Khoản tài trợ dưới dạng tiền điện tử đã giúp Hamas có thêm nguồn lực để tấn công Israel – một trong những lực lượng quân sự được trang bị tốt nhất trên thế giới.
Israel là một trong chín cường quốc hạt nhân toàn cầu, đồng thời sở hữu “mái vòm sắt”, một trong những hệ thống phòng không tiên tiến nhất trên thế giới. Hệ thống “mái vòm sắt” này đã giúp Israel đẩy lùi các cuộc không kích từ Hamas trong nhiều năm qua.
Tuy nhiên, vào đầu tháng 10 vừa qua, Hamas, nhóm chiến binh Hồi giáo bị EU, Mỹ, Đức và nhiều chính phủ khác xếp vào loại tổ chức khủng bố, đã thành công áp đảo tuyến phòng thủ vững chắc này của Israel khi bắn hơn 2.000 quả rocket.
Điều này đã khiến nhiều người đặt ra câu hỏi rằng: Hamas đã chuẩn bị nguồn lực như thế nào để nhắm vào một trong những lực lượng được trang bị tốt nhất thế giới?
Theo trang DW, tiền điện tử đóng một vai trò quan trọng trong nguồn thu của Hamas. Bị liệt vào danh sách khủng bố, Hamas phải đối mặt với hàng loạt lệnh trừng phạt và bị loại trừ khỏi hệ thống ngân hàng quốc tế. Tuy nhiên, Hamas đã nhận được một lượng tài trợ đáng kể dưới dạng tiền điện tử trong những năm qua.
Dựa trên báo cáo của công ty phần mềm và phân tích tiền điện tử BitOK, Hamas đã nhận được 41 triệu USD viện trợ dưới dạng tiền điện tử trong giai đoạn từ tháng 8/2021 đến tháng 6/2023.
Theo nhà nghiên cứu tiền điện tử Elliptic có trụ sở tại London, tổ chức Thánh chiến Hồi giáo Palestine (PIJ), tổ chức đã cùng Hamas thực hiện vụ tấn công vào Israel, cũng đã nhận được 93 triệu USD dưới dạng tiền điện tử.
Lữ đoàn al-Qassam, cánh quân sự của Hamas, cũng đã nhận được hàng triệu USD tiền điện tử. Các giao dịch chuyển tiền này diễn ra dưới dạng bitcoin, stablecoin Tether, thậm chí là cả Dogecoin và các loại tiền điện tử khác.
Thậm chí, Hamas còn kiếm thêm được số tiền đáng kể nhờ tham gia vào hoạt động khai thác tiền điện tử.
Dưới sự điều hành của Hamas, Gaza đã trải qua nhiều năm bị cô lập về kinh tế. Dẫu vậy, bất chấp những hạn chế này, tạp chí Forbes của Mỹ từng liệt kê Hamas vào danh sách một trong những nhóm khủng bố giàu có nhất thế giới vào năm 2014 khi doanh thu của nhóm khủng bố này ước tính lên tới 1 tỷ USD.
Số tiền này đến từ thuế, phí cũng như hỗ trợ tài chính và quyên góp từ các quốc gia khác. Iran là một trong những nước ủng hộ tài chính lớn nhất của Hamas. Theo Bộ Ngoại giao Mỹ, Iran đã cung cấp cho Hamas và các nhóm khủng bố Palestine khác khoản tài trợ khoảng 100 triệu USD/năm. Qatar và Thổ Nhĩ Kỳ cũng hỗ trợ tài chính cho Hamas.
Tiền điện tử đã giúp những người ủng hộ Hamas ở những khu vực thù địch với nhóm này dễ dàng vượt qua các lệnh trừng phạt hơn. Liên hợp quốc ước tính rằng tiền điện tử chiếm 20% nguồn tài trợ khủng bố trên thế giới. Các chuyên gia kinh tế cho rằng tiền điện tử là công cụ tài trợ hoàn hảo cho các nhóm tội phạm vì các khoản tiền này khó theo dõi và có thể trốn tránh được các quy định tài chính.
Tuy nhiên, việc thu giữ các tài khoản Hamas gần đây đã làm gia tăng sự giám sát chặt chẽ về tiền điện tử. Sau vụ tấn công ngày 7/10, chính quyền Israel tuyên bố họ đã đóng băng một số tài khoản tiền điện tử có liên quan đến Hamas.
Nhật Minh / Vietnamfinance
Theo DW