Ngân hàng đồng loạt thông báo khóa giao dịch tài khoản khi số dư về 0 đồng và không phát sinh giao dịch trong thời gian dài.
Ngân hàng đóng tài khoản không phát sinh giao dịch
Hầu hết ngân hàng sẽ quy định đóng tài khoản của khách hàng khi số dư về 0 đồng và không phát sinh giao dịch trong khoảng thời gian quy định (thường từ 6-18 tháng).
Hàng loạt ngân hàng mới đây đã phát đi thông báo về việc khóa giao dịch, đóng tài khoản trong trường hợp không phát sinh giao dịch trong thời gian dài.
Ngân hàng Lộc Phát Việt Nam (LPBank) vừa thông báo về việc đóng tài khoản thanh toán của khách hàng có thời gian dài không sử dụng.
Theo đó, ngân hàng này sẽ thực hiện đóng tài khoản theo quy định của Ngân hàng nhà nước và Quy định của LPBank với khách hàng cá nhân có tài khoản thanh toán không còn số dư và không hoạt động liên tục trong vòng 12 tháng.
LPBank thông báo trường hợp tài khoản ngân hàng không đảm bảo điều kiện về số dư tối thiểu/thời gian hoạt động, LPBank sẽ thực hiện đóng tài khoản sau ngày 15/7/2025.
Ngân hàng Woori Bank cũng mới phát đi thông báo, kể từ ngày 01/07/2025, nhà băng này sẽ tiến hành phân loại tài khoản không phát sinh giao dịch (trừ giao dịch trả lãi tiền gửi không kỳ hạn) trong ít nhất 1 năm liên tục từ ngày giao dịch cuối cùng vào ngày thứ Bảy tuần thứ ba hàng tháng.
Theo đó, nếu số dư dưới số dư tối thiểu và lớn hơn 0, chuyển sang tài khoản không hoạt động hoặc nếu số dư bằng 0, chuyển sang tài khoản tạm ngưng.
Trước khi chuyển trạng thái, Woori Bank sẽ thông báo tới những tài khoản có khả năng bị điều chuyển vào ngày làm việc thứ hai hàng tháng.

Sau khi chuyển trạng thái, tài khoản tạm ngưng và tài khoản không hoạt động sẽ bị khóa giao dịch ghi nợ trên tất cả các kênh giao dịch (IB/MB, ATM, POS, tại quầy) trừ những giao dịch ngân hàng chủ động trích nợ. Tài khoản không hoạt động sẽ bị thu phí quản lý tài khoản không hoạt động hàng tháng.
Sacombank cũng mới phát đi thông báo, đóng các tài khoản thanh toán có số dư bằng 0 và không phát sinh giao dịch trong thời gian ít nhất 6 tháng kể từ thời điểm tài khoản có số dư bằng 0, căn cứ theo thỏa thuận mở và sử dụng tài khoản giữa Sacombank và khách hàng.
Nếu khách hàng vẫn còn nhu cầu sử dụng thì thực hiện các giao dịch bổ sung nộp tiền/chuyển khoản vào tài khoản để tiếp tục duy trì mọi giao dịch liên quan trước 11/7/2025. Sau thời gian này, Sacombank sẽ thực hiện đóng tài khoản theo quy định.
Nhiều ngân hàng cũng quy định sẽ tự động khóa thẻ hoặc đóng tài khoản nếu không phát sinh giao dịch trong 6-18 tháng khi số dư về 0. Dù không sử dụng, tài khoản và thẻ ATM vẫn bị trừ các loại phí như quản lý tài khoản, thường niên, SMS Banking, Internet Banking… cho đến khi hết số dư, sau đó sẽ bị khóa nếu tiếp tục không có giao dịch.
Chẳng hạn, tại Techcombank, ngân hàng này sẽ đóng các tài khoản thanh toán không phát sinh giao dịch chủ động trong thời gian liên tục tối thiểu từ 12 tháng trở lên, đồng thời có số dư còn lại (sau khi đã thanh toán các loại phí) nhỏ hơn số dư tối thiểu là 50.000 đồng/ 5 USD/ 5 EUR theo quy định của Techcombank.
Tương tự, tại VPBank, tài khoản thanh toán sẽ bị đóng sau 360 ngày kể từ thời điểm tài khoản được xác định đang ở trạng thái không hoạt động và có số dư bằng 0. Hệ thống sẽ gửi tin nhắn cảnh báo đến chủ tài khoản thanh toán trong vòng 7 ngày trước thời điểm tài khoản có dấu hiệu sẽ bị chuyển sang trạng thái ngủ quên.
Trong khi đó, Agribank sẽ đóng tài khoản thanh toán ở trạng thái không hoạt động vượt quá 36 tháng. Đồng thời, số dư trong tài khoản thấp hơn số dư tối thiểu (đối với khách hàng cá nhân là 50.000 đồng và ngoại tệ là 10 đơn vị tiền tệ; đối với khách hàng tổ chức là 1.000.000 VND và ngoại tệ là 100 đơn vị tiền tệ).
Vietcombank sẽ thực hiện đóng tài khoản của khách hàng trong các trường hợp khi tài khoản có số dư bằng 0 trong thời gian trên 12 tháng liên tục.
Còn BIDV đóng các tài khoản không duy trì số dư đạt mức tối thiểu (hoặc có số dư 0 đồng) và không phát sinh giao dịch trong liên tục 6 tháng. Để tài khoản không bị khóa, khách hàng cần chuyển thêm tiền để số dư tài khoản bằng hoặc cao hơn 50.000 đồng. Sau khi đóng tài khoản tại BIDV, khách hàng có nhu cầu muốn tiếp tục sử dụng tài khoản cần làm thủ tục đăng ký mở tài khoản mới theo quy định của ngân hàng.
Có lợi cho cả ngân hàng và khách hàng
Theo giới chuyên gia, việc các ngân hàng thực hiện khóa tự động đối với các tài khoản có số dư về 0 hoặc dưới số dư tối thiểu là hợp lý và phù hợp với yêu cầu làm sạch dữ liệu phục vụ xác thực khách hàng cũng như áp dụng các công nghệ số hóa trong thanh toán, giao dịch tài chính – tiền tệ.
Việc ngân hàng tạm khóa hay đóng tài khoản thanh toán khi khách hàng không hoạt động thời gian dài vừa giúp ngân hàng không phát sinh chi phí quản lý.

Về phía người dùng, việc làm này của các ngân hàng sẽ giúp chủ tài khoản tránh được những khoản phí phát sinh không đáng có, thậm chí tránh được các trường hợp bị ghi nhận nợ xấu trên hệ thống thông tin tín dụng khi rủi ro phát sinh các khoản nợ nhỏ, vô tình bị bỏ quên.
Khóa tài khoản ngân hàng là tạm thời ngừng sử dụng tài khoản, còn đóng tài khoản ngân hàng là xóa bỏ hoàn toàn tài khoản khỏi hệ thống ngân hàng.
Trong một số tình huống cụ thể, khách hàng hoàn toàn có thể chủ động đóng, khóa hoặc hủy tài khoản ngân hàng để bảo vệ tài sản và tránh các rủi ro không đáng có.
Khi đánh rơi hoặc bị mất thẻ ATM, khách hàng nên lập tức khoá tài khoản và thẻ ngân hàng để ngừng mọi giao dịch trái phép, bảo vệ số tiền trong tài khoản khỏi bị mất cắp.
Nếu phát hiện thông tin tài khoản bị xâm nhập trong quá trình giao dịch, đặc biệt tại các cây ATM hoặc điểm thanh toán, hãy lập tức khoá tài khoản để ngăn chặn nguy cơ lừa đảo.
Còn nếu đã chuyển sang ngân hàng khác, khách hàng đừng quên huỷ tài khoản ngân hàng cũ để tránh phí dịch vụ hàng tháng không cần thiết và các phiền phức liên quan.
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa thông tin, cả nước hiện có khoảng 200 triệu tài khoản ngân hàng.
Nhưng sau khi triển khai yêu cầu xác thực sinh trắc học, hệ thống chỉ ghi nhận 113 triệu tài khoản cá nhân và hơn 711.000 tài khoản tổ chức còn hoạt động hợp lệ.
Như vậy, có tới gần 86 triệu tài khoản không còn hoạt động, nhiều khả năng là tài khoản không chính chủ hoặc bị bỏ quên, thậm chí do đối tượng xấu tạo lập để phục vụ hành vi gian lận.
NHNN cho biết việc xóa sổ hơn 86 triệu tài khoản ngân hàng chưa được xác thực danh tính bằng sinh trắc học và không phát sinh giao dịch trong thời gian dài được coi là biện pháp làm sạch hệ thống tài khoản ngân hàng, giúp ngăn chặn các hình thức lừa đảo phổ biến thời gian qua như giả mạo tài khoản nhận tiền, rút tiền không chính chủ, hoặc rửa tiền qua kênh ngân hàng điện tử.
Dự kiến việc xóa sổ hơn 86 triệu tài khoản này sẽ được các ngân hàng thương mại thực hiện từ 1/9.
Minh Anh / Vietnamfinance.vn