Sau khi chuyển đổi hình thức sở hữu từ doanh nghiệp nhà nước sang công ty cổ phần, Vissan tham vọng trở thành nhà sản xuất, chế biến, phân phối thực phẩm lớn nhất nước.
Công ty Cổ phần Việt Nam kỹ nghệ súc sản (Vissan) sáng nay đã tổ chức Đại hội đồng cổ đông để bầu ra ban điều hành mới sau cổ phần hóa, và đưa ra phương án sản xuất kinh doanh giai đoạn 2016-2020. Công ty cũng thông qua kế hoạch đăng kí giao dịch niêm yết cổ phiếu.
5 thành viên Hội đồng quản trị gồm có ông Phạm Trung Lâm, Tổng giám đốc Anco (thuộc Tập đoàn Masan), ông Nguyễn Ngọc An, ông Văn Đức Mười – giữ chức Tổng giám đốc, ông Nguyễn Phúc Khoa (lãnh đạo Satra) – giữ chức Chủ tịch Hội đồng quản trị.
Năm 2016, Vissan đặt kế hoạch doanh thu 3.996 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 99,1 tỷ. Dự tính, đến năm 2020, công ty đạt doanh thu 5.252 tỷ đồng, nhưng lợi nhuận sau thuế giảm còn 52,2 tỷ đồng.
Lý giải nguyên nhân lợi nhuận sau thuế giảm nhẹ sau 3 năm đầu cổ phần hóa (2016 là 99,1 tỷ đồng; 2017 là 99,4 tỷ đồng, 2018 là 106,6 tỷ đồng), ông Văn Đức Mười cho biết, là do chi phí hoạt động tăng theo doanh thu, đồng thời phân bổ chi phí lợi thế thương mại nên chi phí hoạt động tăng.
Đặc biệt, ông Mười cho biết, lợi nhuận sau thuế năm 2019, 2020 sẽ giảm mạnh vì trong giai đoạn này, cụm nhà máy chế biến ở Long An dự kiến đi vào hoạt động nên chi phí lãi vay và chi phí khấu hao tăng. Việc đưa vào hoạt động cụm nhà máy chế biến này sẽ giúp Vissan tăng năng lực sản xuất, cũng như nâng cao chất lượng các dòng sản phẩm cung cấp ra thị trường.
Trong 2016, công ty sẽ đầu tư nhà máy chế biến tại Long An với vốn đầu tư 1.500 tỷ đồng. Nhà máy có công suất khoảng 100.000 tấn sản phẩm thực phẩm chế biến mỗi năm, dự kiến hoạt động vào năm 2020.
Năm 2014, UBND TP HCM có quyết định về việc cổ phần hóa doanh nghiệp 100% vốn nhà nước Công ty TNHH MTV kỹ nghệ súc sản Vissan. Giá trị thực tế của Vissan được xác định hơn 1.600 tỷ đồng, giá trị thực tế phần vốn nhà nước tại Vissan là 809 tỷ đồng.
Sau khi cổ phần hóa, nhà nước nắm 65%, cổ phần bán ưu đãi cho người lao động là 6.02%, cho công đoàn Vissan là 0.98%, cổ phần bán đấu giá công khai cho các nhà đầu tư thông thường 14% (vốn điều lệ) và 14% cho nhà đầu tư chiến lược.
Sau khi chuyển đổi hình thức sở hữu từ doanh nghiệp nhà nước sang công ty cổ phần, kế hoạch của Vissan là trở thành nhà sản xuất chế biến phân phối thực phẩm lớn nhất nước. Thực phẩm không những cung cấp cho thị trường nội địa mà còn xuất khẩu sang các nước trong khu vực.
Vissan còn liên kết với các thương hiệu mạnh hướng tới kinh doanh nhượng quyền thương hiệu. Phát triển vùng chăn nuôi heo chất lượng cao gồm hệ thống các trại chọn lọc, trại nhân giống và trại heo thịt với khả năng cung cứng 300.000 con heo mỗi năm.
Dù đẩy mạnh phát triển vùng chăn nuôi, nhưng ông Mười cho rằng, việc chủ động nguồn nguyên liệu sẽ được giới hạn ở mức khoảng 30%, tức khoảng 300.000 con heo thịt vào năm 2020. Phần còn lại, Vissan sẽ lấy từ bên ngoài để tận dụng nguồn lực chăn nuôi trong xã hội.
Doanh nghiệp cũng dự kiến sẽ xây dựng nhà máy sản xuất thức ăn gia súc cung cấp cho vùng chăn nuôi heo và tham gia thị trường. Công ty cũng sẽ tập trung quảng bá và giới thiệu sản phẩm sang một số quốc gia trong khu vực châu Á và một số nước như Mỹ, Australia, Nhật Bản…
Mai Khanh
Theo Zing