện bệnh lý, không tìm thấy tác nhân gây bệnh dịch thông thường, các thông số môi trường đều nằm trong giới hạn cho phép.
“Nguyên nhân cá chết nhanh bất thường trên diện rộng có thể do độc tố có độc lực mạnh như sinh học, hóa học hoặc các yếu tố khác”- thông báo của Bộ NN&PTNT cho biết.
Tương tự, tổ công tác liên ngành gồm các nhà khoa học của Viện Hóa học, Viện Vật lý Địa cầu, Viện Cơ học, Viện Tài nguyên và Môi trường Biển,Viện Địa chất và Địa vật lý Biển, Viện Sinh thái và Tài nguyên Sinh vật, Viện Công nghệ Vũ trụ, Viện Công nghệ Môi trường cũng đã lấy mẫu nước biển, mẫu cá, mẫu sinh vật biển để thực hiện phân tích, đồng thời thực hiện phân tích qua ảnh vệ tinh VNREDSat-1 và các ảnh vệ tinh khác và bước đầu đưa ra nhận định loại trừ nguyên nhân cá chết do tràn dầu.
Đồng thời cũng loại trừ hiện tượng các chết do sốc nhiệt do phá hủy bề mặt, bên trong vỏ hoặc những biến đổi địa tầng trong vỏ đại dương.
Riêng Bộ TN-MT, mặc dù đã vào kiểm tra, khảo sát, lấy mẫu phân tích tại những vùng ven biển có cá chết, kiểm tra tại các nhà máy trong khu công nghiệp Vũng Áng, tuy nhiên, đến ngày 27-4, Bộ TN-MT vẫn chưa công bố bất kỳ thông tin nào về nguyên nhân cá chết cũng như các kết quả kiểm tra.
Theo Tuổi Trẻ