Giá gạo tại các siêu thị trên khắp Nhật Bản vẫn tiếp tục tăng, mặc dù gạo từ kho dự trữ quốc gia đã bắt đầu được bày bán. Điều này đang mang lại cơ hội cho các nước xuất khẩu gạo lớn, trong đó có Việt Nam.
Theo Bộ Nông nghiệp, Lâm nghiệp và Thủy sản Nhật Bản, giá trung bình của 5 kg gạo được bán từ ngày 24 – 30/03 tại các siêu thị trên toàn quốc của nước này đã tăng trong tuần thứ 13 liên tiếp, lên mức 4.206 Yên. Con số này cao gấp hai lần so với cùng kỳ năm ngoái.
Thực trạng này diễn ra trong bối cảnh Chính phủ Nhật Bản đã tổ chức 2 cuộc đấu giá giá gạo với tổng số 212.000 tấn thuộc kho dự trữ chiến lược, tương đương khoảng 1/5 kho dự trữ, và những bao gạo dự trữ đầu tiên này đã chính thức được bày bán trên các kệ tại các siêu thị từ cuối tháng 3 vừa qua.
Trong một diễn biến mới nhất, Thủ tướng Nhật Bản Ishiba Shigeru và Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp, Lâm nghiệp và Thủy sản Taku Eto dự kiến sẽ có cuộc thảo luận để thống nhất các biện pháp giải phóng thêm gạo dự trữ nhằm bình ổn giá gạo đang tăng cao, nhất là về thời gian cũng như quy mô cụ thể của đợt giải phóng sắp tới.
Giới chuyên gia trước đó cho rằng, nếu việc giải phóng gạo từ kho dự trữ vẫn không thể giúp bình ổn giá, Chính phủ Nhật Bản cần tính toán xem xét mở rộng giải phóng số lượng gạo lớn hơn mức 212.000 tấn như kế hoạch ban đầu.

Giá gạo tại Nhật Bản tăng mạnh sau vụ thu hoạch kém trong mùa Hè năm 2023, do nhiệt độ cao làm giảm sản lượng thu hoạch, ảnh hưởng đến hoạt động phân phối trong năm 2024. Ngoài ra, lượng khách du lịch nước ngoài tăng mạnh cũng là nguyên nhân khiến gạo được tiêu thụ nhiều hơn và gây sức ép lên giá bán.
Hiện nay, Chính phủ Nhật Bản đang nỗ lực tìm kiếm các giải pháp nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc phân phối gạo và bình ổn giá trên thị trường. Một trong những giải pháp trước mắt là tiếp tục đẩy mạnh nhập khẩu gạo từ nước ngoài. Điều này đang mang lại cơ hội cho các nước xuất khẩu gạo lớn, trong đó có Việt Nam.
Tại Việt Nam, các chuyên gia đánh giá, gạo Việt ngày càng khẳng định giá trị trên thị trường quốc tế khi có chỗ đứng riêng và đang chuyển dần sang xuất khẩu gạo chất lượng cao, đáp ứng thị trường khó tính.
Mới đây, ông Đỗ Hà Nam – Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), cho biết: Xuất khẩu gạo của Việt Nam tăng mạnh, từ 6 triệu tấn những năm trước lên 7,5 triệu tấn năm 2022 và vượt lên 9,18 triệu tấn năm 2024, doanh thu trên 5,7 tỷ USD. Ước tính tổng lượng gạo xuất khẩu trong quý I/2025 năm nay đạt hơn 2,2 triệu tấn, tăng 2% so với cùng kỳ năm 2024. Đáng chú ý, cơ cấu chủng loại gạo xuất khẩu đang có sự chuyển dịch tích cực, với xu hướng tăng tỷ trọng gạo thơm, Japonica, gạo đặc sản và các sản phẩm gạo có giá trị gia tăng cao.
Hiện nay trên thị trường xuất khẩu có 3 loại: gạo thường, gạo chất lượng cao và gạo cấp cao. Trong đó, Việt Nam xuất khẩu phần lớn là gạo chất lượng cao, khi chiếm tới 60-70%, gạo cao cấp có tên thương hiệu chiếm khoảng 15%, 10-15% còn lại là gạo thường. Các thống kê cho thấy, phân khúc gạo cao cấp của Việt Nam ít bị cạnh tranh bởi các nước xuất khẩu khác. Gạo của Việt Nam hiện có mặt ở nhiều quốc gia, nhiều thị trường khó tính nhờ chất lượng cao.
Trong khi đó, ông Trương Mạnh Linh, Giám đốc điều hành ngành gạo, Tập đoàn Tân Long kiêm Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Lương thực A An cho hay, thị trường Nhật Bản là thị trường mà tập đoàn vào bằng chính thương hiệu A An. Đó là chiến lược rất nhiều năm về trước, tập đoàn buộc phải chủ động được vùng nguyên liệu vì thị trường khó tính này yêu cầu tiêu chuẩn rất cao, trong đó có đáp ứng được dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. Ngoài Nhật Bản, Tập đoàn Tân Long cũng đang phát triển thêm thị trường châu Âu, mục tiêu năm 2025 đang hướng đến 50.000 tấn đi các thị trường này.
“Nếu sản lượng này so với 8 triệu tấn xuất khẩu mỗi năm của Việt Nam thì rất nhỏ, nhưng nếu không dịch chuyển dần vào các thị trường này thì sẽ rất khó khăn bởi Việt Nam đang có các thị trường truyền thống nhưng lại biến động nhiều, bắt buộc phải chuyển đổi và chuyển đổi từ nền nông nghiệp sản lượng sang nền nông nghiệp giá trị thì mới bền vững”, ông Linh chia sẻ.
Tiểu Vy / Vietnamfinance.vn