Phiên giao dịch ngày 28/4 chứng kiến sự dịch chuyển rõ rệt của dòng tiền trên thị trường chứng khoán, khi lực cầu đổ dồn vào nhóm cổ phiếu penny, đẩy hàng loạt mã tím trần trong khi nhóm bluechip tiếp tục lao dốc.
Trạng thái giằng co kéo dài suốt phiên chiều, kết thúc bằng việc VN-Index đóng cửa tại 1.226,80 điểm, giảm 2,43 điểm so với tham chiếu. Thanh khoản trên sàn HoSE đạt hơn 14.150 tỷ đồng, sụt giảm mạnh so với phiên cuối tuần trước. Dòng tiền dường như đã bắt đầu “nghỉ lễ sớm”.
Áp lực bán lan rộng khiến sắc đỏ chiếm ưu thế rõ rệt. Số lượng cổ phiếu giảm điểm trên sàn HoSE tăng lên mức 262 mã. Tuy nhiên, số lượng cổ phiếu tăng điểm cũng tăng đáng kể, đạt 235 mã, trong khi số còn lại đứng giá. Ngược lại, tại HNX và UPCoM, sắc xanh vẫn hiện diện dù có phần thu hẹp. Sàn HNX ghi nhận 89 mã tăng, 79 mã giảm và 61 mã đứng giá, trong khi trên UPCoM có 163 mã tăng so với 139 mã giảm.

Tâm điểm tiêu cực trong rổ VN30 gọi tên VHM khi cổ phiếu này lao dốc hơn 6% ngay sau phiên ATC, trở thành “tội đồ” kéo thị trường đi xuống. Cùng với VHM, các ông lớn như FPT, VJC, VNM, PLX, GVR… cũng đồng loạt điều chỉnh giảm từ 1% đến 2%, lấy đi hơn 7,1 điểm của VN-Index.
Ở chiều ngược lại, sự bứt phá của SAB (+3%), SSB (+2,76%) cùng sắc xanh có phần yếu ớt của LPB, VIC, VRE, HDB…, chỉ có thể đóng góp 3,6 điểm cho đà tăng của chỉ số.
Điểm nhấn nổi bật trong phiên giao dịch chiều nay là sự “nổi loạn” của nhóm penny. Dòng tiền tháo chạy khỏi bluechip, đổ dồn vào các mã nhỏ như DRH, LGC, HAP, DXV, VSI, TYA, AGM…, đẩy giá nhiều cổ phiếu tăng kịch trần, cho thấy tâm lý đầu cơ ngắn hạn đang chiếm ưu thế.
Nhóm chứng khoán cũng hưởng lợi từ sự dịch chuyển dòng tiền. ORS và WSS bứt phá mạnh với mức tăng từ 4% đến 8%, trong khi các mã lớn hơn như BSI, FTS, HCM, VND cũng lấy lại đà tăng, dao động từ 1% đến 3%.
Tại nhóm bất động sản, ngoại trừ “ngoại trừ biến động bất thường của VHM, tình hình nhìn chung không biến động nhiều so với phiên sáng. NVL vẫn nổi bật với mức tăng 5,53%, trong khi các mã như QCG, HQC, CRE, NTL… chỉ nhích nhẹ quanh 1%. Ngược lại, PDR, NLG, KDH, TCH và DXS tiếp tục giảm từ 1% đến 3%.
Tại nhóm thép, HPG là mã duy nhất ghi nhận sắc đỏ, giảm nhẹ 0,19% so với tham chiếu. Ngược lại, các cổ phiếu khác như TVN, NKG, HSG và VGS tiếp tục giữ vững đà tăng từ 1% đến 3%.
Tại nhóm công nghệ, các cổ phiếu “họ” Viettel bắt đầu đuối sức: VTP chỉ còn tăng hơn 2%, trong khi CTR và VGI gần như đi ngang. Các mã khác như FOC, FOX, CMG ghi nhận biến động trái chiều với biên độ dao động khá rộng từ 1% đến 5%.
Các nhóm ngành từng hút dòng tiền mạnh trước đó như khu công nghiệp, dệt may, thủy sản và cao su đã cho thấy dấu hiệu suy yếu rõ rệt. Thanh khoản sụt giảm dưới mức trung bình 20 phiên, trong khi giá cổ phiếu đồng loạt điều chỉnh từ 1% đến 3%.
Về giao dịch của khối ngoại, nhà đầu tư nước ngoài vẫn bán ròng khá mạnh tay tại các mã VHM (-118 tỷ đồng), FPT (-105 tỷ đồng), GEX (-68 tỷ đồng). Tuy nhiên, khối ngoại cũng tích cực gom vào các cổ phiếu như MBB (+118 tỷ đồng), BVH (+81 tỷ đồng), SAB (+58 tỷ đồng). Tình hình giao dịch có phần khởi sắc khi đã chuyển sang trạng thái mua ròng, dù con số này chỉ vỏn vẹn 3 tỷ đồng.
Dưới góc độ kỹ thuật, VN-Index hiện vẫn đang rung lắc tại vùng kháng cự then chốt 1.230 điểm. Tuy nhiên, việc nhóm penny tăng bùng nổ trong phiên hôm nay là tín hiệu nhà đầu tư cần đặc biệt lưu tâm. Đằng sau sự hưng phấn nhất thời này, không loại trừ khả năng nhịp hồi phục hiện tại đang tiến dần tới giai đoạn cuối – một giai đoạn mà rủi ro tiềm ẩn có thể tăng cao hơn là cơ hội.
Theo Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), tâm lý thận trọng trước kỳ nghỉ lễ nhiều khả năng sẽ khiến chỉ số gặp khó khăn trong việc bứt phá vùng cản trong ngắn hạn. BVSC cũng cảnh báo, nếu VN-Index suy yếu và rơi trở lại dưới ngưỡng 1.200 điểm khi kết thúc tháng 4, rủi ro bước vào một nhịp điều chỉnh sâu sẽ gia tăng. Đơn vị này khuyến nghị nhà đầu tư nên tận dụng các nhịp tăng điểm để cơ cấu lại danh mục theo hướng an toàn hơn, đặc biệt cần chú ý nếu chỉ số tiến sát vùng kháng cự quanh 1.240 điểm.
Hoàng Anh / Vietnamfinance.vn