Phiên họp của Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc ngân hàng trung ương 7 nền kinh tế hàng đầu thế giới có thể cho thấy sự khác biệt trong quan điểm của của các nước giàu về chính sách tiền tệ và cách thúc đẩy tăng trưởng toàn cầu.
Trong phiên họp 2 ngày, nước chủ nhà Nhật Bản được cho là sẽ tìm cách để các bên ủng hộ lập trường của mình – rằng kích thích tài khóa là cách thúc đẩy kinh tế toàn cầu. Đồng yen mạnh lên gần đây đang khiến xuất khẩu nước này bị ảnh hưởng và làm trầm trọng tình hình kinh tế Nhật.
Tuy nhiên, quan điểm này lại ngược với Mỹ và Pháp. Bộ trưởng Tài chính Pháp – Michel Sapin không hào hứng với ý tưởng một quốc gia có thể giành lợi thế thương mại bằng cách thao túng đồng tiền của mình. “Chúng ta cần phải hợp tác, chứ không phải tạo ra chiến tranh tiền tệ”, ông cho biết trên AFP.
Nhiệm vụ của G7 (gồm Mỹ, Pháp, Nhật Bản, Anh, Canada và Italy) là tìm ra chiến lược chung để giúp toàn cầu tránh suy thoái. Hồi tháng 4, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã hạ dự báo tăng trưởng toàn cầu lần thứ 3 trong chưa đầy một năm, khi GDP Trung Quốc và các nước mới nổi tăng chậm lại.
Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) – Mario Draghi và Giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) – Christine Lagarde cũng tham gia cuộc họp này. Một số vấn đề như tài chính của các tổ chức khủng bố, các thiên đường thuế nước ngoài, cách giảm nợ cho Hy Lạp và cuộc trưng cầu đi hay ở lại EU của Anh cũng sẽ được bàn tới.
Tuy nhiên, việc tìm được tiếng nói chung về cách G7 thúc đẩy kinh tế các nước thành viên nói riêng và toàn cầu nói chung sẽ là một thách thức. Lời kêu gọi nới lỏng quy mô lớn của Thủ tướng Nhật Bản – Shinzo Abe đầu tháng này đã không nhận được sự hưởng ứng từ Thủ tướng Đức – Angela Merkel và Thủ tướng Anh – David Cameron.
Hà Thu (theo AFP)
Theo Vnexpress