Với sự hiện diện tại 268 sạp chợ, 223 siêu thị, vào 120 nhà phân phối và gần 60 cửa hàng, thực phẩm Vissan đang có cơ hội mở rộng độ phủ thị trường thịt, thức ăn tiện lợi khi mà nhu cầu về thực phẩm sạch, an toàn của người tiêu dùng tăng cao.
Đầu tuần rồi, phiên đấu giá 11.328.002 cổ phần lần đầu ra công chúng tại Công ty TNHH MTV Việt Nam Kỹ nghệ Súc Sản (Vissan) – IPO Vissan được đánh giá là kịch tính khi giá trúng cao nhất gấp 6 lần giá khởi điểm, giá trúng bình quân đạt 80.053 đồng/CP, nhiều người đặt giá thấp hơn mức 67.000 đồng/CP phải từ bỏ cuộc chơi.
Sự thành công IPO Vissan gợi nhớ đến phiên IPO cổ phiếu Vinamilk (mã VNM) cũng như cho thấy kỳ vọng của nhà đầu tư về sự phát triển của ngành chế biến thực phẩm thiết yếu trong tương lai.
Khởi đầu từ kế hoạch thực phẩm an toàn
Được thành lập từ năm 1970 và đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh từ năm 1974, Vissan chuyên về giết mổ gia súc nhằm cung cấp thực phẩm an toàn.
Sau đó, Vissan chuyên cung cấp thịt cho lực lượng vụ trang, công nhân viên chức với định lượng bao cấp và xuất khẩu thịt heo đông lạnh sang Liên Xô, thị trường Đông Âu. Vissan cũng tổ chức chăn nuôi heo sinh sản, heo thịt tạo nguồn nguyên liệu cho công ty từ đó.
Năm 1990 – 1994 đánh dấu cột mốc phát triển khi Vissan đầu tư hệ thống chế biến hàng cao cấp theo công nghệ của Pháp. Từ năm 1997 Vissan phát triển nhiều dòng sản phẩm mới, đến nay có khoảng 200 dòng sản phẩm chế biến.
Từ năm 2000 các sản phẩm của Vissan đi vào các siêu thị, cửa hàng tiện dụng, Vissan cũng xây dựng hệ thống phân phối của hàng giới thiệu sản phẩm với các sản phẩm chủ lực được chế biến từ thịt heo, thịt bò, thịt gà, tôm….. và thịt tươi sống.
Tiêu thụ qua hệ thống 5 siêu thị lớn góp khoảng 13-14% doanh thu
Năm 2014, Vissan đạt 3.308 tỷ đồng doanh thu, tăng 7%; lợi nhuận trước thuế đạt 141 tỷ đồng, tăng 1,95% so với năm 2013. 9 tháng đầu năm Vissan đạt 124,5 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế.
Theo bản công bố của Vissan, hiện các sản phẩm của công ty đang có mặt tại 703 cửa hàng tiện lợi, 268 sạp chợ, 223 siêu thị, qua 120 nhà phân phối và gần 60 cửa hàng, thực phẩm của Vissan. Năm 2014, chỉ riêng hệ thống siêu thị của 5 nhà phân phối gồm Tổng Co-op, BigC, Metro, Vinate, Satra đóng góp 13,2% tổng doanh thu của Vissan.
Đóng góp từ hệ thống 5 siêu thị nói trên năm 2014 có sự sụt giảm nhẹ về giá trị và tỷ trọng (năm 2013 chiếm tỷ trọng là 14,3%). Doanh thu năm 2014 vẫn tăng so với năm 2013 đến 7% điều này cho thấy sản phẩm của Vissan tiêu thụ qua kênh phân phối ngoài siêu thị đang phát triển nhanh hơn.
Xúc xích đóng góp hơn 50% lãi gộp
Khởi nguồn của Vissan là giết mổ heo, nuôi heo thịt và xúc xích là một trong những sản phẩm giá trị gia tăng đầu tiên của Vissan. Hiện xúc xích tiệt trùng và thịt heo tươi đóng góp gần 65% doanh thu của công ty. Riêng xúc xích, Vissan đang chiếm khoảng 65% thị phần trong nước. Sản phẩm này cũng được Vissan xuất khẩu.
Xúc xích cũng là dòng sản phẩm đóng góp chính vào lợi nhuận của Vissan, với hơn 50% lợi nhuận gộp. Tiếp sau đó là thịt heo tươi, thịt hộp và giò các loại. Vissan cho biết đồ hộp của công ty đang chiếm 20% thị phần cả nước.
Theo Vissan, thực phẩm chế biến là những mặt hàng có lợi nhuận gộp cao nhất, trong đó biên lợi nhuận hàng xúc xích tiệt trùng 3 năm qua tại mức 30-31%, 9 tháng đầu năm 2015 là 32%; giò các loại 33,7%. Các mặt hàng tươi sống có biên lợi nhuận rất thấp. 9 tháng đầu năm 2015, giò các loại là dòng sản phẩm có biên lợi nhuận cao nhất, với dòng sản phẩm này Vissan đang chiếm khoảng 30% thị phần cả nước.
Cơ cấu doanh thu và lợi nhuận của Vissan cho thấy với ngành chế biến thực phẩm, các sản phẩm có giá trị gia tăng cao đang chiếm ưu thế trong cơ cấu lợi nhuận. Nhưng ở thái cực khác, khi Việt Nam hội nhập sâu rộng hơn, các hiệp định thương mại như TPP có hiệu lực, nguy cơ thị phần của Vissan trong các dòng sản phẩm xúc xích, thịt nguội, đồ hộp …sẽ bị đe dọa qua đó lợi nhuận của Vissan cũng sẽ bị ảnh hưởng.
Hồng Quân
Theo Bizlive