Các tổ chức tài chính phương Tây tại Trung Quốc đã cắt giảm nhân sự nhiều nhất trong nhiều năm sau khi sự suy thoái của thị trường ảnh hưởng đến lợi nhuận và ngăn cản đà mở rộng tại nước này.
Các đợt cắt giảm vào năm 2023 diễn ra khi năm trong số bảy đơn vị chứng khoán Trung Quốc thuộc phương Tây đã thua lỗ hoặc báo cáo lợi nhuận giảm mạnh, theo các báo cáo thường niên mới công bố. Bảy đơn vị này đã tuyển dụng 1.781 người vào năm ngoái, giảm 13% so với năm 2022.
Hoạt động trên thị trường vốn của Trung Quốc đã chậm lại do nền kinh tế suy yếu, ảnh hưởng bởi sự suy thoái kéo dài của thị trường bất động sản và hậu quả từ căng thẳng địa chính trị gia tăng giữa Washington và Bắc Kinh.
“Các ngân hàng đầu tư phương Tây đang mắc kẹt trong một vòng luẩn quẩn”, ông Han Lin, giám đốc quốc gia Trung Quốc tại công ty tư vấn The Asia Group, cho biết.
“Dòng giao dịch yếu đồng nghĩa với việc ít đầu tư hơn vào năng lực trong nước, điều này hạn chế dòng giao dịch tiếp theo”, ông Han nhận định thêm.
Một số ngân hàng “đang hết kiên nhẫn khi các cơ hội ở Ấn Độ, Đông Nam Á và Mỹ có vẻ hứa hẹn hơn”, vị chuyên gia này nhận định.
Kinh tế tăng trưởng với tốc độ khiêm tốn
Các cuộc khảo sát đối với các nhà quản lý nhà máy Trung Quốc cho thấy triển vọng trái chiều đối với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới vào tháng 6, với mức tăng trưởng ổn định nhưng không mấy khởi sắc.
Chỉ số nhà quản lý mua hàng (PMI) của Liên đoàn Hậu cần và Mua sắm Trung Quốc (CFLP), vẫn ở mức 49,5, giống như tháng 5, trên thang điểm lên tới 100.
Hãng thông tấn Tân Hoa Xã dẫn lời ông Triệu Khánh Hòa, chuyên gia thống kê cấp cao của Cục Thống kê Quốc gia cho biết: “Xét về góc độ sản lượng, nền kinh tế Trung Quốc đang duy trì đà tăng trưởng, nhưng động lực phục hồi vẫn cần được củng cố”.
Chỉ số PMI cho các đơn đặt hàng xuất khẩu mới giảm từ 49,6 xuống 49,4, phản ánh những ảnh hưởng sau khi Liên minh châu Âu và Mỹ lên kế hoạch tăng thuế nhập khẩu xe điện từ Trung Quốc .
Một cuộc khảo sát khu vực tư nhân do tập đoàn truyền thông tài chính Caixin công bố ngày 1/7 lạc quan hơn, tăng lên 51,8 từ mức 51,7 của tháng trước. Theo đó, đây là mức tăng trưởng sản lượng nhà máy nhanh nhất trong hai năm. Các nhà phân tích đã dự báo rằng con số này sẽ giảm.
Nhưng trong khi tâm lý vẫn tích cực, mức độ tin tưởng của các nhà quản lý mua hàng đã giảm xuống mức thấp nhất trong hơn bốn năm rưỡi do lo ngại về sự cạnh tranh gay gắt và điều kiện thị trường không chắc chắn, Caixin cho biết.
Các cuộc khảo sát không đưa ra nhiều thông tin chi tiết về việc liệu các biện pháp khác nhau nhằm thúc đẩy lĩnh vực bất động sản, chẳng hạn như cắt giảm lãi suất thế chấp và tiền trả trước, có tác động nhiều đến sự suy thoái toàn ngành sau đợt trấn áp tình trạng vay nợ quá mức của các chủ đầu tư hay không.
Capital Economics cho biết trong một báo cáo rằng: “Chỉ số PMI tháng 6 có sự phân hóa nhưng nhìn chung cho thấy quá trình phục hồi đã mất đi một số động lực vào tháng trước”.
Chỉ số PMI chính thức cho ngành sản xuất công nghệ cao đã tăng lên 52,3 vào tháng 6 từ mức 50,7 vào tháng 5, phản ánh nỗ lực của chính phủ nhằm thúc đẩy đầu tư vào việc nâng cấp nhà máy và thiết bị trong các ngành công nghiệp mới như chip máy tính và xe điện .
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đưa sự phát triển của các ngành công nghiệp tiên tiến này thành ưu tiên hàng đầu, một chủ đề có khả năng sẽ chi phối cuộc họp sắp tới của các quan chức cấp cao của Đảng Cộng sản cầm quyền khi họ họp vào cuối tháng này.
Theo Financial Times, AP
Hải Đăng / Vietnamfinance