Người trúng xổ số điện toán tại Việt Nam hoàn toàn có quyền ẩn danh và đang tận dụng tối đa quyền này, khác với quy định tại Anh, Mỹ.
Jackpot 6/55 hôm nay gần chạm mốc 200 tỷ đồng và nếu có người trúng thì rất có khả năng sẽ có thêm một “ triệu phú USD” đeo mặt nạ để nhận giải. Đây là quyền yêu cầu giữ bí mật thông tin, được quy định trong Thông tư số 136/2013 của Bộ tài chính. Do đó, nếu có yêu cầu từ người trúng thì mỗi lần trả thưởng, Công ty Xổ số điện toán Việt Nam (Vietlott) chỉ được phép công bố thông tin tên viết tắt, nơi cư trú và hình ảnh che mặt của khách hàng.
Các lựa chọn mức độ ẩn danh dành cho khách hàng trúng độc đắc của Vietlott. Ảnh: N.M |
Thực tế, ẩn danh khi trúng số là nhu cầu không chỉ riêng những người may mắn ở Việt Nam. Vào tháng 1/2016, thời điểm giải Jackpot của Powerball (Mỹ) đạt mốc 1,58 tỷ USD, một cuộc thăm dò ý kiến đã được tổ chức, với câu hỏi “Bạn sẽ làm gì nếu giành được khoản tiền khổng lồ này?”. Kết quả là nhiều người trả lời ngắn gọn rằng “Phải giữ kết quả một cách bí mật”.
“Một khi được công bố là người chiến thắng, các ‘cá mập’ sẽ bắt đầu vây quanh bạn”, Kristen Euretig – Chuyên gia hoạch định tài chính kiêm sáng lập Brooklyn Plans bình luận với Business Insider.
Tuy nhiên, ở Mỹ, nếu muốn ẩn danh khi nhận thưởng thì người trúng gặp khó khăn hơn. Hiệp hội xổ số Liên bang Mỹ quy định, chỉ có 6 bang là Delaware, Kansas, Maryland, North Dakota, Ohio và South Carolina cho phép người trúng giải giữ bí mật thông tin cá nhân. Điều này có nghĩa, người trúng chỉ có quyền ẩn danh nếu vé trúng Powerball của họ được phát hành tại 6 bang này.
Trong khi đó, 38 bang khác có bán vé Powerball cùng với Washington DC, Quần đảo Virgin thuộc Mỹ và Puerto Rico bắt buộc người nhận giải phải công khai danh tính.
Việc công khai cũng có mức độ khác nhau. Người trúng có quyền thuê một công ty luật để ủy quyền nhận giải và tư vấn những cách thức bảo vệ bí mật thông tin tối đa có thể. Do đó, có trường hợp người mua vé trúng tại bang công khai nhưng đơn vị trả thưởng cũng không thể gặp mặt trực tiếp.
Đơn cử như chủ nhân giải Jackpot Powerball trị giá 487 triệu USD vào tháng 7 năm 2016 tại bang New Hampshire. Người chiến thắng đã ủy quyền cho công ty luật Robin Egg 2016 Nominee Trust tại địa phương nhận giải, nên công ty xổ số cũng không có dịp gặp mặt.
“Mặc dù chúng tôi mong muốn có thể gặp người chiến thắng Powerball trực tiếp, chúng tôi đánh giá cao và tôn trọng nỗ lực được sống một cách bình thường nhất có thể của họ”, ông Charlie McIntyre – Giám đốc điều hành Ủy ban Xổ số New Hampshire nói về trường hợp này.
Cặp đôi David và Carol Martin công khai nhận giải 33 triệu bảng của National Lottery (Anh) năm 2015 dù có quyền được ẩn danh. Ảnh: BBC |
Trong khi đó, tại Anh nói riêng và nhiều nước châu Âu, một số loại xổ số như UK National Lottery, London Lotto, EuroJackpot, EuroMillions, SuperEnalotto, La Primitiva cho phép người trúng giải ẩn danh như xổ số điện toán ở Việt Nam. Tuy nhiên, một số người chiến thắng lại tự nguyện công khai danh tính vì không quen với cuộc sống “ẩn dật” hay “giấu giếm”.
Đơn cử như tại Anh, một khi chọn công khai thì Camelot – nhóm điều hành Xổ số Quốc gia Anh, sẽ tiến hành một cuộc họp báo để người trúng gặp gỡ giới truyền thông.
“Chúng tôi không thể tận hưởng được trải nghiệm trúng số trọn vẹn nếu cứ phải nói dối với những người quen biết và thân thuộc”, cô Christine Weir, người giành được khoản tiền thưởng trị giá 161 triệu bảng EuroMillions vào tháng 7 năm 2011 nói với The Independent.
Trước đó, vào năm 2002, một người Anh khác là Julie Jeffrey nói rằng cô tự nguyện công khai giải thưởng một triệu bảng chỉ đơn giản vì “không có nơi nào để trốn”.
Thực tế, các công ty xổ số khắp nơi trên thế giới đều mong muốn người trúng giải công khai danh tính. Tùy thuộc mỗi quốc gia, quyền ẩn danh và bắt buộc công khai được quy định bởi nhà phát hành vé số, hiệp hội xổ số hay cơ quan công quyền.
Tuy nhiên, các công ty xổ số muốn có càng nhiều người công khai danh tính càng tốt để được đánh giá minh bạch hơn trong kinh doanh. Họ muốn công chúng biết rằng người bình thường cũng có thể may mắn trúng số tiền hàng trăm triệu USD. Những câu chuyện người trúng giải càng chi tiết càng có lợi cho nhà phát hành vì nó thu hút sự quan tâm của công chúng và tăng doanh thu.
Tại Việt Nam, vào thời điểm kết thúc năm 2017, Vietlott từng nỗ lực liên hệ với nhiều người trúng độc đắc Mega 6/45 cách đó một năm để kêu gọi công khai danh tính, với lý do hỗ trợ công ty quảng bá tính minh bạch. Dù được thuyết phục là trúng giải đã lâu nên mức độ bị làm phiền sẽ không cao nhưng khá hiếm khách hàng gật đầu nhận lời.
Một người trúng độc đắc Vietlott đeo mặt nạ trả lời báo chí đầu năm 2017. |
“Đội trao giải chúng tôi có một người chuyên trách mua mặt nạ. Mỗi lần chuẩn bị làm lễ nhận giải thì người này phải đi mua mặt nạ, với tiêu chí kín đáo và không trùng với mặt nạ cũ. Tuy nhiên, thậm chí có khách còn kỹ đến mức tự hóa trang trước với quần áo và tóc giả, khác với nhận dạng bình thường của họ”, một cán bộ phụ trách tổ chức trao giải của Vietlott chi nhánh TP HCM chia sẻ với VnExpress.
Hiện tại, trong khi Jackpot 6/55 tại Việt Nam gần chạm mốc 200 tỷ đồng thì dân Mỹ cũng sục sôi vì Mega Millions và Powerball nước này đều đang đồng loạt vượt mốc 400 triệu USD. Business Insider đưa ra lời khuyên dành cho những người có thể trúng giải rằng, dù không ẩn danh nhưng họ cũng không nên khoe giải thưởng lên mạng xã hội.
“Thông báo trúng số lên truyền thông xã hội có thể gây hậu quả nghiêm trọng, bởi những người bạn trung học sẽ đột nhiên muốn trò chuyện với bạn. Ngay cả khi bạn là một người yêu thương, hay giúp đỡ người khác thì cũng thật ngu ngốc khi cứ cho tiền bất kỳ ai ngỏ lời xin”, tờ báo khuyến nghị.
Viễn Thông/VNE