Việc Tổng thống Iran Ebrahim Raisi thiệt mạng có thể châm ngòi cho một cuộc cạnh tranh quyền lực gay gắt tại quốc gia Trung Đông này.
Tổng thống thiệt mạng, Phó tổng thống lên thay
Ngày 20/5, Tổng thống Iran Ebrahim Raisi được xác nhận đã thiệt mạng trong một vụ tai nạn máy bay trực thăng.
Theo truyền thông nhà nước Iran, ông Raisi, cùng Ngoại trưởng Iran và 7 quan chức khác cùng đi trên chiếc trực thăng Bell 212, bị rơi khi hạ cánh xuống vùng Varzaqan phía bắc Iran vào tối 19/5 theo giờ địa phương.
Ông Ebrahim Raisi sinh năm 1960, là Tiến sĩ luật tại Đại học Shahid Motahari. Ông bắt đầu sự nghiệp của mình với tư cách là một công tố viên vào đầu những năm 1980 và thăng tiến từ vị trí tổng công tố viên của Tehran năm 1994 lên chức chánh án nước này vào năm 2019.
Ông Raisi trở thành tổng thống Iran vào ngày 19/6/2021 trong một cuộc bầu cử có tính cạnh tranh thấp nhất lịch sử. Nhiều người Iran có tư tưởng cải cách đã từ chối tham gia một cuộc bầu cử được nhiều người coi là một kết quả đã được định trước. Tổng tỷ lệ cử tri đi bầu chỉ là 48,8% – thấp nhất kể từ khi thành lập Cộng hòa Hồi giáo Iran vào năm 1979.
Ông Raisi được bầu làm tổng thống vào năm 2021 và theo lộ trình thông thường, một cuộc bầu cử Tổng thống dự kiến diễn ra vào năm 2025. Tuy nhiên, do sự cố bất ngờ, nhiều khả năng quốc gia Hồi giáo tại Trung Đông này sẽ phải thay người lãnh đạo.
Theo điều 131 trong hiến pháp Cộng hòa Hồi giáo quy định, nếu một tổng thống qua đời khi tại chức thì phó tổng thống thứ nhất sẽ lên nắm quyền, với sự xác nhận của nhà lãnh đạo tối cao, người có tiếng nói cuối cùng trong mọi vấn đề nhà nước ở Iran. Phó tổng thống thứ nhất tại nước này hiện là ông Mohammad Mokhber.
Bên cạnh đó, một hội đồng gồm có Phó Tổng thống thứ nhất, Chủ tịch Nghị viện Iran và người đứng đầu cơ quan tư pháp phải tổ chức bầu cử Tổng thống mới trong thời gian tối đa là 50 ngày. Như vậy, một cuộc bầu cử Tổng thống mới có thể diễn ra ngay trong tháng 7.
Thời khắc khó khăn
Mặc dù còn nhiều nghi vấn, nhưng việc Tổng thống Raisi tử nạn chắc chắn sẽ làm rung chuyển nền chính trị Iran.
Nó sẽ buộc chế độ này phải tìm một Tổng thống mới trong thời gian ngắn vào thời điểm khó khăn khi vước này đang tham gia vào một cuộc chiến tranh khu vực bao gồm hành động quân sự trực tiếp của Iran và mạng lưới các lực lượng ủy nhiệm trong khu vực của nước này.
Các đối thủ của Iran, bao gồm Mỹ, Israel và Arab Saudi, đang xem xét tăng cường liên kết an ninh để chống lại Iran. Nền kinh tế đang suy thoái và có thể bị ảnh hưởng nặng nề hơn nếu Mỹ thắt chặt các lệnh trừng phạt.
Về mặt bản chất, ông Raisi không phải là một chính trị gia không được lòng dân, và cũng không thực sự có tiếng nói trong nhiều quyết định chính sách quan trọng nhất của Iran vì người thực sự có quyền là lãnh đạo tối cao của nước này là Ali Khamenei.
Tuy nhiên, ông Raisi lại là một ứng cử viên đồng thuận lý tưởng cho một chế độ bè phái. Những người bảo thủ tôn giáo đã hy vọng ông sẽ thúc đẩy lợi ích của họ; và các quân nhân của Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo (IRGC) cũng vậy. Giờ đây, việc phải tìm ra một ứng viên Tổng thống có sự đồng thuận từ 2 phía này là rất khó khăn.
IRGC dường như đang ở thế thượng phong về mặt chính trị, khi nhóm này đang có tầm ảnh hưởng lớn sau cuộc tấn công chưa từng có của Iran nhằm vào Israel. Tuy nhiên, điều đó không nhất thiết có nghĩa là họ sẽ muốn bổ nhiệm Tổng thống, một phần vì người giữ chức vụ đó bị công chúng đổ lỗi cho tình hình kinh tế khó khăn của Iran.
Tiền đề cho sự thay đổi chế độ tại Iran
Ở một khía cạnh khác, ông Raisi còn là 1 trong 2 ứng viên trở thành lãnh đạo tối cao thay cho ông Ali Khamenei – người đã bước sang tuổi 85 vào tháng trước. Ứng viên thứ 2 là con trai thứ hai của ông Khamenei – Ali Mojtaba, giờ đây sẽ “rộng cửa” hơn cho việc nắm quyền thay cha mình.
Trong trường hợp ông Mojtaba lên nắm quyền, Iran có thể phát triển từ một chế độ quân sự và giáo sĩ lai thành một chế độ thiên về quân sự hơn. Điều đó có thể có nghĩa là chủ nghĩa bảo thủ tôn giáo ở trong nước sẽ ít hơn nhưng lại có nhiều sự đối kháng hơn ở nước ngoài.
Theo Economist, Reuters
Minh Ý / Vietnamfinance