Người phát ngôn Điện Kremlin Dimitry Peskov khẳng định rằng việc Liên minh châu Âu (EU) cấm vận khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) của Nga sẽ mang lại lợi ích lớn nhất cho các nhà sản xuất Mỹ.
Quyết tâm “cai nghiện” LNG Nga
Tuần trước, truyền thông phương Tây trích dẫn các nguồn ngoại giao giấu tên cho biết gói trừng phạt thứ 14 của EU liên quan đến chiến sự Ukraine sẽ giáng đòn cấm vận lên LNG của Nga, một mặt hàng mà các gói trừng phạt trước đó chưa hề đề cập tới.
Đòn giáng mới dự kiến sẽ bao gồm lệnh cấm vận chuyển trong khối và ảnh hưởng tới 3 dự án sản xuất LNG của Nga.
Phát biểu trước báo giới cuối tuần qua, đề cập tới việc LNG đang “nằm trong tầm ngắm” của các quan chức EU, người phát ngôn Điện Kremlin khẳng định rằng các nhà sản xuất Nga sẽ tìm cách vượt qua các đòn trừng phạt tiềm tàng đối với hoạt động xuất khẩu LNG.
Ông Peskov nhấn mạnh thêm rằng bất kỳ hạn chế nào đối với khí LNG của Nga cùng với nỗ lực “ép” nước này ra khỏi thị trường năng lượng sẽ chỉ dẫn đến giá khí đốt cao hơn đối với người tiêu dùng EU.
Theo ông Peskov, việc chuyển sang nguồn cung cấp đắt tiền hơn chủ yếu có lợi cho Mỹ và một số quốc gia khác, đồng thời cho biết thêm rằng khách hàng sử dụng cuối, đặc biệt là ngành công nghiệp EU, sẽ phải trả giá đắt.
Người phát ngôn chỉ trích các lệnh trừng phạt là “cạnh tranh không công bằng và bất hợp pháp”, đòng thời cam kết rằng Nga “sẽ tìm cách vượt qua những trở ngại bất hợp pháp này”.
Năm ngoái, Brussels đã thông qua các biện pháp cho phép các quốc gia thành viên riêng lẻ chặn nguồn cung cấp khí đốt từ Nga trên cơ sở tự nguyện.
Dù vậy, Nga được cho là đã gửi hơn 15,6 triệu tấn LNG đến các cảng EU vào năm ngoái, đánh dấu mức tăng nhẹ so với năm 2022 và tăng 37,7% so với năm trước.
Mỹ củng cố vị thế
Tờ Financial Times cuối tuần qua dẫn nguồn thạo tin cho hay Thổ Nhĩ Kỳ đang đàm phán với “ông lớn” năng lượng khổng lồ ExxonMobil của Mỹ về một thỏa thuận trị giá hàng tỷ USD trong nỗ lực hạn chế sự phụ thuộc vào năng lượng của Nga.
Bộ trưởng Năng lượng Thổ Nhĩ Kỳ Alparslan Bayraktar nói với FT rằng nước này đang tìm cách xây dựng một “danh mục cung cấp mới” để ít phụ thuộc hơn vào bất kỳ đối tác nào.
Thổ Nhĩ kỳ vọng nhận được khoảng 2,5 triệu tấn LNG mỗi năm thông qua thỏa thuận dài hạn đang được thảo luận với Exxon, ông Bayraktar nói với FT.
Mỹ là nhà xuất khẩu khí LNG lớn nhất thế giới trong năm 2023, đánh bại cả Australia và Qatar.
Châu Âu tiếp tục dựa vào LNG của Mỹ để thay thế lượng khí đốt bị mất từ Nga và đã tăng đáng kể công suất nhập khẩu LNG vào năm ngoái.
Các quốc gia nhập khẩu LNG của Mỹ nhiều nhất là Hà Lan, Pháp và Anh, với tổng cộng 35%, tương đương 4,2 feet khối/ngày, trong tổng lượng xuất khẩu LNG của Mỹ.
Mộc An / Vietnamfinance
Theo RT, Reuters