Gần như toàn bộ đường sắt nước này đã áp dụng khổ tiêu chuẩn -1.435mm, trong khi số ít dùng khổ hẹp (1.000mm và 762mm) cũng dự kiến được chuyển đổi sớm.
Kế hoạch mua 160 toa xe cũ có tuổi đời 12-20 năm từ Trung Quốc của Công ty Đường sắt Hà Nội vừa bị Bộ Giao thông “tuýt còi” hôm qua đang gây sự chú ý của dư luận. Kế hoạch này xuất phát từ việc đường sắt Trung Quốc muốn thanh lý các phương tiện thích hợp cho khổ đường ray 1.000mm (tương tự như khổ đường tại Việt Nam) để chuyển đổi hoàn toàn sang khổ 1.435mm.
Khổ đường ray là khoảng cách giữa má trong của hai thanh ray chịu lực. Theo Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA), thế giới hiện có 4 loại khổ đường sắt điển hình, gồm khổ rộng, khổ tiêu chuẩn, khổ hẹp và khổ kép (dual).
Tính đến năm 2014, khoảng 60% đường ray trên thế giới là khổ tiêu chuẩn (khổ Stephenson) – 1.435mm. Các nước áp dụng khổ đường sắt khác nhau, thậm chí cùng một nước cũng khác nhau. Chọn khổ nào trong quá trình xây dựng ban đầu còn tùy thuộc vào điều kiện từng vùng và dự tính của công ty xây dựng.
Các loại đường sắt khổ hẹp (nhỏ hơn khổ tiêu chuẩn) có chi phí rẻ hơn, bán kính cong nhỏ hơn, phù hợp với địa hình vùng núi. Trong khi đó, đường sắt khổ rộng có độ ổn định cao hơn và cho phép tốc độ tàu lớn hơn. Đường sắt khổ tiêu chuẩn có đặc tính trung hòa giữa cả hai loại trên. Bên cạnh đó, áp dụng cùng một khổ tiêu chuẩn thế giới còn giúp tăng kết nối giữa các quốc gia.
Đường sắt khổ tiêu chuẩn đang là xu hướng của thế giới. Hầu hết các nước đã áp dụng khổ này, chủ yếu thuộc châu Âu và châu Mỹ. Một số quốc gia, như Mỹ, Venezuela, Canada, Áo, Bỉ dùng hoàn toàn khổ tiêu chuẩn.
Còn tại các nước châu Á, đặc biệt là Đông Nam Á, đường sắt khổ hẹp vẫn chiếm ưu thế. Thái Lan có tới hơn 4.000 km khổ hẹp và chỉ có 28,8 km tiêu chuẩn. Toàn bộ đường sắt tại Campuchia là khổ hẹp. Còn tại Nhật Bản, 85% trong đường sắt nước này là khổ hẹp.
Tại Trung Quốc – nước có số km đường ray lớn nhì thế giới, cả đường sắt khổ rộng, khổ hẹp và tiêu chuẩn đều được sử dụng. Dù vậy, gần như toàn bộ đường sắt tại đây là khổ tiêu chuẩn. Số đường khổ hẹp (1.000mm và 762mm) cũng sẽ sớm được chuyển đổi. Hiện tại, tuyến sử dụng khổ 1.000mm là tuyến đường sắt Hải Phòng – Vân Nam, nối Hải Phòng với thành phố Côn Minh (thuộc tính Vân Nam, Trung Quốc).
Dù vậy, trên China Daily, một số quan chức Trung Quốc cũng cho biết ngoài khổ tiêu chuẩn, nước này nên tăng cường khổ rộng để trao đổi hàng hóa với châu Âu. Do một số nước lân cận, như Nga, vẫn sử dụng đường sắt khổ rộng 1.520mm và không có khổ tiêu chuẩn. Sự khác biệt này đã gây khó cho hoạt động vận tải trên hành lang Âu – Á, kéo dài từ Liên Vân Cảng (Trung Quốc) đến châu Âu qua Trung Á.
Đường sắt Trung Quốc tăng trưởng rất nhanh những năm gần đây, do nhu cầu trong nước và mục tiêu phát triển kinh tế dài hạn. Bên cạnh đó, cũng vì dân số khổng lồ, họ hiện sở hữu một trong những tuyến đường sắt đông đúc nhất thế giới. Theo website Cơ quan Quản lý Đường sắt Trung Quốc (NRA), năm 2014, đường sắt nước này phục vụ hơn 2,3 tỷ lượt khách, tăng 11,9% so với năm ngoái, và chuyên chở hơn 3,8 tỷ tấn hàng hóa.
Theo International Railway Journal, gần như mọi hoạt động của ngành này được điều hành bởi Tập đoàn Đường sắt Trung Quốc – công ty thành lập năm 2013 sau khi giải thể Bộ Đường sắt. Chính phủ Trung Quốc có kế hoạch tăng mạng lưới đường sắt trong nước lên 280.000km cuối năm 2050. Riêng năm 2013, nước này đã huy động 106 tỷ USD để đầu tư vào tài sản cố định cho ngành đường sắt, trong đó có xây mới thêm 5.200km.
Dù vậy, khi kinh tế trong nước có dấu hiệu chững lại, Trung Quốc bắt đầu nhắm tới xuất khẩu các ngành kỹ thuật đang phát triển nhanh, trong đó có đường ray. Cuối năm ngoái, Công ty Xây dựng – Truyền thông Trung Quốc (CCCC) thông báo sẽ xây một hệ thống đường sắt khổ tiêu chuẩn trên khắp Kenya, để kết nối Trung Quốc với châu Phi. Theo Business Daily Africa, tuyến này có tổng chiều dài 485km, chi phí 3,1 tỷ USD và do Ngân hàng Xuất – Nhập khẩu Trung Quốc hỗ trợ 90% vốn.
Tại Thái Lan, tháng trước, nước này cũng ký biên bản ghi nhớ với Trung Quốc cho dự án 873km đường ray khổ tiêu chuẩn rãnh đôi điện khí hóa trị giá 11 tỷ USD. Lào cũng đã động thổ dự án đường sắt tiêu chuẩn bắc nam dài 417 km từ biên giới với Trung Quốc tại Louang Namtha đến Nong Khai, sau đó kết nối với dự án tại Thái Lan.
Dù vậy, không phải kế hoạch mở rộng nào của Trung Quốc cũng gặp thuận lợi. Năm 2011, Trung Quốc và Myanmar ký biên bản ghi nhớ xây dựng một tuyến đường sắt khổ tiêu chuẩn tại quốc gia Đông Nam Á. Sau khi hoàn thành, Trung Quốc sẽ có quyền quản lý và vận hành tuyến đường này trong 50 năm. Tuy nhiên, vì sự phản đối của người dân, năm 2014, Myanmar đã phải tuyên bố hủy dự án này.
Hà Thu
Theo Vnexpress