Trong bản Báo cáo năm 2015 – Triển vọng 2016 vừa phát hành, Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) đã đưa ra dự báo: “Ở kịch bản cở sở, mặt bằng lãi suất huy động và cho vay sẽ tăng thêm 0,6-1%/năm trong năm 2016”.
Vì sao không tăng lãi suất trong năm 2015?
Báo cáo của BVSC cho biết, năm 2015 vừa qua, lãi suất huy động và cho vay được điều chỉnh giảm, nhưng có sự khác biệt giữa các kỳ hạn.
Thống kê lãi suất của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) hàng tháng cho thấy, lãi suất các kỳ hạn ngắn bắt đầu được điều chỉnh giảm kể từ cuối tháng 3/2015. Cụ thể: Kỳ hạn được điều chỉnh mạnh nhất là kỳ hạn 1 tháng, giảm 50 điểm phần trăm, từ 5% xuống 4,5%; kỳ hạn 6 tháng được điều chỉnh giảm 30 điểm phần trăm, từ 5,7% xuống 5,4%, và kỳ hạn dưới 12 tháng được điều chỉnh giảm 20 điểm phần trăm, từ 6,7% xuống 6,5%. Nhìn chung mặt bằng lãi suất được điều chỉnh giảm không nhiều, và kể từ cuối tháng 3 lãi suất được duy trì ổn định cho đến hết năm.
Ở đầu ra của lãi suất, các ngân hàng thương mại quốc doanh đã phát đi tín hiệu giảm lãi suất cho vay dài hạn ngay từ cuối tháng 3/2015, từ 11% xuống 10,5% cho mức cận trên đối với hoạt động sản xuất kinh doanh thông thường. Trong khi đó, lãi suất cho vay ngắn hạn chỉ được điều chỉnh giảm chậm hơn kế từ cuối tháng 6, từ 9% xuống 8,8%.
NHNN không tăng lãi suất trong nửa cuối năm, mặc dù tín dụng có những thời điểm căng thẳng cục bộ trên thị trường liên ngân hàng. Theo BVSC, có hai nguyên nhân giải thích cho quyết định này của NHNN.
Thứ nhất, NHNN muốn ưu tiên hơn cho việc đạt mục tiêu tăng trưởng tín dụng của cả năm. Việc đạt được mục tiêu tăng trưởng tín dụng có một ý nghĩa quan trọng, do nó là một chỉ báo quan trọng cho thấy nền kinh tế đã phục hồi sau giai đoạn suy thoái. Qua đó NHNN không muốn làm thị trường thất vọng bằng cách tăng lãi suất.
Thứ hai, lạm phát cuối năm luôn được duy trì ở mức thấp, dưới 1%, cho nên với mức lãi suất danh nghĩa hiện tại, lãi suất thực tế (sau khi trừ lạm phát) đã được duy trì ở mức cao.
Ba lý do tạo áp lực tăng lãi suất
Thị trường tín dụng năm 2015 đã một lần nữa khẳng định tăng trưởng tín dụng đã quay trở lại sau khi suy giảm mạnh cách đây hai năm. Tín dụng vào cuối năm 2015 dự kiến tăng khoảng 18% so với cuối năm 2014. Đà tăng trưởng tín dụng này tiếp nối kết quả đạt được của năm 2014 (14%), sau khi suy giảm mạnh vào năm 2013 (3%).
BVSC đánh giá, tín dụng hồi phục cộng với mặt bằng lãi suất ổn định là hai yếu tố quan trọng cho thấy thị trường tiền tệ đã bước vào giai đoạn ổn định, tạo tiền đề quan trọng cho tăng trưởng trong trung hạn của nền kinh tế.
Một yếu tố quan trọng khác giúp thị trường tiền tệ ổn định là nợ xấu trong toàn hệ thống ngân hàng đã giảm xuống 2,72% tổng dư nợ tín dụng vào thời điểm cuối tháng 11/2015, giảm mạnh so mới mức đỉnh điểm trên 17% vào năm 2012.
Tuy nhiên, Công ty này cho hay, thách thức trong điều hành thị trường tiền tệ đối với NHNN trong năm 2016 vẫn rất lớn khi tăng trưởng tín dụng hồi phục cũng đồng thời tạo ra quán tính tăng thêm lớn hơn cho những năm sau, gây áp lực lên mặt bằng lãi suất và lạm phát. Năm 2016 là năm mở đầu cho kế hoạch 5 năm 2016-2020. Chính phủ đã đặt ra mục tiêu tăng trưởng GDP 6,5- 7%, đồng thời duy trì lạm phát mục tiêu ở mức 5-7% trong giai đoạn 5 năm này. Do vậy, áp lực lên thị trường tiền tệ là rất lớn nếu Chính phủ muốn đạt được mục tiêu tăng trưởng cao này.
Ở kịch bản cở sở, BVSC dự báo mặt bằng lãi suất huy động và cho vay sẽ tăng thêm 0,6-1%/năm trong năm 2016. Có ba lý do giải thích cho áp lực gia tăng lãi suất trong năm.
Thứ nhất, tín dụng tăng trưởng mạnh trong năm 2015 sẽ buộc các ngân hàng phải điều chỉnh tăng lãi suất huy động để có thể thu xếp đủ vốn vay cho năm 2016, năm mở đầu của kế hoạch tăng trưởng 5 năm 2016-2020.
Thứ hai, lạm phát sẽ được điều chỉnh dần theo kỳ vọng 5-7% cho giai đoạn 2016-2020, và đây sẽ là cơ sở để tăng lãi suất danh nghĩa.
Thứ ba, NHNN cần duy trì một độ rộng hợp lý cho lãi suất VND so với USD, và việc Cục Dự trữ Liên ban Mỹ (FED) dự kiến điều chỉnh lãi suất tăng thêm 1% trong năm 2016 sẽ gây áp lực tăng lãi suất VND.
Theo Thời Báo Tài Chính