Sau sự thành công của “song kiếm hợp bích” bán lẻ điện thoại và điện máy, Thế Giới Di Động đang hướng đến sự vững chãi bằng chiếc chân thứ 3 là Bách Hóa Xanh. Họ rất tự tin, trong khi nhiều chuyên gia lại tỏ vẻ nghi ngờ về mô hình mới này của TGDD.
MWG trở nên nổi bật với kết quả hoạt động kinh doanh tăng trưởng cao trong những năm qua bất chấp nền kinh tế Việt Nam vẫn chưa khởi sắc, vươn lên vị trí dẫn đầu về phân phối điện thoại di động tại Việt Nam với 30% thị phần.
Kết quả kinh doanh 10 tháng đầu năm 2015, MWG đạt doanh thu luỹ kế 19.891 tỷ đồng. So với kế hoạch 2015 là 23.590 tỷ thì MWG đã hoàn thành 84% kế hoạch, tăng trưởng 61% so với cùng kỳ 2014. Lợi nhuận sau thuế luỹ kế 10 tháng 2015 đạt 846 tỷ, hoàn thành 95% kế hoạch cả năm là 886 tỷ, tăng 56% cùng kỳ 2014.
Tính từ năm 2011 đến nay, MWG liên tục đạt tốc độ tăng trưởng cao với mức doanh thu tăng trưởng bình quân 46% và lợi nhuận sau thuế tăng trưởng đến 69%/năm.
Các chỉ số thể hiện năng lực quản lý và hoạt động của MWG thuộc loại cao nhất trên thị trường hiện nay với các mức ROE và ROIC bình quân trong 3 năm lên tới 50% và 52%. Vòng quay các khoản tồn kho hơn 7 lần trong năm, tương đương mức 50 ngày, cao hơn so với với tiêu chuẩn 70 của ngành trên thế giới. Các khoản phải thu cũng rất nhanh, kỳ thu tiền bình quân chỉ 8 ngày cho thấy mức độ thanh khoản của MWG là rất lớn.
Tạo được giá trị thương hiệu, niềm tin đối với người tiêu dùng với con số doanh thu tăng trưởng vượt bậc và là số ít doanh nghiệp kín room nhà đầu tư nước ngoài, là một trong những thành công lớn của MWG.
Mới đây, tạp chí Retail Asia lần thứ 6 liên tiếp đưa doanh nghiệp này lọt vào danh sách top 500 nhà bán lẻ hàng đầu khu vực châu Á – Thái Bình Dương, trở thành nhà bán lẻ hàng đầu trong lĩnh vực hàng công nghệ (Hardline). Đồng thời giành giải thưởng top 20 doanh nghiệp tiềm năng tăng trưởng toàn cầu khu vực Đông Á tại Diễn đàn kinh tế Thế giới.
Thế nhưng, để trở thành một cổ phiếu luôn được ưu tiên nắm giữ dài hạn thì những thành công ngày hôm nay của MWG là chưa đủ. Lịch sử đã chứng minh rất nhiều doanh nghiệp trong thời buổi nhấp nhem của thị trường đã thu hút được dòng vốn nhờ quá trình tăng trưởng thần tốc, nhưng cũng nhanh chóng tụt hậu do thiếu tính bền vững.
Ẩn số Bách Hóa Xanh
Hiện nay, tăng trưởng của hai hệ thống bán lẻ điện thoại và điện máy của MWG đang đến chủ yếu từ việc mở rộng hệ thống cửa hàng, trong khi hệ thống này đang đến ngưỡng bão hòa về tăng trưởng. Trong 10 tháng đầu năm 2015, MWG đã khai trương 196 siêu thị mới trên toàn quốc, tính đến nay MWG đã có 560 siêu thị trong đó TTDD là 508 và Dienmayxanh là 52.
Tốc độ tăng trưởng doanh số của cửa hàng cũ của chuỗi Thế giới di động chỉ khoảng 7% (trong khi con số này của năm trước là khoảng 20%) và chuỗi Điện máy Xanh chỉ khoảng 10%.
Lo ngại bị tụt hậu, MWG đang tìm cách chuyển hướng sang bán lẻ hàng tiêu dùng và dự tính thử nghiệm chuỗi cửa hàng kéo dài trong khoảng thời gian từ 12-18 tháng, với 30-50 cửa hàng. Mục tiêu của BHX là nhằm thay thế các khu chợ truyền thống nhờ vị trí thuận lợi, tính chuyên nghiệp và chất lượng dịch vụ. MWG trước đó cũng cho biết sẽ mở 6.000-8.000 cửa hàng trên toàn quốc vào năm 2018-2020.
Điều đó đã nhiều nhà đầu tư băn khoăn liệu MWG có thành công với con đường mới này không?
Tiến sĩ Nguyễn Hữu Long, Chuyên gia tư vấn hoạch định chiến lược nhận xét rằng, cửa thắng của MWG là rất thấp. “MWG không có năng lực lõi trong lĩnh vực này, văn hoá đi chợ của người Việt và các tiệm tạp hoá có sự tiện nghi vượt trội”, ông nói.
Về mặt bằng phát triển chuổi cửa hàng đến hàng ngàn điểm, chuyên gia tư vấn Bất Động Sản Phan Công Chánh cho rằng MWG sẽ gặp khó khăn vì thị trường khó đáp ứng được các mặt bằng diện tích từ 150 – 400 m2 thậm chí ở khu vực ngoại thành.
Một chuyên gia trong lĩnh vực tư vấn, thẩm định dự án đầu tư lại thì có hướng tiếp cận khác, với quá trình đi “từ không đến có”, vươn lên tạo được giá trị thương hiệu tư nhân lớn như hiện nay, đi đôi với chất lượng dịch vụ và cửa hàng thì MWG có cơ sở để thành công. Vị này cho rằng chắc chắn họ đã nghiên cứu rất kỹ lưỡng và quyết tâm làm bằng được chứ không phải chỉ “cưỡi ngựa xem hoa”.
Về phía MWG thì cho rằng mặc dù hàng hoá là khác nhau, nhưng bản chất là giống nhau, vì MWG có kinh nghiệm về quản lý và điều phối hàng qua nhiều năm phân phối các mặt hàng điện tử.
Hiện tại vẫn còn quá sớm để đưa ra bất cứ kết luận gì, mọi chuyện vẫn phải chờ đợi thêm thời gian để biết được mức độ thành công của BHX là như thế nào.
Đến cửa hàng số 220 Lê Văn Quới vẫn đang che bảng hiệu có mặt tiền khá rộng với diện tích khoảng chừng 400m2, nhân viên ở đây đang tiến hành thực hiện xắp xếp, kiểm kê hàng hoá. Quan sát cửa hàng số Bách Hoá Xanh tại 79 đường số 1, Quận Bình Tân có mức độ hoàn thiện cao hơn, bảng hiệu Bách Hoá Xanh với màu xanh chủ đạo và diện tích mặt bằng vừa đủ, không thể gọi là một siêu thị mini mà có thể xem là một cửa hàng bách hóa lớn.
Hầu như cách làm giống như những gì lãnh đạo công ty này chia sẽ trước đây. Các cửa hàng của BHX nằm ở những khu vực bình dân, diện tích linh hoạt, hiện chưa dùng máy lạnh, bán những mặt hàng thiết yếu như đường, sữa, bột ngọt, bột giặt, nước rửa chén, nước tương, nước mắm và có giá rẻ hơn các cửa hàng tạp hoá. Hiện tại, nhân viên tại cửa hàng cho biết BHX chưa bán hàng tươi sống như rau, củ và thịt cá.
2 kịch bản cho MWG
Với sự bảo hoà và cạnh tranh mạnh hơn trong vài năm tới được đánh giá có thể khiến cho MWG khó duy trì được tốc độ tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận cao như hiện nay.
Trường hợp dự án này thất bại, thì theo như nguyên tắc chọn lựa cổ phiếu Calslim của William J. Oneil, MWG sẽ không thoả được tiêu chí tạo ra sản phẩm thành công mới và rơi vào dạng doanh nghiệp Laggard (cổ phiếu tụt hậu). Vì theo William, các nhà đầu tư cần tránh mua những cổ phiếu có mức tăng trưởng cao nhưng không bền vững, không có sản phẩm mới, quản lý mới và sẽ chẳng có mức giá cao mới.
Như vậy, mặc dù đây chỉ là dự án thử nghiệm với chi phí không lớn. Thế nhưng, giả sử nếu thất bại, MWG sẽ có nguy cơ đối diện với việc không còn đạt được mức tăng trưởng cao trong quá khứ và có khả năng trở thành cổ phiếu tụt hậu, không hấp dẫn đối với nhà đầu tư.
MWG cho biết mô hình mà Bách hóa Xanh được xây dựng sau khi đi tham quan học hỏi chuỗi bán lẻ Anfa Mart của Indonesia. Với trên 10,000 cửa hàng, Alfamart chiếm hơn 50% thị phần cửa hàng tiện ích của Indonesia với doanh thu vượt ngưỡng 3 tỷ USD năm 2014. Alfamart cũng đã từng có ý định vào Việt Nam từ năm 2010 nhưng gặp vấn đề pháp lý nên đã quay sang thị trường Philipines.
Giá trị cổ phiếu Alfamart của indonesia đang được đánh giá rất cao, đã tăng gấp đôi từ 2011, vượt trội so với bình quân thị trường. Với mức P/E 50 lần, cao hơn mức bình quân 18 lần của thị trường chứng khoán Indonesia cho thấy nhà đầu tư kỳ vọng vào tiềm năng tăng trưởng của Alfamart rất lớn.
Nhìn vào sự thành công của Alfamart có thể hình dung được phần thưởng dành cho MWG là rất lớn, nếu như doanh nghiệp này thực nghiệm thành công mô hình tương tự tại Việt Nam.
Với sự kết hợp giữa hai mảng kinh doanh bán lẻ hiện tại và tương lai, MWG đang vẽ ra bức tranh về một con rồng lớn, một cổ phiếu có đầy đủ tố chất tăng trưởng hiếm hoi thoả mãn các tiêu chí của những nhà đầu tư khó tính nhất.
Hiện tại, rất nhiều nhà đầu tư đang quan sát và chờ kiểm nghiệm xem bức tranh đó có khả năng hiện thực hoá như thế nào.
Rủi ro của một cổ phiếu “tụt hậu” và kỳ vọng lợi nhuận từ một cổ phiếu “tiềm long” rõ ràng là điều đáng để cân nhắc.
Huy Nguyên
Theo Người Đồng Hành