Nhiều ngân hàng ưu tiên cho vay bất động sản bất chấp rủi ro nợ xấu tăng cao. Tuy nhiên, theo Tổng Giám đốc VPBank, các ngân hàng vẫn ưu tiên cho vay bất động sản vì ít nhất còn thu hồi được nợ.
Ảnh minh họa.
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) mới đây cho biết, tính đến cuối năm 2023, dư nợ đối với lĩnh vực bất động sản vào khoảng 2,75 triệu tỷ đồng, tăng khoảng 6,75% so với đầu năm. Trong đó, tín dụng cho vay kinh doanh bất động sản đạt mức tăng 22%, chiếm khoảng 26% tổng dư nợ cho vay trong lĩnh vực bất động sản.
Nhiều ngân ngành cũng đẩy mạnh cho vay hoạt động kinh doanh bất động sản trong thời gian qua. Tại Techcombank, tính đến cuối năm 2023, dư nợ cho vay hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 176.803 tỷ đồng, tăng tới 68.000 tỷ đồng so với cuối năm 2022. Tỷ trọng cho vay kinh doanh bất động sản cũng tăng từ 26,46% lên 35,22% trong 1 năm.
Tại VPBank (VPB), dư nợ tính riêng cho vay kinh doanh bất động sản của VPB là 114.894 tỷ đồng, chiếm 20,29% tổng dư nợ của ngân hàng.
Tại SHB, dư nợ kinh doanh bất động sản tính đến cuối năm 2023 là 73.269 tỷ đồng, tăng 2,3 lần so với đầu năm. Mảng kinh doanh bất động sản chiếm 16,71% tổng dư nợ, giữ vị trí thứ hai trong số các ngành được SHB rót vốn nhiều nhất.
Các ngân hàng khác như MB, MSB cũng tăng tốc giải ngân vào kinh doanh bất động sản với tỷ lệ cho vay bất động sản lần lượt là 7,49% và 8,96% tổng dư nợ, tăng mạnh so với hồi đầu năm 2023.
Tại Hội nghị trực tuyến đẩy mạnh tín dụng ngân hàng năm 2024, ông Nguyễn Đức Vinh – Tổng Giám đốc VPBank cho biết, hầu hết các ngân hàng thích cho vay bất động sản vì ít nhất còn thu hồi được nợ. Còn cho các doanh nghiệp khác vay, “nếu nền kinh tế tốt thì không sao, nhưng khả năng mất là mất tất”.
Theo Tổng Giám đốc VPBank, ngân hàng không bao giờ mất hết, cùng lắm chỉ mất 10 – 20% giá trị khi cho vay bất động sản nếu có giấy tờ, pháp lý rõ ràng khi cho vay.
“Cầm cái nhà vẫn có thể bán được, không bán được năm nay thì 2 năm sau vẫn bán được. Còn cho vay các lĩnh vực khác, khi doanh nghiệp vào đường túng quẫn thì tìm cách xù nợ. Trong khi đó, pháp luật lại thường bảo vệ người đi vay chứ không phải người cho vay”, đại diện của VPBank cho hay.
Trong năm qua, NHNN cũng đã tích cực chỉ đạo các ngân hàng thương mại tiếp tục thúc đẩy việc cho vay tín dụng với lĩnh vực bất động sản. Ngành ngân hàng cần phải có chính sách khuyến mại tín dụng, đặc biệt dành cho các dự án bất động sản khả thi, tạo động lực cho tăng trưởng.
Cá biệt vào cuối năm 2023, nhiều ngân hàng tiếp tục giảm lãi suất cho vay xuống vùng đáy mới giúp thúc đẩy lượng giao dịch bất động sản, tạo đà cho lĩnh vực này khởi sắc trở lại trong đầu năm 2024.
Theo báo cáo triển vọng đầu tư tháng 2 của công ty chứng khoán VNDirect, thị trường bất động sản sẽ phục hồi từ nửa cuối năm 2024 khi các nút thắt đang dần nới lỏng.
“Lãi suất giảm kỳ vọng giúp nhu cầu mua bất động sản sẽ cải thiện, từ đó hỗ trợ dòng tiền của các chủ đầu tư. Chúng tôi tin rằng thị trường bất động sản nhà ở đã bước qua giai đoạn khó khăn nhất, và sẽ cho thấy sự phục hồi rõ nét hơn từ nửa cuối năm 2024”, các chuyên gia của VNDirect nhận định.
Khánh Tú / Vietnamfinance