Bộ Nội vụ Đài Loan ngang nhiên tuyên bố vùng lãnh thổ này sẽ đưa một loạt cơ sở hạ tầng được xây mới, hoặc nâng cấp ở đảo Thái Bình (tên Đài Loan gọi đảo Ba Bình, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, hiện đang bị Đài Loan chiếm đóng trái phép) vào hoạt động từ ngày 12/12.

Chưa hết, Bộ này còn thách thức khi cho biết, nếu điều kiện thời tiết cho phép, vào ngày hôm nay, Bộ trưởng Nội vụ Trần Uy Nhân và Cục trưởng Cục Cảnh sát biển Đài Loan Vương Sùng Nghi sẽ dẫn đầu đoàn quan chức chính phủ vùng lãnh thổ này thị sát (trái phép) đảo Ba Bình, đồng thời chủ trì buổi lễ khánh thành một số cơ sở hạ tầng mới được xây dựng, nâng cấp (trái phép) tại đây.
Các cơ sở hạ tầng phi pháp này bao gồm một ngọn hải đăng hoạt động bằng năng lượng mặt trời; một cầu cảng mới được nâng cấp có thể tiếp nhận tàu tuần duyên trọng tải 100 tấn và tàu khu trục 3.000 tấn; một đường băng dài 1.195m và một kho chứa được mở rộng có khả năng chứa 2 máy bay vận tải C-130.
Thông báo này có nghĩa là Tổng thống Đài Loan Mã Anh Cửu sẽ không chủ trì buổi lễ, cũng không thực hiện chuyến đi xâm phạm chủ quyền của Việt Nam đối với đảo Ba Bình.
Trước đó, nhiều hãng tin Đài Loan đã đưa tin rằng, ông Mã Anh Cửu sẽ tới đảo Ba Bình trên một chiếc máy bay vận tải quân sự C-130H vào ngày 12/12, trong một động thái mang tính biểu tượng để nhấn mạnh cái gọi là “chủ quyền” của Đài Loan đối với đảo này, cũng như làm nổi bật “sáng kiến hòa bình” của ông Mã ở Biển Đông.
Tuy nhiên, cùng với thông báo chính thức của Bộ Nội vụ Đài Loan, một số nguồn tin đã khẳng định ông Mã đã hủy chuyến đi tới đảo Ba Bình do áp lực từ Mỹ.
China Times và United Evenings News, hai tờ báo bằng tiếng Trung cho biết, chính Giám đốc Viện Hoa Kỳ tại Đài Loan (AIT) Kin Moy – trên thực tế là Đại sứ Mỹ tại Đài Loan, đã bày tỏ mối quan ngại với chính phủ vùng lãnh thổ này về chuyến thăm dự kiến của ông Mã.
Tuy phát ngôn viên của AIT, bà Sonia Urbom không bình luận về thông tin này, nhưng khi được hỏi về quan điểm của Mỹ về chuyến thăm dự kiến trên của ông Mã Anh Cửu, bà Urbom nhắc lại lập trường của Washington rằng: Mỹ khuyến khích “tất cả các bên giảm căng thẳng ở khu vực Biển Đông và duy trì các nguyên tắc tự do hàng hải, hàng không và giải quyết hòa bình các tranh chấp phù hợp với Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển”.
“Mỹ tiếp tục thúc giục tất cả các bên liên quan ngừng cải tạo đất đai, xây dựng cơ sở hạ tầng và cơ sở quân sự mới trên các tiền đồn ở Biển Đông”, tờ China Post trích lời bà Urbom.
Như vậy, rất có thể, Mỹ ngại “há miệng mắc quai” khi đã trót kêu gọi các bên tranh chấp ngừng cải tạo, xây dựng, ngừng “quân sự hóa” Biển Đông, nhưng lại “im lặng cho qua” việc Đài Loan – một đồng minh của Mỹ và là một bên tranh chấp ở Biển Đông, ngang ngược xây dựng trái phép nhiều công trình ở đảo Ba Bình, cho nên Washington không muốn Đài Bắc quá phô trương hành động phi pháp này.
Linh Phương
Theo Petrotimes