VN-Index tiếp tục hồi phục mạnh mẽ trong phiên cuối tuần sau quyết định tạm hoãn áp thuế quan từ phía Mỹ. Các nhóm ngành/cổ phiếu đều ghi nhận mức tăng ấn tượng, đặc biệt là các mã blue-chip.

Phiên cuối tuần, VN-Index mở cửa tăng vọt hơn 30 điểm với sự hỗ trợ mạnh mẽ từ nhóm cổ phiếu blue-chip, với điểm sáng là VIC, HPG, VCB, CTG và sự gia tăng phía thanh khoản mua chủ động khi hiện tượng dư mua giá trần hạ nhiệt so với phiên hôm qua. Thị trường đã có sự phân hóa khi áp lực chốt lời đã xuất hiện khiến VN-Index ghi nhận một số nhịp rung lắc trong phiên sáng.
Bước sang phiên giao dịch chiều, dòng tiền mạnh tiếp tục hoạt động tích cực ở nhóm VN30 và lan rộng hơn trên thị trường, giúp VN-Index không ngừng nới rộng biên độ tăng. Động lực chung được duy trì tốt khi VN-Index tiếp tục nới rộng biên độ tăng trong phiên chiều với 332 mã xanh, trong đó có 46 mã tăng trần.

Khối ngoại mua ròng mạnh trong phiên với tổng giá trị ròng đạt gần 700 tỷ đồng, tập trung mua HPG, MBB, ACB.
Nhóm VN30 đóng cửa tăng tới hơn 60 điểm khi có 28 mã tăng và chỉ có 2 mã là SSB và BCM giảm lần lượt 3,1% và 1,6%. Trong đó, có 5 mã tăng kịch trần và trắng bên bán với khối lượng dư mua trần lớn gồm HPG, VIC, MWG, STB và GAS.
Ở nhóm trụ cột ngân hàng, cổ phiếu lớn VCB tăng sát trần 6,6%, CTG, HDB và ACB cùng tăng hơn 6%… Cổ phiếu giữ được sắc tím phiên là EIB và STB. Đây cũng là nhóm giao dịch sôi động nhất thị trường, với SHB và MBB dẫn đầu lần lượt đạt 103,4 triệu đơn vị và gần 79 triệu đơn vị khớp lệnh.

Kết thúc phiên giao dịch, sàn HOSE có 332 mã tăng (42 mã tăng trần) và 178 mã giảm, chỉ số VN-Index tăng 54,12 điểm (+4,63%), lên 1.222,46 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 1,73 tỷ đơn vị, giá trị đạt 38.161,3 tỷ đồng, tăng gần 5 lần về lượng và hơn 6 lần về giá trị so với phiên trước đó. Giao dịch thỏa thuận đóng góp gần 37 triệu đơn vị, giá trị đạt 834,5 tỷ đồng.
Sàn HNX có 123 mã tăng và 57 mã giảm, HNX-Index tăng 5,03 điểm (+2,41%), lên 213,34 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 133,7 triệu đơn vị, giá trị hơn đạt 2.135 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm hơn 15 triệu đơn vị, giá trị đạt 197,5 tỷ đồng.
Sàn UPCoM có 204 mã tăng và 166 mã giảm, UPCoM-Index tăng 0,41 điểm (+0,4%), lên 93,25 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 90,75 triệu đơn vị, giá trị đạt 898 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 14,9 triệu đơn vị, giá trị đạt 161,2 tỷ đồng.
Trên thị trường phái sinh, cả 4 hợp đồng tương lai chỉ số VN30 đều tăng mạnh, với VN30F2504 tăng ít nhất là 46,6 điểm, tương đương +3,7% lên 1.307 điểm, khớp lệnh hơn 334.700 đơn vị, khối lượng mở gần 54.120 đơn vị.
Tiếp tục quán tính điều chỉnh mạnh từ tuần trước sau tin tức áp thuế quan từ Mỹ, VN-Index đánh mất thêm hơn 116 điểm và về dưới mốc 1.100 điểm trong phiên ngày 8/4 và 9/4. Việc nhiều cổ phiếu giảm giá sàn 3-4 phiên liên tiếp đã tạo ra áp lực “call margin” và bán giải chấp từ các công ty chứng khoán, theo đó gây áp lực lên chỉ số chung. Tuy nhiên, dòng tiền bắt đáy đã có tín hiệu tham gia tìm kiếm cơ hội đầu tư khi nhiều cổ phiếu đã ở vùng giá chiết khấu tốt, và cộng với quyết định hoãn áp thuế quan từ phía Mỹ vào ngày 10/4 đã nhanh chóng giải tỏa tâm lý cho nhà đầu tư, và tạo đà hưng phấn giúp VN-Index phục hồi 74 điểm, được ghi nhận là phiên tăng mạnh nhất trong 15 năm. Thị trường tiếp tục duy trì đà hồi phục trong phiên cuối tuần với những diễn biến tích cực.
CTCK Vietcombank (VCBS) nhận định, với mức tăng mạnh trong hai phiên vừa qua, việc nhà đầu tư bắt đầu chốt lời ngắn hạn là điều khó tránh. Do đó, VCBS khuyến nghị nhà đầu tư có thể cân nhắc hiện thực hóa lợi nhuận từng phần đối với các cổ phiếu đã bắt đáy thành công trong những phiên trước, đồng thời chờ đợi sự phân hóa rõ nét hơn giữa các nhóm ngành trong những phiên tới để tiến hành cơ cấu danh mục sang các cổ phiếu có tiềm năng tăng giá tốt hơn so với phần còn lại của thị trường
Q.L / Thị trường giao dịch