Vụ lính Mỹ vượt biên sang Triều Tiên đã khiến Washington gặp khủng hoảng trong việc đối phó với quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân này.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Matthew Miller cho biết trong cuộc họp báo thường kỳ rằng Lầu Năm Góc đã liên hệ với các đối tác trong Quân đội Nhân dân Triều Tiên (KPA) về binh sỹ Travis King – người đã vượt biên trái phép sang Triều Tiên hôm 18/7. Ông Miller cũng nói thêm: “Theo tôi được biết, những thông tin liên lạc đó vẫn chưa được trả lời”.
Theo quân đội Mỹ, binh nhì Travis King, 23 tuổi, nhập ngũ năm 2021 với vai trò là lính trinh sát thuộc đơn vị kỵ binh số 1, đóng quân ở bang Texas.
King được triển khai tới Hàn Quốc và vừa trải qua thời gian bị kỷ luật. Hôm 18/7, King được cho là đã trà trộn vào một nhóm khách tham quan Khu An ninh Chung thuộc khu vực phi quân sự (DMZ) ngăn cách Triều Tiên và Hàn Quốc. Trong quá trình di chuyển cùng nhóm khách tham quan khu vực làng Bàn Môn Điếm, King đã tự tách ra và chạy về phía lãnh thổ Triều Tiên.
Người phát ngôn Nhà Trắng Karine Jean-Pierre cho biết chính quyền Tổng thống Biden vẫn đang thu thập thông tin. Trong khi đó, ông Miller nói Bộ Ngoại giao Mỹ đang cố gắng xác định tung tích của King cùng với sự giúp đỡ của Thụy Điển – quốc gia đóng vai trò là kênh ngoại giao của Washington và Bình Nhưỡng.
“Chúng tôi vẫn đang cố gắng thu thập thông tin về nơi ở của binh nhì King. Chính quyền đang và sẽ tiếp tục tích cực làm việc để đảm bảo an toàn cho anh ấy và đưa anh ấy trở về nhà với gia đình”, ông Miller nói.
Vụ việc xảy ra trong bối cảnh căng thẳng đang leo thang trên bán đảo Triều Tiên với sự xuất hiện của tàu ngầm tên lửa đạn đạo trang bị hạt nhân của Mỹ hôm 18/7 và vụ phóng thử hai tên lửa đạn đạo của Triều Tiên chỉ một ngày sau đó.
Đại tá quân đội Isaac Taylor, phát ngôn viên của Lực lượng Mỹ tại Hàn Quốc, hôm 18/7 cho biết, Bộ Tư lệnh Liên hợp quốc (UNC) cùng với cơ quan giám sát an ninh khu vực biên giới đang “làm việc với các đối tác KPA” để giải quyết vụ việc này. Ông Taylor cho biết liên lạc đã được thực hiện qua đường dây nóng hàng ngày với Triều Tiên, song không đề cập đến phản hồi của Bình Nhưỡng.
Dấu hỏi về động cơ của chuỗi hành động phi pháp
Các quan chức Mỹ hiện vẫn chưa xác định được động cơ của Travis King khi lao qua đường phân định giữa hai miền Triều Tiên.
Carl Gates, bác của King, nói với tờ Daily Beast rằng cháu trai của ông đã “suy sụp” sau cái chết bi thảm của người em họ 7 tuổi hồi đầu năm nay. Gates cho biết con trai ông qua đời vào cuối tháng 2 do một chứng rối loạn di truyền hiếm gặp và phải dựa vào các thiết bị hỗ trợ sự sống trong những ngày cuối đời.
“Khi con trai tôi vật lộn trong những ngày cuối cùng, Travis đã bắt đầu trở nên liều lĩnh và hành động điên rồ hơn khi biết em họ nó sắp chết. Tôi nghĩ điều này ít nhiều có ảnh hưởng đến những gì nó đã làm”, tờ báo dẫn lời ông Gates.
Claudine Gates, mẹ của Travis King, nói với ABC News rằng bà bị sốc khi nghe tin con trai mình đã vượt biên sang Triều Tiên: “Tôi không hiểu tại sao con trai tôi lại có hành động như vậy”.
King bị kết tội hành hung khi làm nhiệm vụ với cáo buộc tấn công và làm hư hỏng một xe cảnh sát vào tháng 10 năm ngoái. Người này sau đó đã nhận tội và bị kết án phạt vào tháng 2. Sau 50 ngày bị giam giữ tại một cơ sở tạm giam của Hàn Quốc, King đã mãn hạn tù và được quân đội Mỹ chở ra sân bay để trở về đơn vị tại quê nhà ở Mỹ.
Một quân nhân được giao nhiệm vụ áp giải King tới sân bay nhưng người này chỉ đưa King tới khu vực hải quan. King đã lợi dụng kẽ hở này để rời khỏi sân bay. Vài giờ sau, King xuất hiện cùng đoàn du khách đa quốc gia tham quan khu phi quân sự.
Bộ Thống nhất Hàn Quốc, cơ quan xử lý các mối quan hệ với Triều Tiên, cho biết tất cả các chuyến tham quan tới làng Bàn Môn Điếm nằm trong vùng phi quân sự (DMZ) giữa Hàn – Triều đã bị hủy vô thời hạn theo yêu cầu của Bộ Tư lệnh Liên hợp quốc.
Tính đến sáng ngày 20/7, Triều Tiên vẫn im lặng trước thông tin binh sĩ Mỹ xâm nhập trái phép vào lãnh thổ nước này, không tiết lộ sẽ giam giữ người lính này trong bao lâu. Quan hệ giữa Triều Tiên và Mỹ hiện vẫn đang rất căng thẳng. Nhưng Bình Nhưỡng không hề đề cập đến số phận của binh nhì Travis King trong các tuyên bố mới.
Trước đây, khi công dân Mỹ bị giam giữ ở Triều Tiên, họ sẽ bị đưa ra xét xử và kết án, nhưng nhiều trường hợp được thả ra nếu có sự can thiệp ngoại giao cấp cao. Tuy nhiên, các sự cố liên quan đến binh lính là cực kỳ hiếm.
“Chúng tôi chưa biết động cơ của Travis King là gì và thực sự vụ việc như vậy chưa từng có tiền lệ để gợi ý cho chúng tôi về cách Triều Tiên có thể đánh giá tình hình. Chúng ta sẽ phải chờ xem”, Jenny Town, giám đốc trang web 38 North chuyên phân tích về Triều Tiên cho biết.
Một cựu quan chức ngoại giao Triều Tiên cho rằng King có thể sẽ được sử dụng như một công cụ tuyên truyền giữa Mỹ và Triều Tiên, nhưng không rõ Bình Nhưỡng sẽ khai thác sự hiện diện của binh sỹ này trong bao lâu.
PHƯƠNG THẢO(Nguồn: Reuters) / VTC News