Mỹ mới đây đã mở rộng các lệnh trừng phạt chống lại Nga, khi các nhà lãnh đạo của nhóm 7 nước công nghiệp tiên tiến (G7) chuẩn bị tập trung tại Ý để dự hội nghị thượng đỉnh, với những ưu tiên hàng đầu sẽ là tăng cường hỗ trợ cho Ukraine.
Gói trừng phạt được công bố ngày 12/6 nhắm vào các công ty Trung Quốc giúp Nga theo đuổi cuộc chiến ở Ukraine và tăng tính răn đe với các tổ chức tài chính nước ngoài làm việc với các thực thể Nga bị trừng phạt.
Gói này cũng nhắm vào cơ sở hạ tầng tài chính của Nga, nhằm hạn chế lượng tiền chảy vào và ra khỏi Nga. Ngay sau khi lệnh trừng phạt được công bố, Sở giao dịch Moscow tuyên bố sẽ đình chỉ các giao dịch bằng đồng USD và EUR.
Hơn 300 biện pháp trừng phạt mới phần lớn nhằm ngăn chặn các cá nhân và công ty ở các quốc gia bao gồm Trung Quốc, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất và Thổ Nhĩ Kỳ giúp Moscow vượt qua các rào cản của phương Tây để có được công nghệ quan trọng.
Cụ thể, 7 công ty có trụ sở tại Trung Quốc và Hồng Kông đã bị nhắm mục tiêu vì vận chuyển hàng triệu USD vật liệu sang Nga, bao gồm cả những vật phẩm có thể được sử dụng trong hệ thống vũ khí của Nga.
Các quan chức Mỹ cho biết Trung Quốc là nhà cung cấp linh kiện quan trọng hàng đầu cho Nga, cung cấp cả công nghệ của Trung Quốc và phương Tây.
Cùng ngày 12/6, Mỹ đã trừng phạt một công ty quốc phòng nhà nước Trung Quốc với cáo buộc đã vận chuyển thiết bị quân sự để sử dụng trong lĩnh vực quốc phòng của Nga.
Mặc dù các biện pháp trừng phạt không chặn được hết dòng hàng hoá tới Nga, nhưng mục đích là khiến Nga gặp khó khăn hơn trong việc tìm kiếm công nghệ quan trọng cũng như tăng giá hàng hóa.
Gói này cũng nhằm mục đích cản trở sự phát triển của ngành năng lượng của Nga và các nguồn tiền mặt trong tương lai, bao gồm các dự án khí đốt tự nhiên hóa lỏng ở Bắc Cực đã được một công ty Trung Quốc vận chuyển công nghệ LNG quan trọng.
Theo AP, gói trừng phạt mới nhất nhắm tới hơn 100 triệu USD thương mại giữa Nga và các nhà cung cấp cho cuộc chiến của nước này.
Thông báo này được đưa ra ngay trước khi Tổng thống Joe Biden đến Ý, nơi ông và các nhà lãnh đạo G7 khác đang khẩn trương xem xét hỗ trợ Ukraine, bao gồm cả việc biến tài sản bị đóng băng của Nga thành hàng tỷ USD hỗ trợ cho Kyiv.
Mỹ đã trừng phạt hơn 4.000 doanh nghiệp và cá nhân Nga kể từ khi chiến sự Ukraine bắt đầu, trong nỗ lực nhằm bóp nghẹt dòng tiền và vũ khí đổ vào Moscow. Tuy nhiên, các công ty mới liên tục xuất hiện khi Nga cố gắng tái thiết lại chuỗi cung ứng.
Ông Aaron Forsberg, Giám đốc Chính sách và Thực thi Trừng phạt Kinh tế của Bộ Ngoại giao Mỹ, nói với tờ Associated Press (AP): “Chúng tôi phải thành thật với chính mình rằng ông Putin là một đối thủ rất có năng lực, sẵn sàng thích nghi và tìm kiếm những người sẵn sàng cộng tác”.
Do đó, ông Aaron cho rằng các lệnh trừng phạt chống lại Nga là một “vấn đề linh hoạt”.
Theo AP
Linh Anh / Vietnamfinance