Kiểm tra tồn dư chất cấm tại các lò mổ quy mô lớn trên địa bàn TP.HCM, cơ quan chức năng phát hiện nhiều nguồn heo từ các tỉnh đổ về TP.HCM dính chất cấm với hàm lượng cao báo động.
Ngày 19-1, Chi cục thú y TP.HCM cho biết sau 9 ngày ra quân (từ 8 đến 17-1) kiểm tra tồn dư chất cấm tại các lò mổ quy mô lớn trên địa bàn TP.HCM, đơn vị phát hiện nhiều nguồn heo từ các tỉnh đổ về TP.HCM dính chất cấm với hàm lượng cao báo động.
Theo đó, nhằm kiểm soát thực phẩm phục vụ tết dương lịch, nguyên đán 2016 Chi cục thú y TP.HCM đã thành lập 3 đoàn thanh tra đột xuất kiểm tra tồn dư chất cấm trên heo tại năm lò mổ tập trung lượng heo lớn tại TP.HCM gồm An Hạ (Củ Chi), Phước Kiển (Nhà Bè), Bình Tân (Q.Bình Tân), 213 (Q.8) và Nam Phong (Q.Bình Thạnh).
Kết quả cho thấy, trong 59 lô heo được lấy mẫu xét nghiệm có 18 lô, với tổng đàn 864 con heo dương tính với chất cấm sabultamol (tạo nạc, tăng trọng).
Các lò có heo chứa chất cấm cao gồm Phước Kiển có 5 lô, 213 có 5 lô, Nam Phong có 4 lô, An Hạ có 3 lô và Bình Tân có 1 lô.
Đặc biệt, trong số 5 tỉnh có heo bị dính chất cấm lần này Bình Thuận chiếm áp đảo 8 lô với 456 con heo, Tiền Giang 5 lô với 156 con heo, Long An và Đồng Nai 2 lô với 222 con heo và Vũng Tàu 1 lô với 30 con heo.
Hàm lượng chất cấm tồn dư trong heo đợt này khá cao ở mức gần 9.400bbp, tức gấp trên 4.700 lần mức cho phép (ppb là hàm lượng chất cấm trên một mẫu, theo quy định từ 2ppb trở lên là dương tính).
Các lô heo có hàm lượng tồn dư chất cấm cao này là của chủ hàng Phạm Thị Diễm Thúy (Long An).
Theo chi cục Thú y TP.HCM, trong số 15 chủ hàng vi phạm lần này có tới 13 người tái phạm nhiều lần. Đặc biệt, trường hợp bà Lê Thị Bích Liễu (có chồng là ông Trần Vĩnh Long, Bình Thuận) vi phạm đến lần thứ 5.
Một cán bộ trong đoàn kiểm tra đánh giá, với số liệu kiểm tra trong vòng 9 ngày cho thấy tình trạng sử dụng chất cấm trong chăn nuôi không hề giảm, mà có chiều hướng tăng báo động.
“Điều chúng tôi đặt nghi vấn là huyện Hàm Tân, Bình Thuận đứng đầu về danh sách số lô và số lượng heo dính chất cấm, trong khi huyện này có tổng đàn heo không cao, trong vòng hơn một tuần đã xuất bán gần 500 con. Có nhiều khả năng heo được chuyển từ các tỉnh về Bình Thuận sau đó cấp giấy chứng nhận vào TP.HCM tiêu thụ”- một cán bộ Thú y đánh giá.
Chi cục Thú y TP.HCM cho biết, chi cục đã có công văn gửi chi cục Thú y hai tỉnh Bình Thuận và Đồng Nai đề nghị kiểm tra xác minh 3 trang trại và 2 hộ gia đình có heo dính chất cấm.
Hoàng Lộc
Theo Tuổi Trẻ