Theo Bloomberg, Liên minh châu Âu (EU) khả năng cao sẽ công bố đề xuất đánh thuế lợi nhuận từ hơn 200 tỷ euro (218 tỷ USD) tài sản bị đóng băng của ngân hàng trung ương Nga để giúp tái thiết Ukraine trong tuần tới.
Nguồn thạo tin của Bloomberg cho biết kế hoạch dự kiến sẽ được công bố vào ngày 12/12 tới đây sẽ làm rõ rằng một số vấn đề mà các quốc gia thành viên nêu ra vẫn cần được giải quyết và đề xuất của EU sẽ không can thiệp vào thuế quốc gia hoặc các vấn đề khác.
Theo các nguồn tin khác được Bloomberg trích dẫn, cuộc họp giữa các lãnh đạo cấp cao của EU vào ngày 6/12 sẽ mang tính quyết định xem liệu những quan ngại có được khắc phục hay không.
Trong nhiều tháng qua, EU đã tìm mọi cách để tịch thu số tiền đóng băng của Nga, bất chấp nhiều cảnh báo rằng các biện pháp như vậy có thể gây nguy hiểm cho uy tín của hệ thống tài chính phương Tây và các đồng tiền của họ. Vấn đề này đã chia rẽ khối 27 quốc gia châu Âu, trong đó có Bỉ, Đức, Pháp, Ý và Luxembourg là những nước thúc giục một cách tiếp cận thận trọng hơn.
Phó chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Luis de Guindos mới đây cũng cảnh báo rằng việc sử dụng số tiền bị đóng băng của Nga có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến danh tiếng của đồng tiền chung của châu Âu.
Ước tính hơn 200 tỷ euro tài sản có chủ quyền của Nga bị trừng phạt đã bị EU đóng băng, phần lớn trong số đó được chuyển đến cơ quan thanh toán bù trừ Euroclear có trụ sở tại Bỉ. Những quỹ này được cho là đã tạo ra lợi nhuận gần 3 tỷ euro kể từ thời điểm chúng bị đóng băng vào tháng 3/2022 cho đến quý III năm nay, với con số dự kiến sẽ còn tăng thêm.
Nga đã nhiều lần chỉ trích việc phong tỏa tài sản của mình là bất hợp pháp theo luật pháp quốc tế và khẳng định đó là hành vi trộm cắp.
Ở động thái liên quan Thụy Sĩ ngày 1/12 cho biết nước này đã đóng băng tài sản của Nga trị giá 7,7 tỷ franc Thụy Sĩ (8,8 tỷ USD).
Ban thư ký Nhà nước về các vấn đề kinh tế (SECO) của Thụy Sĩ cho biết khoản tiền trên tăng nhẹ so với con số 7,5 tỷ franc Thụy Sĩ mà chính phủ nước này đã phong tỏa của các cá nhân và thể chế ở Nga vào năm ngoái.
Tuy nhiên, SECO lưu ý đây chỉ là ước tính mới nhất và có thể thay đổi do có khả năng có thêm các cá nhân mới hoặc bị loại khỏi danh sách trừng phạt.
Thụy Sĩ vốn không phải là thành viên EU. Nước này trước đó đã ủng hộ các biện pháp trừng phạt của EU đối với Nga liên quan đến chiến sự đặc biệt tại Ukraine.
Vào tháng 3/2022, chính phủ Nga đã phê duyệt danh sách các quốc gia và vùng lãnh thổ nước ngoài có hành động không thân thiện chống lại Nga, trong đó có cả Thụy Sĩ.
Quang Đăng / Vietnamfinance
Theo RT, Bloomberg