Sau một thời gian dài tương đối ổn định, số ca mắc Covid-19 đang gia tăng trở lại tại nhiều quốc gia châu Á. Trong khi Hồng Kông, Singapore, Thái Lan và Trung Quốc ghi nhận sự gia tăng rõ rệt về số ca nhiễm và nhập viện, Ấn Độ hiện ghi nhận mức tăng nhẹ. Tuy nhiên, các cơ quan y tế vẫn duy trì cảnh giác trước nguy cơ bùng phát trên diện rộng do các biến thể mới xuất hiện.
Trong vài tuần gần đây, Singapore, Thái Lan và Hồng Kông đã ghi nhận sự gia tăng mạnh các ca nhiễm Covid-19.
Theo Bộ Y tế Singapore, số ca mắc tại nước này đã tăng từ 11.100 lên 14.200 chỉ trong một tuần (từ 27/4 đến 3/5/2025). Số ca nhập viện cũng tăng, tuy nhiên số ca nặng phải điều trị tại các khoa hồi sức tích cực (ICU) vẫn duy trì ở mức thấp.

Giới chức y tế Singapore cho biết, phần lớn bệnh nhân hiện điều trị Covid-19 không tiêm mũi nhắc lại trong hơn 1 năm – cho thấy khả năng miễn dịch suy giảm có thể là yếu tố then chốt.
Tại Thái Lan, hơn 33.000 ca đã được ghi nhận chỉ trong vòng 6 ngày (từ 11 – 17/5), với riêng Bangkok chiếm hơn 6.000 ca. Cục Kiểm soát Dịch bệnh nước này xác định biến thể phụ XEC của Omicron là nguyên nhân chính, và đợt bùng phát có thể đã trầm trọng hơn sau kỳ nghỉ lễ Songkran hồi tháng 4 – thời điểm diễn ra nhiều cuộc tụ họp đông người.
Hồng Kông cũng chứng kiến tỷ lệ dương tính với Covid-19 tăng mạnh, từ 6,21% lên 13,66% trong giai đoạn từ 6/4 – 12/5. Tiến sĩ Edwin Tsui, thuộc Trung tâm Bảo vệ Sức khỏe (CHP), cho biết Covid-19 đang có xu hướng bùng phát theo chu kỳ tại Hồng Kông, với các đợt dịch mới xuất hiện sau mỗi 6 đến 9 tháng do các biến thể liên tục tiến hóa và khả năng miễn dịch suy yếu.
Tại Trung Quốc, tỷ lệ dương tính tăng vọt từ 31/3 – 4/5. Trong nhóm bệnh nhân có triệu chứng giống cúm, tỷ lệ này tăng từ 7,5% lên 16,2%, còn ở nhóm bệnh nhân nhập viện, tỷ lệ đã tăng gấp đôi từ 3,3% lên 6,3%.
Các cơ quan y tế ở tất cả các quốc gia trên đều cho rằng sự tái bùng phát lần này là do các chủng virus mới đang lan rộng, kết hợp với sự suy giảm khả năng miễn dịch trong cộng đồng.
Cho đến nay, Ấn Độ vẫn chưa bị ảnh hưởng mạnh như các quốc gia láng giềng. Theo dữ liệu mới nhất của chính phủ Ấn Độ, cả nước hiện ghi nhận 257 ca Covid-19 đang trong quá trình điều trị, chủ yếu tập trung tại các bang Kerala, Tamil Nadu và Maharashtra. Các quan chức cho biết phần lớn các ca đều nhẹ, không ghi nhận những biểu hiện bất thường về mức độ nghiêm trọng hoặc tỷ lệ tử vong.
Theo Bộ Y tế Singapore, phần lớn số ca mắc Covid-19 hiện nay tại nước này liên quan đến hai dòng phụ mới của biến thể JN.1 – đó là LF.7 và NB.1.8. Hai dòng phụ này chiếm hơn 2/3 số ca nhiễm được giải trình tự gene tại địa phương. JN.1, xuất hiện vào năm 2024, là “hậu duệ” của biến thể Omicron BA.2.86 và đã được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) xếp vào nhóm biến thể đáng quan tâm từ cuối năm 2023.
Các dòng virus đang lưu hành hiện nay được cho là có khả năng né tránh miễn dịch hiệu quả hơn – dù là miễn dịch do tiêm vaccine hay do từng nhiễm bệnh trước đó.
Ngoài yếu tố miễn dịch suy giảm và sự xuất hiện của các biến thể mới, các yếu tố theo mùa, du lịch quốc tế và các cuộc tụ tập đông người cũng góp phần đáng kể vào đợt tăng mạnh các ca bệnh tại châu Á.
Theo các chuyên gia y tế, dù hầu hết các ca nhiễm hiện nay được đánh giá là nhẹ, nhưng số lượng ca tăng cao là lời cảnh tỉnh rõ ràng rằng Covid-19 vẫn chưa phải là mối đe dọa đã được xóa bỏ hoàn toàn.
Một phát ngôn viên của Phái đoàn Trung Quốc tại Văn phòng Liên hợp quốc tại Geneva ngày 20/5 đã kêu gọi Mỹ chấm dứt chính trị hóa việc truy tìm nguồn gốc Covid-19 và ngừng gây sức ép lên các tổ chức quốc tế.
Phát ngôn viên này nhấn mạnh rằng kể từ khi Covid-19 bùng phát, Trung Quốc đã chia sẻ thông tin và trình tự gen của loại virus này với cộng đồng quốc tế sớm nhất có thể.
Nước này cũng đã cung cấp vật tư y tế và hỗ trợ tài chính cho WHO và 153 quốc gia, bao gồm cả Mỹ. Điều này phản ánh cam kết của Trung Quốc trong việc bảo vệ lợi ích chung của toàn thể nhân loại.
Nhà ngoại giao Trung Quốc cho hay, nước này ủng hộ việc truy tìm nguồn gốc Covid-19 do WHO dẫn đầu và đã nhiều lần mời các nhóm chuyên gia của WHO đến Trung Quốc để cùng nghiên cứu.
Những nỗ lực này đã đưa ra kết luận khoa học có thẩm quyền rằng việc rò rỉ Covid-19 từ phòng thí nghiệm của Trung Quốc là “cực kỳ khó xảy ra”, chứng minh sự cởi mở và minh bạch của Trung Quốc về vấn đề này, người phát ngôn cho biết.