Trong giai đoạn từ năm 1985 – 2021, GDP bình quân đầu người của Trung Quốc đã tăng từ 293 USD lên hơn 12.000 USD sau khi đã điều chỉnh theo lạm phát. Vào thời điểm đó, Trung Quốc nắm trong tay nhiều “phép màu kinh tế” và từng được kỳ vọng sẽ sớm vượt Mỹ để trở thành siêu cường.
Người dân Trung Quốc chọn lối sống thắt chặt hầu bao.
Với lợi thế là quốc gia đông dân nhất thế giới trong nhiều năm, Trung Quốc sở hữu lực lượng lao động hùng hậu với chi phí công nhân rất thấp. Nhờ đó, Trung Quốc trở thành “công xưởng của thế giới”, nơi cung cấp khối lượng hàng hóa khổng lồ, phục vụ cho cả nhu cầu trong nước và toàn cầu.
Trong nhiều thập kỷ qua, Trung Quốc đã đạt được nhiều thành tựu về kinh tế và nhanh chóng vươn lên trở thành nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới. Quốc gia này còn từng được kỳ vọng sẽ sớm vượt Mỹ để trở thành siêu cường. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, dường như con đường tiến lên siêu cường của Trung Quốc không còn thuận buồm xuôi gió như trước.
Chuyển sang nền kinh tế hướng nội
Sau nhiều năm phát triển bùng nổ, Trung Quốc quyết định hướng đến mô hình phát triển mới nhằm củng cố vị thế kinh tế toàn cầu: chiến lược lưu thông kép, tập trung thúc đẩy nhu cầu trong nước vừa tạo điều kiện để thu hút đầu tư. Điều này đã được thể hiện rõ trong Kế hoạch 5 năm lần thứ 14 (2021 – 2025) được chính phủ Trung Quốc công bố vào tháng 7/2020.
Thay vì tiếp tục tận dụng động lực tăng trưởng chính là xuất khẩu, kinh tế Trung Quốc đi theo hướng phát triển mới, tập trung vào tiêu dùng trong nước. Quốc gia châu Á này tham vọng chi tiêu nội địa tăng trưởng mạnh mẽ sẽ giúp thúc đẩy Trung Quốc trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới vào năm 2035 với số lượng người thuộc tầng lớp trung lưu lớn nhất trên toàn cầu.
Thế nhưng, theo Yahoo Finance, mô hình kinh tế mới đang khiến “phép màu kinh tế của Trung Quốc mất đi hiệu nhiệm.
Financial Times cũng nhận định, “nhiều thập kỷ sử dụng mô hình tăng trưởng dựa vào xuất khẩu đã làm chậm quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế dựa vào tiêu dùng của Trung Quốc”. Để có thể thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng ngày càng tăng trong trung và dài hạn sẽ là một nhiệm vụ đầy thách thức của quốc gia châu Á này.
Đại dịch Covid-19 đã khiến nhiều người dân Trung Quốc chọn lối sống “thắt lưng buộc bụng”. Người tiêu dùng Trung Quốc ngày càng tiết kiệm hơn, kể cả trong việc mua sắm các vật dụng hàng ngày như bàn chải đánh răng, dầu gội… “Trung Quốc vẫn đang chứng kiến một xu hướng tiêu dùng hạn chế rất rõ rệt”, Giám đốc khu vực châu Á-Thái Bình Dương của Colgate-Palmolive nhận định.
Thế hệ trẻ Trung Quốc, những người đóng vai trò là động lực chính trong thúc đẩy tiêu dùng, lại đang phải đối diện với thực tế bấp bênh khi tỷ lệ thất nghiệp tăng cao. Trong tháng 6/2023, tỷ lệ thất nghiệp ở người trẻ Trung Quốc đạt mức cao trong lịch sử, chạm mức 21,3%. Thất nghiệp, nguồn thu nhập ít đi khiến gưới trẻ Trung Quốc trở nên thận trọng hơn trong chi tiêu và áp dụng lối sống “hạ cấp chi tiêu”.
Những chuyển biến không mấy tích cực của nền kinh tế nội địa cùng với bong bóng bất động sản vỡ cũng đã khiến niềm tin của người tiêu dùng giảm sút, người dân Trung Quốc đang tiết kiệm nhiều hơn bất chấp lãi suất tiền gửi liên tục giảm.
Theo dữ liệu của Ngân hàng trung ương Trung Quốc công bố hồi tháng 7, tiền gửi vào ngân hàng của hộ gia đình ở Trung Quốc đã tăng 1,6 nghìn tỷ USD trong nửa đầu năm 2023, mức tăng lớn nhất trong vòng một thập kỷ trở lại đây.
Ông He-Ling Shi, phó giáo sư kinh tế tại Đại học Monash ở Melbourne cho biết: “Người Trung Quốc thực sự không có nhiều tiền trong túi. Chính vì thế, tham vọng dựa vào tiêu dùng của người dân để thúc đẩy nền kinh tế Trung Quốc đang rơi vào bế tắc. Giờ đây, khi người dân cắt giảm chi tiêu, khả năng thành công của chiến lược này thậm chí còn ít hơn nữa”.
Những “cơn gió ngược” bủa vây từ tứ phía
Căng thẳng thương mại Mỹ – Trung leo thang với những đòn đáp trả liên tục từ hai phía cũng đã phá vỡ mối quan hệ công sinh từng đóng vai trò quan trọng trong phép màu kinh tế của Trung Quốc trong suốt hơn 40 năm qua.
Lệnh hạn chế đầu tư vào lĩnh vực chất bán dẫn và vi điện tử, hệ thống trí tuệ nhân tạo, công nghệ thông tin lượng tử của chính quyền Tổng thống Joe Biden đã giáng một đòn mạnh vào các công ty khởi nghiệp của Trung Quốc.
Nguồn vốn đầu tư mạo hiểm bị “bóp nghẹt” không chỉ kéo theo sự suy giảm trong dòng vốn FDI mà còn ảnh hưởng đến sự phát triển của ngành công nghệ – một trong những lĩnh vực trọng điểm đang được chính quyền Bắc Kinh đầu tư mạnh.
Cùng với đó, nỗi lo gián đoạn chuỗi cung ứng, sự già hóa dân số cùng mức lương tăng mạnh đã tạo nên một làn sóng Trung Quốc +1. Sự nổi lên của những người chơi mới như ASEAN, Ấn Độ với nguồn lao động dồi dào và nhân công giá rẻ đã thu hút không ít các doanh nghiệp quốc tế tìm đến, thay thế cho “công xưởng Trung Quốc”.
Khó khăn chồng chất khó khăn đã khiến nền kinh tế Trung Quốc ngấm đòn. IMF dự báo, trong những năm tới GDP Trung Quốc sẽ tăng trưởng dưới 4%, chưa bằng một nửa so với mức trung bình trong 40 năm qua. Capital Economics cũng cho rằng tăng trưởng GDP giảm từ mức 5% trong năm 2019 xuống còn quanh 2% vào năm 2030.
Nếu dự báo này trở thành hiện thực, mục tiêu đến năm 2035 tăng gấp đôi quy mô nền kinh tế mà Chủ tịch Tập Cận Bình đã đặt ra năm 2020 sẽ chỉ nằm trên kế hoạch và Trung Quốc vẫn sẽ bị kẹt lại trong nhóm thị trường mới nổi có thu nhập trung bình.
Kịch bản vượt Mỹ trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới dường như trở nên khó thành hiện thực hơn, trái lại, kịch bản về một thế giới nơi mà Trung Quốc không còn tăng trưởng vượt trội lại dần dần trở thành điều hiển nhiên, Yahoo Finance nhận định.
Khánh Tú / Vietnamfinance