Nhiều quốc gia trên thế giới đã bày tỏ sẵn sàng hỗ trợ Thổ Nhĩ Kỳ và Syria đối phó với những hậu quả của trận động đất thảm khốc, khiến hàng nghìn người chết và bị thương.
Qatar và Kuwait đã thành lập hai cầu hàng không bao gồm các đội cứu hộ, nhân viên y tế và cung cấp hàng cứu trợ, lều bạt và đồ tiếp tế. Tổng thống UAE, Sheikh Mohammed bin Zayed Al Nahyan đã chỉ đạo thành lập một bệnh viện dã chiến và điều động hai đội tìm kiếm cứu nạn, bên cạnh việc cung cấp hàng cứu trợ khẩn cấp cho những người bị ảnh hưởng bởi trận động đất.
Quốc vương Jordan, Abdullah II cũng ra lệnh cung cấp viện trợ cần thiết để cứu trợ những người bị ảnh hưởng ở hai nước xảy ra động đất. Algeria và Lebanon cũng tuyên bố sẽ cử các đội cứu hộ đến Thổ Nhĩ Kỳ để hỗ trợ các nỗ lực tìm kiếm và giải cứu những người còn mắc kẹt. Bộ Ngoại giao Ả-rập Xê-út và Oman gửi lời chia buồn tới gia đình các nạn nhân, đồng thời mong muốn những người bị thương nhanh chóng bình phục.
Cộng đồng quốc tế cũng thể hiện tình đoàn kết và sẵn sàng hỗ trợ Thổ Nhĩ Kỳ và Syria khắc phục hậu quả của trận động đất nghiêm trọng. Tổng thống Mỹ, Joe Biden chỉ đạo các cơ quan nước này sẵn sàng cung cấp mọi hỗ trợ cần thiết cho Thổ Nhĩ Kỳ liên quan đến trận động đất.
Liên minh châu Âu (EU) tuyên bố, 13 quốc gia châu Âu đã đề nghị gửi các đội cứu hộ để đóng góp vào các nỗ lực khắc phục hậu quả của trận động đất. Quan chức phụ trách chính sách đối ngoại của EU, Josep Borrell và Cao ủy EU về quản lý khủng hoảng Janiz Lenarcic cho biết, 10 đội cứu hộ và tìm kiếm từ Bulgaria, Croatia, Cộng hòa Séc, Pháp, Hy Lạp, Hà Lan, Ba Lan và Romania đã nhanh chóng được huy động để hỗ trợ cứu trợ trên mặt đất.
Về phần mình, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã gửi điện chia buồn tới Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan và các nạn nhân của trận động đất, đồng thời nhấn mạnh Nga sẵn sàng cung cấp sự hỗ trợ cần thiết. Bộ Tình trạng khẩn cấp Nga tuyên bố, sẵn sàng cử đội tìm kiếm cứu nạn gồm 100 thành viên tới Thổ Nhĩ Kỳ để góp phần đối phó với những ảnh hưởng của trận động đất.
Ngoài ra, nhiều quốc gia khác như Thụy Điển, Azerbaijan, Tây Ban Nha, Ba Lan, Malaysia, Ấn Độ đều tuyên bố sẵn sàng gửi các đội cứu hộ, y tế và hàng cứu trợ tới Thổ Nhĩ Kỳ và Syria để hỗ trợ công tác cứu trợ nhân đạo cho những người bị ảnh hưởng.
Vụ động đất xảy ra vào rạng sáng ngày 6/2 tại miền Nam Thổ Nhĩ Kỳ là trận động đất lớn nhất được ghi nhận trong vòng 100 năm qua tại nước này. Thổ Nhĩ Kỳ và Syria là hai quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất trong vụ động đất kinh hoàng này.
Theo số liệu mới nhất được Cơ quan Quản lý tình trạng khẩn cấp và thảm họa Thổ Nhĩ Kỳ cho biết, số người thiệt mạng trong trận động đất đã tăng lên 2.316 người và 13.293 người bị thương, đồng thời 6.217 tòa nhà bị phá hủy do trận động đất. Trong khi đó, Bộ Y tế Syria cho biết, 1.419 người đã thiệt mạng ở nước này.
Con số thương vong nhiều khả năng sẽ còn tiếp tục tăng lên cùng với nỗ lực cứu hộ đang khẩn trương được tiến hành với sự hỗ trợ của lực lượng nhân đạo quốc tế.
Tiếp tục động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ và dư chấn ở Syria đêm 6/2
Giữa đêm qua theo giờ địa phương, trận động đất mới xảy ra đông nam Thổ Nhĩ Kỳ và một cơ dư chấn đã xảy ra Syria.
Cơ quan địa chấn Thổ Nhĩ Kỳ thông báo một trận động đất mới đã xảy ra ở thành phố Kahramanmaras, phía đông nam nước này. Trận động đất mạnh 5,5 độ. Hãng thông tấn Syria “SANA” cũng đưa tin rằng một cơn dư chấn đã xảy ra vào tối thứ Hai, bắt nguồn từ thành phố Kahramanmaraş ở miền nam Thổ Nhĩ Kỳ. Người dân thành phố Aleppo và Homs có thể cảm nhận được sự rung lắc.
Tính đến sáng sớm ngày 7/2, theo các nguồn tin khu vực, số người chết ở Thổ Nhĩ Kỳ và Syria do hậu quả của trận động đất sáng ngày 6-2 đã tăng lên hơn 3.660 người. Trong đó, Cơ quan Quản lý Thảm họa Thổ Nhĩ Kỳ cho biết số người chết ở nước này đã tăng lên 2.316 người, Syria số người chết tăng lên tới 1.440 người. Trận động đất khiến hàng nghìn người ở Thổ Nhĩ Kỳ và Syria bị thương, hàng nghìn ngôi nhà bị phá hủy.
Các đội cứu hộ đang khẩn trương tìm kiếm những người còn mắc kẹt trong các động đổ nát. Cơ quan Quản lý Thảm họa và Khẩn cấp Thỗ Nhĩ Kỳ đã huy động hàng nghìn thiết bị, phương tiện để tìm kiếm và cứu nạn. Đến nay, số người được cứu khỏi đống đổ nát ở Thổ Nhĩ Kỳ đã lên tới 6.445 người. Tổ chức Trăng lưỡi liềm đỏ Thổ Nhĩ Kỳ đã cử các đội tình nguyện phục vụ bữa ăn đến các khu vực. Thị trưởng thành phố Gaziantep, Fatma Shahin cho biết một nửa số tòa nhà của thành phố đã bị phá hủy. Thành phố gặp vấn đề trong việc đảm bảo khí đốt, bánh mì và chăn màn.
Tại các khu vực phía bắc Syria, các đội cứu trợ dự đoán số người chết sẽ tăng lên nữa bởi hàng trăm gia đình đã bị vùi dưới đống đổ nát trong khi thiếu thiết bị cứu hộ hạng nặng. Syria có 160 tòa nhà bị sụp đổ hoàn toàn và 330 tòa nhà bị sụp đổ một phần, ngoài ra còn có hàng ngàn tòa nhà bị nứt ở phía tây bắc.
Thiệt hại nặng nề ở những khu vực gần biên giới Thổ Nhĩ Kỳ nhất như thành phố Azaz, Jarabulus, Jenderes (phía bắc Aleppo) và Sarmada (phía bắc Idlib)./.
Ngọc Thạch/VOV-Cairo