Nợ xấu ngành ngân hàng tăng mạnh trong 6 tháng đầu năm và được dự báo sẽ tiếp tục đi lên. Trong khi đó, việc xử lý nợ xấu gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.
Nợ xấu tăng cao
Dù được giãn, hoãn nhưng nợ xấu nội bảng của hệ thống ngân hàng tại thời điểm cuối tháng 6 vẫn tăng so với cuối năm ngoái. Trong 2 năm gần đây, tỷ lệ nợ xấu ở mức cao và có khả năng tiếp tục gia tăng.
Ngân hàng Nhà nước cho biết, tính đến cuối tháng 6/2024, nợ xấu nội bảng của toàn hệ thống tổ chức tín dụng tăng 5,77% so với cuối năm 2023. Tỷ lệ nợ xấu cuối tháng 6/2024 ở mức 4,56%, tăng nhẹ so với mức 4,55% tại thời điểm cuối năm 2023 và gần như gấp đôi so với mức 2,03% của cuối năm 2022.
Kết quả khảo sát kết quả kinh doanh của 29 ngân hàng thương mại trong nước cho thấy, nợ xấu tại hầu hết ngân hàng đều “phình to”. Nhiều ngân hàng ghi nhận số dư nợ xấu tuyệt đối lên đến 30% – 50% so với cuối năm trước.
Về tỷ lệ nợ xấu, trong số 29 ngân hàng, có tới 24 đơn vị ghi nhận tăng trong 2 quý đầu năm. Toàn ngành chỉ ghi nhận 5 ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu cải thiện là: Agribank (giảm 0,01%), Eximbank (giảm 0,01%), SeABank (giảm 0,03%), SHB (giảm 0,23%), PG Bank (giảm 0,24%).
So với mục tiêu mà Ngân hàng Nhà nước đề ra là tỷ lệ nợ xấu được kiểm soát dưới 3% thì nhiều ngân hàng đã vượt ngưỡng. Trong đó, có thể kể đến: BaoViet Bank (4,79%), BVBank (3,77%), VIB (3,67%), ABBank (3,55%), Vietbank (3,43%).
Đa số ngân hàng đều ghi nhận nợ xấu tăng, nhiều khoản nợ nghi ngờ mất vốn (nợ nhóm 4) chuyển sang nợ có khả năng mất vốn (nợ nhóm 5). Đấy chính là mối lo lắng lớn nhất vì hàng chục ngìn tỷ đồng gần như không thể thu hồi.
Chẳng hạn như, tại VIB, vào cuối quý II/2024, nợ nhóm 5 tăng tới 91% so với thời điểm cuối năm 2023, lên 4.205 tỷ đồng; tỷ lệ nợ xấu tăng từ 3,14% đầu năm lên 3,65%. Tại Sacombank, tính đến 30/6, nợ có khả năng mất vốn tăng gần 72% so với đầu năm lên 8.409 tỷ đồng, kéo theo tỷ lệ nợ xấu tăng từ 2,28% lên 2,43%. Xét về số dư tuyệt đối, VPBank dẫn đầu với tổng nợ xấu đạt 31.712 tỷ đồng vào cuối quý II, tăng 11,6% so với cuối năm trước.
Đáng chú ý, cả 4 “ông lớn” ngân hàng quốc doanh là Vietcombank, VietinBank, BIDV và Agribank đều đang thuộc nhóm có số dư nợ xấu cao nhất ngành. Cụ thể, số dư nợ xấu tại Agribank đến cuối tháng 6 đã tăng 1,9%, đạt mức 29.276 tỷ đồng. BIDV và VietinBank cũng ghi nhận tổng số dư nợ xấu tăng đáng kể so với đầu năm khi BIDV tăng 28% lên 28.687 tỷ đồng và VietinBank tăng 48,4% lên 24.646 tỷ đồng. “Quán quân lợi nhuận” Vietcombank thường nằm trong nhóm có chất lượng tài sản tốt toàn ngành cũng tăng thêm hơn 3.991 tỷ đồng nợ xấu sau 6 tháng đầu năm, tương đương tăng 32%, đạt 16.446 tỷ đồng.
Nhưng đây chưa phải những ngân hàng có tốc độ tăng nợ xấu nhanh nhất trong 6 tháng qua. Xét về tốc độ tăng nợ xấu, Bac A Bank là đơn vị dẫn đầu với số dư nợ xấu tăng tới 65,3% so với thời điểm cuối năm 2023, tiếp theo là VietABank tăng 52,3%, LPBank tăng 48,6%, VietBank tăng 47,4%…
Kết thúc 6 tháng đầu năm nay, số dư nợ xấu tại 29 ngân hàng đã tăng thêm 20,8%, tương ứng với 46.719 tỷ đồng, đạt 271.461 tỷ đồng. Cùng chiều với số dư nợ xấu, tỷ lệ nợ xấu của toàn ngành trong 6 tháng đầu năm đã tăng 0,24% so với cuối năm 2023, đạt 2,17%.
Đặc biệt, nợ cơ cấu lại thời hạn và giữ nguyên nhóm nợ theo Thông tư số 06/2024/TT-NHNN và Thông tư số 02/2023/TT-NHNN tăng khá mạnh cho thấy nhiều doanh nghiệp vẫn gặp khó khăn trong việc trả nợ và cần sự hỗ trợ từ các chính sách cơ cấu lại nợ.
Ngân hàng gặp khó trong xử lý nợ xấu
Trước áp lực nợ xấu gia tăng, nhiều ngân hàng đã tăng cường trích lập dự phòng rủi ro. Dù vậy, tỷ lệ bao phủ nợ xấu vẫn suy giảm. Tính tới giữa năm nay, tỷ lệ bao phủ nợ xấu toàn ngành giảm xuống chỉ còn gần 85%, thay vì mức gần 99% cuối năm ngoái.
Có tới 23/29 ngân hàng suy giảm bao phủ nợ xấu, trong đó mạnh nhất là VietinBank (giảm 53,5%), tiếp đến là BIDV (giảm gần 49%), Bac A Bank (giảm 45%)… Toàn hệ thống chỉ còn 6 ngân hàng có quỹ dự phòng rủi ro đủ sức bao phủ trên 100% nợ xấu, bao gồm nhóm “Big 4” và MB, Techcombank.
Các ngân hàng đang cấp tập rao bán tài sản thế chấp để xử lý, thu hồi nợ. Nhưng đại diện nhiều ngân hàng cho hay, họ đang đứng trước khó khăn kép về nợ xấu. Không chỉ nợ xấu tăng cao, tỷ lệ bao phủ nợ xấu suy giảm mà việc thu hồi, xử lý nợ ngày càng khó khăn trong bối cảnh Nghị quyết 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng đã hết hiệu lực và hiện chưa có văn bản thay thế.
Ông Phạm Đức Ấn, Chủ tịch HĐTV Agribank, chia sẻ Nghị quyết 42/2017/QH14 đã hết hiệu lực nhưng một số quy định không được kế thừa trong Luật Các tổ chức tín dụng năm 2024, đặc biệt là vấn đề hỗ trợ từ các cơ quan công an, chính quyền địa phương trong việc thực thi quyền thu, giữ tài sản đảm bảo của chủ nợ, càng khiến cho việc xử lý nợ xấu khó khăn hơn.
Còn ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, cho biết quá trình xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng còn gặp nhiều vướng mắc, đến từ nhiều yếu tố như khách hàng gặp khó khăn, không có khả năng trả nợ hoặc chây ì trả nợ, không hợp tác trong việc xử lý tài sản bảo đảm.
Bà Nguyễn Thị Thu Hằng, Phó cục trưởng Cục Đăng ký giao dịch bảo đảm (Bộ Tư pháp) thừa nhận hiện chưa có cơ chế pháp lý đủ mạnh cho phép bên nhận bảo đảm tiếp cận, thu hồi tài sản bảo đảm để xử lý.
Số liệu của Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng – Ngân hàng Nhà nước, cho biết tính riêng trong 6 tháng đầu năm 2024, toàn hệ thống xử lý được 167.300 tỷ đồng nợ xấu, tăng khoảng 45,6% so với cùng kỳ năm trước. Song gần một nửa trong số đó là do các tổ chức tín dụng tự xử lý bằng trích lập dự phòng rủi ro. Việc thu giữ tài sản đảm bảo, xử lý nợ xấu đang gặp nhiều khó khăn.
Giới chuyên gia cho rằng để giải quyết tình trạng nợ xấu, có 2 vấn đề cần phải quan tâm. Đó là phát triển thị trường mua bán nợ và vực dậy thị trường bất động sản, vì đa số nguồn vốn đang nằm tại thị trường này và chủ yếu nợ xấu của hệ thống ngân hàng cũng là bất động sản, với 80% – 90% tài sản thế chấp ngân hàng là bất động sản.
Liên quan đến việc thu giữ tài sản bảo đảm để xử lý nợ xấu, ông Nguyễn Quốc Hùng kiến nghị: Các cơ quan có thẩm quyền cần thiết bổ sung quy định pháp luật cho phép các tổ chức tín dụng là bên nhận bảo đảm của khoản nợ xấu được quyền thu giữ tài sản bảo đảm, góp phần đẩy nhanh tiến độ xử lý nợ xấu; đồng thời, bổ sung quy định về cơ chế phối hợp, hỗ trợ của chính quyền địa phương, cơ quan công an cho các tổ chức tín dụng trong việc thu giữ tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu…
Kết thúc 6 tháng đầu năm nay, số dư nợ xấu tại 29 ngân hàng đã tăng thêm 20,8%, tương ứng với 46.719 tỷ đồng, đạt 271.461 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu của toàn ngành tăng 0,24% so với cuối năm 2023, đạt 2,17%. Tỷ lệ bao phủ nợ xấu toàn ngành giảm xuống chỉ còn gần 85%, thay vì mức gần 99% cuối năm ngoái.
Minh Anh / Vietnamfinance