Với cá tính và quan điểm khá tương đồng, Putin đã giành lời khen ngợi cho Trump, trong khi tỷ phú Mỹ cũng có những đề xuất chính sách thuận lợi đối với Nga.
Hai nhiệm kỳ tổng thống trước, ứng viên tổng thống đảng Cộng hòa John McCain, đã nói rằng, khi ông nhìn chằm chằm vào đôi mắt của Putin, ông “nhìn thấy ba chữ cái: K, G và B”, ám chỉ đến việc ông Putin từng là điệp viên của Cơ quan tình báo Liên Xô.
Donald Trump, ứng viên tổng thống đảng Cộng hòa năm 2016 lựa chọn “dang tay ôm” nhà lãnh đạo Nga chứ không phê bình ông ấy.
Theo CNN, trong nhiều tháng, Trump gọi Putin là một nhà lãnh đạo mà ông sẽ “có quan hệ tốt” – mối quan hệ đó bắt nguồn từ việc hai người có quan điểm, cá tính, và trong một số trường hợp là các mục tiêu chính sách tương tự nhau. Đây là mối “tình anh em” khiến những thành viên cốt cán của đảng Cộng hòa cho rằng ý thức hệ của Trump không đồng điệu với đảng.
Putin hôm 17/12 ca ngợi Trump là “thông minh, tài năng” và là “người dẫn đầu tuyệt đối trong cuộc đua tổng thống”, tỷ phú chỉ vài giờ sau đã đáp lại rằng lời khen ngợi của Putin là một “vinh dự lớn”.
“Ông ấy dẫn dắt đất nước mình, và ít nhất, ông ấy là một nhà lãnh đạo, không giống người chúng ta có ở đất nước này”, Trump nói trên truyền hình.
Thượng nghị sĩ John McCain đã nói đùa về việc Putin khen ngợi Trump, gọi hai người là “một cặp trời sinh”. McCain không phải là người duy nhất so sánh hai người với nhau.
Phong cách tương tự
“Về phong cách, họ khá giống nhau”, Masha Gessen, một nhà báo từng viết sách về Putin nói. “Cả hai đều có thái độ cứng rắn. Ông Putin tôn trọng những người chiến đấu và có quan điểm quyết liệt”, Gessen nói. “Ông ấy muốn một đối thủ mạnh mẽ, một người ông ấy có thể hiểu được”.
Trump và Putin, hai người đàn ông đã cẩn thận xây dựng hình ảnh của họ trong hai thập kỷ qua, đều nổi tiếng về tính cách thẳng thắn và táo bạo.
Đối với Putin, sức mạnh là trọng tâm của cuộc chơi và là cơ sở của hình ảnh mà ông xây dựng tại đất nước và trên trường quốc tế.
Truyền thông trong nước thường công bố những hình ảnh ông tham gia các hoạt động vận động ngoài trời, thường để ngực trần, từ săn bắn, câu cá, cho đến cưỡi ngựa. Tại các diễn đàn quốc tế với các lãnh đạo nước ngoài khác, Putin đã thể hiện được khí khái tự tin cùng với sự lãnh đạm.
Trong khi đó, khi tỷ phú Trump bước vào cuộc đua tổng thống mùa hè vừa qua, ông ngay lập tức thể hiện hình ảnh mạnh mẽ, gọi các đối thủ là “yếu” và “ít năng lượng”. Xây dựng con đường chính trị bằng các bình luận gây tranh cãi liên tiếp, Trump không bao giờ chùn bước.
Với cách ông Trump mô tả, thì lập trường quốc tế chính quyền của ông, nếu ông đắc cử, sẽ có phần giống Putin – nhà lãnh đạo được ghi nhận bởi sự ngoan cường, táo bạo và chấp nhận rủi ro, như ông Trump thường nói trong chiến dịch tranh cử: “Tôi sẽ rất cứng rắn, các bạn sẽ không tưởng tượng được đâu”.
Cả Trump và Putin dường như đều nhìn thế giới qua lăng kính tương tự nhau: đó là trò chơi một mất một còn, và các kẻ thù rình rập khắp nơi.
“Putin cho rằng Nga bị kẻ thù bao vây và công việc của một tổng thống là phải đủ mạnh để xua đuổi những mối đe dọa đó”, Gessen nói. Trump cũng thấy Mỹ đang phải đối mặt với một thế giới đầy kẻ thù và đối thủ, với các nhà lãnh đạo “khôn ngoan” hơn Mỹ rất nhiều.
“Trung Quốc đang giết chúng ta. Mexico đang giết chúng ta. Nhật Bản đang giết chết chúng ta”, Trump nhiều lần nói vậy trong chiến dịch tranh cử suốt 6 tháng qua, khi bàn về thương mại, một trong những vấn đề chính ông tập trung. “Họ đang ăn mất bữa trưa của chúng ta”, Trump nói.
Điều đó giải thích tại sao hình ảnh của Putin, và sự tương phản của ông với tổng thống Barack Obama, người thiên về ngoại giao, lại hấp dẫn với ông Trump.
Chính sách có lợi cho Nga
“Ông ấy (Trump) đang cố gắng thể hiện rằng Putin mạnh mẽ và Mỹ cần một người mạnh mẽ để đối phó với ông ấy”, Charlie Black, một cố vấn hàng đầu cho ông John McCain trong chiến dịch tranh cử tổng thống năm 2008 nói.
Nikolas Gvosdev, cây bút trên National Interest, cho rằng, việc ông Putin khen ngợi Trump, một người bị nhiều chính trị gia và dư luận chỉ trích và châm biếm, có thể là cách ông chơi khăm Mỹ, trong một nỗ lực để nói rằng Mỹ cần nhà lãnh đạo có phong cách giống Putin.
Tuy nhiên, Gvosdev cũng cho rằng lời khen của ông Putin phản ánh thái độ của ông với chính trường Mỹ. Putin đã làm việc với hai tổng thống Mỹ hứa hẹn sẽ tạo ra những thay đổi lớn trong quan hệ Mỹ – Nga. Nhưng ông Putin cho rằng lãnh đạo Mỹ không đầu tư chính trị nghiêm túc và chấp nhận rủi ro để tạo ra thay đổi thực chất. Những lời khen ngợi về Trump cho thấy Putin mong muốn có một lãnh đạo phương Tây, sẽ ngồi cùng ông để bàn bạc theo phong cách thế kỷ 19 – trao đổi ảnh hưởng để hợp tác.
Việc ông Trump phớt lờ quan điểm của đảng Cộng hòa, vốn có cái nhìn không mấy thiện cảm với Putin và giữ lập trường cứng rắn với tổng thống Nga, cho thấy “trên hết Donald vẫn hành động như một người nổi tiếng, và không phải là một người đề xuất chính sách hay nhà quan sát trường quốc tế nghiêm túc”, Black nhận xét.
Trump có một số quan điểm về chính sách có lợi cho Putin, về một số điểm nóng quốc tế, đặc biệt là Syria. Putin đã tăng cường can thiệp quân sự tại nước này trong hai tháng gần đây, nhiều người ở Washington xem Putin là thách thức sự hiện diện của Mỹ trong khu vực.
Trong khi gần như tất cả ứng viên tổng thống đảng Cộng hòa đều chỉ trích Obama là quá mềm mỏng trong cuộc chiến chống IS và kêu gọi thúc đẩy sự tham gia của bộ binh Mỹ ở Syria, Trump đã lập luận ngược lại.
Mặc dù nói rằng ông sẽ “ném bom tận diệt IS” ở Iraq, Trump lại phản đối việc tăng cường sự hiện diện của Mỹ ở Syria và ủng hộ một vai trò lớn hơn cho người bạn mới của mình ở phía Đông.
“Nga muốn loại bỏ IS. Chúng ta cũng muốn loại bỏ IS. Có lẽ nên để cho Nga làm điều đó. Hãy để cho họ làm, chúng ta quan tâm làm quái gì?”, Trump nói trên chương trình truyền hình “60 phút” vào tháng 9. Cuộc phỏng vấn này được phát sóng cùng với cuộc phỏng vấn của Putin. Trong chiến dịch tranh cử, Trump nhiều lần nhắc đến nó như một lần xuất hiện chung giữa hai người.
Và ở Ukraine, nơi Nga sáp nhập bán đảo Crimea vào năm ngoái và bị cáo buộc hậu thuẫn phiến quân ly khai ở miền Đông, ông Trump cũng kêu gọi Mỹ có “dấu chân nhẹ hơn”, mặc dù phần lớn thành viên trong đảng của ông kêu gọi hành động mạnh mẽ.
Ông Trump nói rằng Mỹ “nên làm ít đi” ở Ukraine – nơi Mỹ tìm cách hỗ trợ Kiev khi đối đầu với Moscow. Ông Trump kêu gọi các đồng minh châu Âu như Đức đảm nhận vai trò dẫn dắt trong căng thẳng này với Nga. Tuyên bố của Trump cũng phớt lờ những lo ngại của Washington rằng Nga có thể đe dọa các đồng minh Đông Âu chủ chốt như Ba Lan.
Như vậy, tại cả Syria và Ukraine, đề xuất chính sách đối ngoại của Trump sẽ khiến Putin rảnh tay hơn.
“Sao mà Putin lại không thích ông ấy được cơ chứ?” Leon Aron, cố vấn hàng đầu về Nga trong chiến dịch tranh cử tổng thống năm 2012 của Mitt Romney, nhận xét. “Đây là một người không biết gì về lịch sử Nga, con đường của Putin, chính sách chính trị trong nước của Putin, nội tình Nga từ năm 2000 kể từ khi Putin dẫn dắt đất nước. Có lẽ Trump chỉ tập trung vào những gì ông ấy đọc trên các tít báo”.
“Đó sẽ là một tổng thống Mỹ tuyệt vời đối với Nga”, Aron kết luận.
Phương Vũ
Theo Vnexpress