Nhiều tập đoàn, doanh nghiệp nhà nước vẫn chật vật tìm đường thoái vốn khỏi lĩnh vực ngân hàng để thu hồi hàng nghìn tỷ đồng. Dù đã lên kế hoạch thoái vốn từ lâu, song đến giờ, Tổng công ty Bia rượu nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) vẫn đang bị “mắc kẹt” tại 4 ngân hàng chưa tìm được người mua lại cổ phần.
Thị trường chứng khoán suy thoái, hệ thống ngân hàng phải tái cơ cấu mạnh mẽ, hiệu quả kinh doanh sa sút… nên giới đầu tư cũng không mặn mà với cổ phiếu ngân hàng. Các tập đoàn lớn muốn thoái vốn khỏi ngân hàng cũng chầy chật, rao bán cổ phần đều bị thất bại, hoặc bán được số lượng rất ít…
Sự “mất giá” thảm hại của cổ phiếu ngân hàng là thực tế đáng suy ngẫm về đầu tư ngoài ngành, kém hiệu quả của các doanh nghiệp nhà nước suốt nhiều năm qua.
Chi dễ, thu chật vật?
Tháng 1/2016, Tổng công ty Sabeco lại tiếp tục kế hoạch thoái vốn tại 4 ngân hàng với tổng giá trị hợp lý khoảng 309 tỷ đồng. Số vốn thu hồi vốn về sẽ được dùng để phục vụ các mục tiêu đầu tư khác có hiệu quả hơn…
Mới đây, Sabeco đã nộp hồ sơ đăng ký bán toàn bộ 10.493.532 cổ phiếu sở hữu tại Ngân Hàng TMCP Phương Đông (OCB), chiếm tỷ lệ 2,95% vốn điều lệ. Tổng công ty đưa ra mức giá khởi điểm chỉ có 9.200 đồng/CP, thấp hơn mệnh giá. Điều này gây ngạc nhiên cho cổ đông vì các trường hợp doanh nghiệp thoái vốn khỏi ngân hàng đều cố gắng đưa ra bán tối thiểu bằng mệnh giá 10.000 đồng/CP.
Giá trị khoản đầu tư tại ngân hàng OCB trên sổ sách có giá gốc hơn 216,6 tỷ đồng (giá trị hợp lý 60.9 tỷ đồng). Nếu bán hết hơn 10,49 triệu cổ phiếu này, Sabeco dự tính chỉ thu về tối thiểu 96,53 tỷ đồng, thấp hơn rất nhiều so với giá gốc.
Động thái “hạ giá” cổ phần OCB cũng cho thấy việc thoái vốn không hề dễ dàng, nhất là khi giá trị thực tế của khoản đầu tư đã bị “hao hụt” đáng kể so với thời kỳ hoàng kim của ngành này.
Khoản đầu tư tại Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank, mã: EIB) cũng đang “làm khó” Sabeco khi phải tìm đối tác để chuyển nhượng lại. Được biết, ngày 30/10/2015, Sabeco đã có thông báo bán 5.728.051 cổ phiếu Eximbank (tỷ lệ 0,46% vốn điều lệ) với giá thoả thuận. Song ba tháng trôi qua, doanh nghiệp này vẫn chưa cho biết kết quả của đợt chào bán này.
Theo báo cáo, thời điểm tháng 6/2015, số cổ phiếu Eximbank mà Sabeco nắm giữ có giá gốc hơn 63,8 tỷ đồng, giá trị hợp lý 74,46 tỷ đồng, tương đương giá mua vào bình quân là 11.137 đồng/CP. Nhưng sau hàng loạt thông tin xấu về hoạt động kinh doanh của Eximbank bị thanh tra, phát hiện sai phạm thì giá cổ phiếu bị giảm rất mạnh.
Hiện, giá cổ phiếu Eximbank đã giảm xuống chỉ còn 10.100-10.700 đồng/CP, tức giá trị khoản đầu tư của Sabeco tại đây đã bị “bốc hơi” hơn 6 tỷ đồng, nên giá bán cho đối tác thoả thuận có thể bị “ép” giá.
Ngoài ra, Sabeco cũng chủ trương thực hiện thoái vốn tại hai ngân hàng khác gồm ngân hàng TMCP Đông Á (DongAbank) và ngân hàng TMCP Sài Gòn – Công thương (Saigonbank).
Ai mua cổ phần giá bèo?
Vào cuối tháng 4/2015, tổng công ty đã tổ chức bán đấu giá 500.000 cổ phiếu Saigonbank với giá khởi điểm 75.000 đồng/CP, tổng giá trị 37,5 tỷ đồng. Thế nhưng, phiên đấu giá này đã thất bại vì chỉ có một nhà đầu tư đăng ký mua cổ phần nên không đủ điều kiện tổ chức.
Tại DongAbank – Sabeco còn sở hữu 4,73 triệu cổ phần với giá gốc trên sổ sách hơn 136,3 tỷ đồng, nhưng giá trị hợp lý hiện chỉ còn 28,4 tỷ đồng (tại 30/6/2015).
Với khoản đầu tư bị hao hụt đáng kể, liệu có nhà đầu tư mạo hiểm nào muốn “ôm” số cổ phần DongAbank thay cho Sabeco. Nhất là trong tình cảnh hiện nay, DongABank đang bị đặt trong diện “kiểm soát đặc biệt”, hoạt động kinh doanh khó khăn, lợi nhuận sa sút, nợ xấu tăng cao… Nhà băng này đang có những xáo trộn về nhân sự điều hành, tập trung tái cơ cấu theo chỉ đạo của NHNN.
Theo quy định hiện hành, Sabeco phải thực hiện trích lập dự phòng giảm giá cho khoản đầu tư cổ phiếu tại doanh nghiệp. Với trường hợp khoản đầu tư tại DongAbank bị giảm mạnh, chưa rõ trong năm 2015 Sabeco đã trích lập dự phòng bao nhiêu?
Trong khi đó, cổ đông lớn của DongAbank là công ty vàng bạc đá quý Phú Nhuận- PNJ (sở hữu 30 triệu cổ phần) đã bị “ăn mòn” tới 37,5% lợi nhuận của năm 2015 khi phải trích lập tới 310 tỷ đồng cho khoản đầu tư tại ngân hàng này.
DongAbank cũng chây ỳ không công bố các báo cáo tài chính của năm 2015. Được biết, thời gian qua, tình hình kinh doanh của DongAbank bị sa sút nghiêm trọng, thua lỗ. Năm 2014, ngân hàng đạt tổng doanh thu thuần 1.483 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 35 tỷ đồng (giảm 93% so với năm 2014), lợi nhuận sau thuế chỉ đạt 27 tỷ đồng… DongAbank đã phải dành tới 567 tỷ đồng để trích lập dự phòng rủi ro nợ xấu.
Trái với thời kỳ hoàng kim cổ phiếu ngân hàng là “vua” thì nay, nhiều cổ đông doanh nghiệp đang muốn “giẫy” khỏi lĩnh vực này. Thế nhưng, khi ngân hàng làm ăn sa sút, có nhiều sai phạm bị phanh phui thì giá trị cổ phiếu cũng lao dốc theo.
Các cổ đông cũng tìm đường “tháo chạy” để cắt lỗ, song thực tế thoái vốn khó khăn khiến không ít cổ đông bị “mắc kẹt” chưa rõ khi nào mới “thoát” được.
Thu Hằng
Theo Thời Báo Kinh Doanh