Nhằm quản lý nguồn thu, chống thất thu thuế, nhà chức trách cho biết đã đưa thêm 61.329 hộ kinh doanh vào quản lý thuế qua bản đồ số.
Thông tin về kết quả quản lý thuế đối với hộ, cá nhân kinh doanh, Cục Thuế (Bộ Tài chính) cho biết, tính đến hết tháng 3/2025, số lượng hộ, cá nhân kinh doanh đã nộp Tờ khai thuế theo hình thức khoán là 1.975.373 hộ và có 6.142 hộ nộp thuế theo hình thức kê khai.
Số lượng hộ, cá nhân kinh doanh đưa thêm vào quản lý thông qua triển khai bản đồ số hộ kinh doanh là 61.329 hộ kinh doanh.

Cục Thuế cũng thông tin, đối với cá nhân kinh doanh nộp thuế theo phương thức khoán, mức thuế khoán bình quân tháng 3/2025 là 672,3 nghìn đồng/tháng/hộ. Trường hợp, cá nhân kinh doanh nộp thuế theo phương pháp kê khai, số thuế bình quân tháng 3/2025 là 4,6 triệu đồng/tháng/hộ.
Tổng số thu ngân sách nhà nước (NSNN) từ hộ, cá nhân kinh doanh 3 tháng đầu năm 2025 ước đạt 8.695 tỷ đồng, tăng 25,7% so với cùng kỳ năm 2024. Trong đó, TP. Hà Nội ước thu đạt 1.455 tỷ đồng, TP. Hồ Chí Minh ước thu đạt 3.095 tỷ đồng và các tỉnh, thành phố khác. Kết quả này được Cục Thuế đánh giá là tích cực bởi tình hình kinh tế trong những tháng đầu năm 2025 ghi nhận nhiều kết quả khá khả quan.
Song song với đó, nhà chức trách cũng quan ngại rằng, kết quả quản lý thuế hộ, cá nhân kinh doanh vẫn chưa đạt được yêu cầu đặt ra, đặc biệt là việc quản lý trên nền tảng số, các hình thức kinh doanh nhà hàng, khách sạn và dịch vụ vẫn còn tình trạng “lách luật” để trốn thuế, gây thất thu cho NSNN.
Theo Cục Thuế, chính sách thuế khoán đối với hộ, cá nhân kinh doanh nhằm khuyến khích và tạo điều kiện tối đa cho người dân có hoạt động sản xuất, kinh doanh nhỏ phát triển để làm giàu cho chính mình và hỗ trợ một bộ phận lao động tự do có công ăn việc làm ổn định, hạn chế được vấn nạn thất nghiệp trong một bộ phận người dân.
Tuy nhiên kinh tế hiện nay có nhiều sự phát triển, đặc biệt là hoạt động kinh doanh trên nền tảng thương mại điện tử đã gia tăng và gây áp lực cho các mô hình kinh doanh truyền thống. Điều này cũng đã đặt ra cho cơ quan quản lý, trong đó có cơ quan thuế những thách thức không hề nhỏ bởi sự đa dạng và số đông của đối tượng tham gia.

Do đó, Cục Thuế đã triển khai các giải pháp nhằm tăng cường quản lý thuế đối với hộ, cá nhân kinh doanh.
Trước hết, từ ngày 1/6 theo quy định tại Nghị định số 70 năm 2025, hộ, cá nhân kinh doanh có mức doanh thu hàng năm từ 1 tỷ đồng trở lên phải sử dụng hoá đơn điện tử, kết nối dữ liệu với cơ quan thuế. Ngoài ra, các doanh nghiệp có hoạt động bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ trực tiếp đến người tiêu dùng như: trung tâm thương mại, siêu thị, bán lẻ (trừ ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác); các dịch vụ ăn uống, nhà hàng, khách sạn; dịch vụ vận tải hành khách, dịch vụ hỗ trợ trực tiếp cho vận tải đường bộ; dịch vụ nghệ thuật, vui chơi, giải trí, hoạt động chiếu phim…phải sử dụng hoá đơn khởi tạo từ máy tính tiền.
Bên cạnh đó, phối hợp với Bộ Công An để triển khai các giải pháp quản lý thuế đối với hộ kinh doanh, đề nghị trao đổi dữ liệu về giám sát hành trình, camera giám sát, phòng cháy chữa cháy, cơ sở dữ liệu cư trú.
“Sắp tới, toàn ngành thuế sẽ tận dụng tối đa những tiến bộ của khoa học công nghệ, ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (BigData) để phát triển các ứng dụng quản lý thuế, đặc biệt là ứng dụng eTax Mobile nhằm quản lý thuế đối với hộ, cá nhân kinh doanh”, lãnh đạo Cục Thuế khẳng định.
Khôi Nguyên / Vietnamfinance.vn