Công ty Cổ phần Hoàng Anh Gia Lai – HAGL (mã HAG) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2016. Công ty báo lãi giảm mạnh, nhưng điều gây bất ngờ là mảng cao su không thấy ghi nhận doanh thu và báo lỗ.
Theo báo cáo hợp nhất, quý I/2016, HAGL đạt 1.972 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 88% so với cùng kỳ 2015. Tuy nhiên, do biên lãi gộp phần lớn giảm mạnh, cộng với khoản “thất thu” từ hoạt động khác, HAGL lãi sau thuế 91 tỷ đồng, chỉ bằng 30% kết quả cùng kỳ năm 2015.
Tín hiệu đáng lo?
Những vấn đề xưa cũ của HAGL xung quanh việc nợ nần vẫn còn đó. Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên sau 2 năm, HAGL chính thức không thu được 1 đồng doanh thu nào từ việc bán mủ cao su.
Đây là điều khá ngạc nhiên với không ít nhà đầu tư khi đọc báo cáo tài chính. Và ngay cả phần giải trình kết quả kinh doanh quý I/2016 giảm so với cùng kỳ, HAGL cũng không nhắc tới mảng cao su.
Không những vậy, mảng hoạt động này đã mang lại khoản lỗ gộp gần 11 tỷ đồng cho HAGL. Đây là con số không lớn, nhưng là một tín hiệu đáng lo ngại, hoặc với người lạc quan có thể lập luận về khả năng “của để dành” chưa được hạch toán.
Cao su đã từng là lĩnh vực được ông Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch Hội đồng Quản trị HAGL, cũng như nhiều cổ đông kỳ vọng rất nhiều.
Ngay giữa tháng 7 năm ngoái, khi giới thiệu cơ hội đầu tư vào HAGL Agrico – công ty con phụ trách mảng nông nghiệp của HAGL, ông Đức cho biết vào những năm tới, chu kỳ sụt giảm giá cao su kết thúc, sản lượng của HAGL đạt đỉnh, sẽ là lợi thế lớn cho công ty.
Theo tính toán của người đứng đầu HAGL, dù giá cao su giảm, chi phí sản xuất mặt hàng này của HAGL vẫn ở mức thấp nhờ chi phí nhân công thấp, do đó vẫn có lãi.
Năm 2015, mủ cao su đã mang về 196 tỷ đồng doanh thu và lãi gộp vỏn vẹn 5 tỷ đồng. Biên lãi gộp đạt 2,55% – là hoạt động kém nhất của HAGL trong năm vừa qua.
Giá cao su thế giới đã đạt đỉnh 30 năm vào tháng 2/2011. Một năm sau đó, ông Đoàn Nguyên Đức đã tuyên bố “bán nhà cũng trồng cao su”. Từ đó đến nay, giá cao su không ngừng giảm, hiện dao động quanh mức 80 Cent/Pound, giảm sâu so với mức đỉnh 280 Cent/Pound.
Quan sát biểu đồ giá 30 năm qua, không ai dám chắc giá cao su đã ngừng rơi. Triển vọng hàng nghìn hecta cao su của HAGL, do vậy, cũng rất khó dự đoán.
Không chỉ mình cao su…
Như đã đề cập trong bài viết trước đây , bên cạnh vấn đề nợ vay, một dấu hiệu cần phải lưu tâm của HAGL là chỉ số biên lãi gộp của hầu hết các lĩnh vực đang có xu hướng giảm dần.
Nửa đầu năm 2013, biên lãi gộp mảng kinh doanh mía đường của HAGL – một tân binh khi đó – lên tới 64,4% – một con số mang tính thách thức ngay cả đối với các doanh nghiệp ở các vựa mía của thế giới như Brazil, Thái Lan…
Còn ở Việt Nam, bình quân biên lãi gộp các doanh nghiệp trong ngành khi đó chỉ vỏn vẹn đạt 12%.
Năm 2015, đóng góp của mía đường trong cơ cấu lợi nhuận gộp của HAGL giảm dần, chỉ còn 18,7% lãi gộp trong năm.
Biên lãi gộp mía đường của HAGL năm 2015 còn 42,37%, giảm sâu so với lần đầu xuất hiện vào 2 năm trước. Đến quý I/2016, biên lãi gộp mía đường của HAGL tiếp tục giảm còn 31,17%.
Trong khi đó, mảng kinh doanh bò thịt của HAGL đang mang lại phần lớn doanh thu và lợi nhuận cho công ty. Tuy nhiên, biên lãi gộp của hoạt động này quý I chỉ còn 10,79%, giảm sâu từ mức 29,39% năm 2015.
“Trạng thái không quan trọng bằng xu hướng”, điều này cũng tương đối chính xác trong kinh doanh. Với HAGL, những dấu hiệu nêu trên rõ ràng không chỉ đến từ việc nợ nần, mà còn là từ triển vọng kinh doanh trong thời gian tới.
Thanh Hà
Theo VnEconomy