Khi màn đêm buông xuống, phần lớn Triều Tiên chìm vào bóng tối. Các tòa nhà phản chiếu ánh trăng phát ra thứ ánh sáng lờ nhờ.
Màn hình lớn phát thông tin trên quảng trường ở thủ đô Bình Nhưỡng ngày 23/9 trong khung cảnh nhá nhem tối xung quanh. Ảnh: AFP. |
Ảnh chụp Triều Tiên về đêm bằng vệ tinh chỉ cho thấy một vùng tứ giác lớn ngập trong bóng tối giữa hai luồng sáng phát ra từ Trung Quốc và Hàn Quốc. Gần 70 năm sau ngày thành lập, Triều Tiên vẫn chịu cảnh thiếu điện, AFP ngày 4/10 đưa tin.
So với cường độ ánh sáng phát ra từ một thủ đô trên thế giới, Bình Nhưỡng tỏ ra khá mờ nhạt. Ánh sáng từ các tòa nhà ở đây có khi chỉ là sự phản chiếu của ánh trăng. Sinh viên để đọc sách phải tụ tập dưới những nơi đèn đường được thắp sáng.
Dưới sự dẫn dắt của nhà lãnh đạo Kim Jong-un, Triều Tiên đạt được bước tiến nhanh chóng trong chương trình vũ khí gây tranh cãi. Hồi tháng trước, Bình Nhưỡng tuyên bố thử thành công bom nhiệt hạch. Nước này đồng thời phóng tên lửa xuyên lục địa có thể đe dọa lãnh thổ Guam của Mỹ trên Thái Bình Dương.
Nhưng điện là một câu chuyện khác.
Tại nhà máy thủy điện Wonsan Số 5 ở thành phố ven biển phía đông Triều Tiên, tranh cổ động treo trên tường có thông điệp “quốc gia phồn vinh và hùng mạnh”. Hiện diện trong phòng turbine là tranh khảm lớn mô tả túp lều trên ngọn núi thiêng Paektu (Trường Bạch), nơi chào đời của cố lãnh đạo Kim Jong-il, bố của ông Kim Jong-un.
Bên dưới, hàng nghìn lít nước chảy qua các máy phát điện mỗi giờ, làm quay turbine để tạo ra điện. Theo kỹ sư trưởng Choe Yong-jun, tổ hợp có tổng công suất 60.000 kWh. Nhưng điện năng được tạo ra chỉ ở mức 25.000 kWh, nhỉnh hơn 40% công suất thiết kế.
Các quan chức Triều Tiên nắm rõ tình hình. Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên KCNA từng dẫn lời Thủ tướng Pak Pong Ju đề cập tình hình thiếu điện nghiêm trọng khi dự lễ động thổ nhà máy thủy điện Tanchon đầu năm nay.
Khói bốc lên từ nhà máy điện ở Bình Nhưỡng ngày 17/2. Ảnh: AFP. |
Quá khứ và hiện tại
Đã một thời, năng lực sản xuất điện của Triều Tiên khiến các nước phải ngước nhìn. Trong giai đoạn chịu sự kiểm soát của đế quốc Nhật Bản, phần lãnh thổ phía bắc là một trung tâm công nghiệp vượt trội so với phần phía nam. Niềm tự hào này đi vào quốc huy được chế tác những năm 1940 của Triều Tiên với hình ảnh đập thủy điện Suphung trên dòng sông Áp Lục.
“Ngày đó, năng lực phát điện của họ tốt nhất Đông Á, có thể hơn cả Nhật Bản và chắc chắn hơn những nơi khác”, Andrei Lankov của Korea Risk Group, công ty có trụ sở ở thành phố Wilmington, bang Delaware, Mỹ chuyên nghiên cứu Triều Tiên, đánh giá.
Nhưng sự tan rã của Liên Xô đầu những năm 1990 khiến Triều Tiên mất một nguồn viện trợ nhân lực, tài lực lớn. Sản xuất điện từ đây tụt dốc. Năng lực này được cải thiện gần đây song không đáng kể với sự sụt giảm từ thế kỷ trước. “Có vẻ như sản lượng điện năng của họ đang xấp xỉ một nửa sản lượng đầu những năm 1990”, Lankov nói.
Theo số liệu mới nhất từ Cơ quan Năng lượng Quốc tế, năm 2015, thủy điện chiếm khoảng 73% sản lượng điện của Triều Tiên. Nhiệt điện từ đốt than xếp thứ hai.
Tiêu thụ điện bình quân đầu người ở Triều Tiên vào khoảng 460 kWh, chưa bằng một phần hai mươi mức của người dân Hàn Quốc. Theo số liệu của Ngân hàng Thế giới, trong ba người Triều Tiên chỉ một người có điện sử dụng.
Điện khan hiếm buộc nhà chức trách phân phối theo mức độ ưu tiên. Các công xưởng hay dự án quan trọng như nhà máy bia Taedonggang, công viên Tuổi trẻ Kaeson ở Bình Nhưỡng hay tổ hợp sản xuất thép Chollima là những khu vực có điện được bảo đảm. Trong khi đó, những tòa nhà bên cạnh chìm trong bóng tối.
Chân dung hai cố lãnh đạo Triều Tiên Kim Nhật Thành và Kim Chính Nhật được ưu tiên thắp sáng tối 25/11/2016. Ảnh: AFP. |
Giải pháp xanh
Chống chọi với đêm đen, người dân Triều Tiên lắp pin năng lượng mặt trời của Trung Quốc. Loại hàng thuộc nhóm sản phẩm phổ biến nhất được giao thương qua biên giới hai nước này xuất hiện khắp các ban công.
Một tấm pin 35 watt được các siêu thị ở Bình Nhưỡng bán với giá khoảng 45 USD, mức nhiều người dân thủ đô có thể chi trả. Công nghệ đèn LED chi phí thấp được kết hợp giúp người dân thắp sáng về đêm.
Nhưng pin năng lượng mặt trời chỉ đủ cấp điện cho các thiết bị tiêu thụ ít điện năng như tivi. Máy giặt, tủ lạnh đòi hỏi mức điện năng lớn hơn. Hoạt động sản xuất công nghiệp còn chưa được đề cập đến.
Theo Lankov, Triều Tiên có thể là quốc gia dùng điện từ pin năng lượng mặt trời lớn nhất hành tinh. Nhưng bên kia biên giới nơi loại sản phẩm bán chạy ở Triều Tiên được làm ra, hình ảnh pin năng lượng mặt trời lại ít được bắt gặp. Bởi khi có một nguồn điện ổn định, việc lắp pin năng lượng mặt trời tràn lan là chuyện phi logic.
Vũ Phong/VNE