Cầm gói mình chính lên tay, không có máy móc nào có thể phân biệt được chính xác đâu là mì chính thật, đâu là mì chính giả mà chỉ có thể phân biệt được bằng mắt thường, bằng kinh nghiệm.
Đó là khẳng định của anh Nguyễn Văn Cung – một mối chuyên đánh buôn hàng tại khu chợ Thổ Tang (thủ phủ hàng giả lớn nhất miền Bắc) khi kể chuyện biến những gói mì chính giả thành mì chính có thương hiệu nổi tiếng.
Phần mềm soi hàng giả cũng bó tay
Tự tin cầm chiếc điện thoại smartphone có cài phần mềm icheck chuyên kiểm tra hàng giả, hàng thật để về quê đi mua sắm đồ Tết, chị Đinh Thị Hương Lan (Thị trấn Thổ Tang, Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc) phát hoảng khi sử dụng phần mềm này trên điện thoại để soi vào mã mạch có trên hai gói mì chính một giả, một thật ra soi, phần mềm cho kết quả: cả hai đều là hàng công ty chuẩn 100%.
Chị Lan kể, dịp đầu tháng 1, tranh thủ về quê chơi chị đi sắm Tết trước cho mẹ chồng. Khi vào khu chợ Thổ Tang (chợ Giang), chị tìm đến một hàng tạp hóa ở ngay đầu cổng chợ hỏi mua mì chính, liền được chủ hàng hỏi lại chị là mua hàng giá rẻ hay hàng công ty, bởi hàng giá rẻ chỉ 18.000 đồng/gói nhãn hiệu Ajnomoto 400g, còn hàng công ty cùng loại, cùng trọng lượng giá lên đến 27.000 đồng/gói.
Mẹ chồng tôi nói ở khu chợ này bán buôn là chủ yếu, còn bán lẻ ít và chỉ bán cho dân địa phương nên họ không giấu chuyện hàng giá rẻ (hàng giả) và hàng công ty làm gì. Song, khi thấy chủ hàng nói vậy chị vẫn tự mình kiểm tra xem gói mì chính nào là hàng giả.
“Kết quả thật không thể ngờ. Phần mềm chuyên soi hàng giải của tôi đem ra soi vào mã mạch của hai gói mì chính (1 gói mì chính giả, 1gói mì chính thật) đều cho kết quả 100% là hàng công ty”, chị Lan nói.
Chị Lê Thị Mơ cũng thấy hoang mang khi phần mềm chị dùng để kiểm tra hàng thật giả ở dưới Hà Nội mà về chợ Thổ Tang lại không phát huy tác dụng. “Vẫn phần mềm đó, hồi rằm Trung thu tôi đi chợ còn kiểm tra được bánh trung thu giả, thế mà về Thổ Tang thì bó tay. Phần mềm kiểm tra mì chính, bột canh toàn cho kết quả ra hàng chuẩn, xịn, hàng của công ty mặc dù hàng đó được người bán nói là hàng giả”, chị Mơ chia sẻ.
May rủi phân biệt được bằng mắt thường
Về chợ Thổ Tang, trong vai một mối muốn nhập các loại mì chính giả với số lượng lớn để đánh buôn lên các tỉnh miền núi, phóng viên được anh Nguyễn Văn Cung – một mối chuyên đánh buôn hàng tại khu chợ Thổ Tang tiết lộ, mì chính ở Thổ Tang có hai loại gồm giá rẻ (tức hàng giả) và hàng công ty. Hai loại mì chính này được bán song hành nhau tại các đại lý cũng như các hàng tạp hóa tại chợ Thổ Tang.
Anh Cung nói và cho biết, mì chính thật, giả ở Thổ Tang được bán công khai, dân buôn như anh cần hàng loại nào thì đại lý bán cho loại đó chứ họ không lừa dân buôn.
Tuy nhiên, khi đề cập đến vấn đề mì chính giả tại sao dùng phần mềm chuyên kiểm tra hàng giả cũng không thể nhận biết, anh Cung cười tiết lộ: “Không có máy móc nào có thể kiểm tra được mì chính thật – giả tại chợ này, kể cả bao bì và nhãn mác có khác nhau đôi chút, nhưng soi máy kiểm tra vẫn ra hàng công ty (bao bì gói do công ty thanh đổi), trừ khi đem mì chính đi kiểm nghiệm. Còn, bình thường dân buôn ở đây họ chỉ phân biệt bằng mắt thường thôi”.
Anh Cung giải thích, mì chính giả đều nhập từ Trung Quốc, đóng trong những bao tải 50kg. Sau khi nhập về, các đại lý thuê người chia nhỏ để đóng gói vào các loại túi theo trọng lượng 200g, 400g, 900g, 1kg, 2kg. Khách yêu cầu với bao bì nhãn mác của các thương hiệu lớn nào sẽ có thương hiệu đó ngay, khi xuất buôn cho các đầu mối giá rẻ chỉ bằng một nửa mì chính do công ty sản xuất.
Lý giải việc phần mềm không thể phát hiện ra mì chính giả khi soi mã vạch, anh C. cho hay đó là do bao bì của công ty bị tuồn ra ngoài và được dân làm hàng giả mua lại (nói theo cách dễ hiểu thì mì chính ruột Trung Quốc còn vỏ công ty).
“Dân buôn thì chỉ cần nhìn qua là biết ngay”. Anh C. cầm hai gói mì chính nhãn hiệu Ajnomoto loại 400g lên cho biết, 1 gói mì chính là hàng giả, một gói là hàng thật.
Có thể phân biệt bằng hai cách: Cách thứ nhất, nếu nhìn vào gói mì chính giả sẽ thấy 4 mép của gói mì chính có sự khác biệt nhau. Cụ thể, mép trên của gói mì chính do được dập bằng máy thủ công nên phần mép dập đó thỉnh thoảng vẫn có những nốt nhỏ lấm tấm. Sờ mép dập này có cảm giác cứng cứng, không được mềm mại như ba mép dập còn lại. Trong khi đó, mì chính của công ty sản xuất, 4 mép dập đều như nhau, mềm, mịn, không có những nốt lấm tấm.
“Cách thứ hai là nhìn cánh mì chính. Mì chính giả cánh thường sắc, không vuông thành, mì chính thật cánh nhìn vuông góc. Nói thế để biết thôi chứ phân biệt thật giả bằng cánh mì chính thường chỉ có dân trong nghề va chạm nhiều mới có thể phân biệt nổi, chứ người dân đi mua nhìn kiểu gì cũng thấy chúng giống nhau”, anh C. nói.
B. Hân
Theo Vietnamnet