Dù đã mạnh tay với các sản phẩm dầu khí Nga, cho tới nay tất cả những nỗ lực của phương Tây nhằm giảm lệ thuộc vào nguồn cung uranium từ Nga đều thất bại. Nga vẫn tiếp tục cung cấp khoảng một nửa nhu cầu nhiên liệu hạt nhân trên thế giới, trong đó Ukraine, Mỹ, và châu Âu vẫn là các “khách hàng ruột”.
Theo The New York Times, Mỹ vẫn mua lượng uranium trị giá khoảng 1 tỷ USD/năm từ Nga .
“Khi nói đến năng lượng hạt nhân, Tập đoàn Năng lượng Nguyên tử Quốc gia Nga (Rosatom) tiếp tục là nhà cung cấp nhiên liệu chính cho các nhà máy điện hạt nhân trên thế giới, cung cấp khoảng một nửa nhu cầu uranium đã làm giàu của thế giới”, Bloomberg cho hay.
Không giống như các doanh nghiệp phương Tây, công ty Nga kiểm soát tất cả các yếu tố của chuỗi cung ứng, từ khai thác quặng đến làm giàu và vận chuyển uranium.
“Công ty này vừa là một doanh nghiệp sinh lời, vừa là hiện thân của quyền lực địa chính trị của Điện Kremlin”, bài báo của Bloomberg cho hay.
Nhìn chung, Nga đáp ứng khoảng 30% nhu cầu uranium của Liên minh châu Âu (EU). Trong đó, các nước Đông Âu phụ thuộc nhiều nhất vào Rosatom.
Theo chuyên gia của Bloombeg, ngay cả Ukraine, nước hiện đang xung đột với Nga, dù không muốn thì vẫn phải phụ thuộc vào nguồn cung uranium của Nga trong ít nhất 10 năm nữa.
Dù đã áp đặt cấm vận lên dầu mỏ, khí đốt và than đá của Nga, nhưng Mỹ và châu Âu vẫn tiếp tục cho phép mua uranium làm giàu từ Rosatom. Hiện Moscow là nhà cung cấp chính các dịch vụ khai thác, xử lý, chuyển đổi và làm giàu uranium cho Mỹ.
“Khoảng 18 tháng sau khi Nga bắt đầu chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, tập đoàn Rosatom vẫn là nhà sản xuất uranium lớn nhất thế giới, cung cấp nguyên liệu cho gần 1/4 trong số 92 lò phản ứng hạt nhân của Mỹ, cũng như hàng chục nhà máy điện hạt nhân khác ở châu Âu và châu Á”, nguồn tin của Bloomberg cho hay.
Theo Bloomberg, các chính phủ phương Tây tránh các biện pháp trừng phạt chống lại Rosatom vì có nguy cơ gây thiệt hại nhiều hơn cho ngành công nghiệp hạt nhân và nền kinh tế của chính họ hơn là với kinh tế Nga.
Hơn nữa, việc giảm nguồn cung uranium của Nga ảnh hưởng trực tiếp đến an ninh năng lượng Mỹ bởi cơ sở làm giàu uranium cuối cùng ở Mỹ đóng cửa vào năm 2013 và trữ lượng nhiên liệu hạt nhân hiện của nước này chỉ có thể duy trì trong 18 tháng.
Mỹ đã tăng cường nhập khẩu uranium-235 từ Nga. Trong nửa đầu năm nay, Mỹ đã mua 416 tấn uranium từ Nga, cao gấp 2,2 lần so với cùng kỳ năm ngoái và là mức cao nhất kể từ năm 2005. Washington đã phải chi 696,5 triệu USD cho khoản này, mức kỷ lục kể từ năm 2002. Trong năm, thị phần của Nga trên thị trường nhiên liệu hạt nhân của Mỹ đã tăng từ 13 lên 32%.
“Chúng ta đang phải trả giá vì quá phụ thuộc vào Moscow về nhiên liệu hạt nhân. Và không riêng chúng ta, mà cả thế giới”, ông Pranay Vaddi, cố vấn của Nhà Trắng về vấn đề hạt nhân trong Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ, cho hay.
Tình hình càng trở nên phức tạp hơn sau cuộc đảo chính quân sự ở Niger, đất nước mà trên lãnh thổ có khoảng 5% trữ lượng uranium của thế giới. Kết quả là nếu không tìm được giải pháp thay thế, các nước phương Tây sẽ phải đối mặt với lựa chọn khó khăn, hoặc tiếp tục hợp tác với Nga hoặc đóng cửa các lò phản ứng hạt nhân, theo Bloomberg.
Thậm chí ngay cả trong kịch bản tích cực, phương Tây cũng phải mất khoảng 5 năm mới vượt qua được sự phụ thuộc vào Rosatom, cựu Thứ trưởng Bộ Năng lượng Mỹ Dan Poneman cho hay.
Uranium là sự lựa chọn phổ biến để chế tạo bom hạt nhân, sau đó là Plutonium. Một quả bom hạt nhân cần khoảng 25kg uranium-235 đã được làm giàu lên ít nhất 90%.Uranium là sự kết hợp của hai đồng vị phóng xạ gồm uranium-238, chiếm 99,3% và uranium-235, chiếm 0,7%. Chỉ có đồng vị uranium-235 là được dùng để sản xuất năng lượng hạt nhân.Để sản xuất ra năng lượng, Uranium sẽ được làm giàu lên chỉ 5%. Tuy nhiên, để chế tạo bom nguyên tử, uranium phải được làm giàu lên ít nhất 90%. |
Đăng Phạm / Vietnamfinance
Theo Bloomberg