Đà tăng mạnh của cổ phiếu PLX khiến không ít nhà đầu tư ngạc nhiên khi diễn ra trong ngày công bố thông tin Tổng giám đốc Đào Nam Hải bị tạm đình chỉ chức vụ.
Dưới lực cầu lớn từ dòng tiền, cổ phiếu PLX của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) đã có lúc tăng kịch trần. Dù không duy trì được sắc tím đến hết phiên, mã này vẫn nằm trong nhóm 3 cổ phiếu tăng mạnh nhất “rổ” VN30. Tính theo giá đóng cửa 35.700 đồng/cp, vốn hóa của Petrolimex đạt trên 45.500 tỷ đồng.

Đáng chú ý, diễn biến tích cực của cổ phiếu lại trùng thời điểm doanh nghiệp đón nhận “tin dữ” về lãnh đạo cấp cao.
Cụ thể, ngày 6/5, Bộ Tài chính đã ra quyết định tạm đình chỉ ông Đào Nam Hải khỏi vị trí người đại diện phần vốn Nhà nước tại Petrolimex. Quyết định này có hiệu lực ngay lập tức và kéo dài cho đến khi có kết luận chính thức từ cơ quan có thẩm quyền.
Trong thời gian ông Hải bị đình chỉ, ông Phạm Văn Thanh – Chủ tịch HĐQT Petrolimex – sẽ tạm thời đảm nhận vai trò đại diện phần vốn Nhà nước tại doanh nghiệp.
Ông Đào Nam Hải được bổ nhiệm làm Tổng giám đốc Petrolimex từ tháng 3/2022 và sau đó kiêm nhiệm chức danh thành viên Hội đồng quản trị. Trước đó, ông từng giữ chức Phó tổng giám đốc Petrolimex trong gần 5 năm (từ tháng 10/2017 đến 3/2022), đồng thời là Tổng giám đốc kiêm thành viên HĐQT tại Tổng công ty Cổ phần Bảo hiểm Petrolimex (PJICO) trong giai đoạn 2014–2022. Ông cũng từng đảm nhiệm nhiều vị trí lãnh đạo tại các đơn vị thành viên như Công ty Xây lắp 1 – Petrolimex và Công ty Tái bảo hiểm Quốc gia Việt Nam.
Trở lại với cổ phiếu PLX, về kỹ thuật, dù tăng mạnh, mã này vẫn đang dao động trong vùng tích lũy 31.800 – 35.700 đồng và tiệm cận ngưỡng kháng cự quan trọng. TTrong bối cảnh hoạt động kinh doanh sụt giảm, khả năng duy trì đà tăng của PLX vẫn là dấu hỏi lớn.
Kết thúc quý I/2025, Petrolimex ghi nhận doanh thu thuần gần 67.900 tỷ đồng, giảm 10% so với cùng kỳ năm trước – tương đương mức giảm hơn 7.200 tỷ đồng. Trong khi đó, giá vốn chỉ giảm nhẹ 9%. Kết quả, lợi nhuận gộp bị thu hẹp, còn hơn 3.700 tỷ đồng, giảm 21% so với quý I/2024.
Một điểm sáng trong bức tranh tài chính quý này của Petrolimex là chi phí tài chính giảm 22%, xuống còn 294 tỷ đồng, phần nào bù đắp cho sự sụt giảm 6% của doanh thu tài chính. Tuy nhiên, chi phí bán hàng vẫn duy trì ở mức cao với hơn 3.350 tỷ đồng, trong khi chi phí quản lý doanh nghiệp tăng 11%, lên 264 tỷ đồng.
Sau khi trừ các khoản chi phí, lợi nhuận ròng quý I của Petrolimex chỉ còn 133 tỷ đồng – giảm tới 88% so với cùng kỳ năm ngoái.

Năm 2025, Petrolimex đặt mục tiêu đạt 248.000 tỷ đồng doanh thu và 3.200 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế. Với kết quả hiện tại, doanh nghiệp mới chỉ hoàn thành 27,4% kế hoạch doanh thu và hơn 11% mục tiêu lợi nhuận sau ba tháng đầu năm.
Doanh nghiệp cho hay, nguyên nhân chính dẫn đến sụt giảm lợi nhuận là do những biến động bất lợi trên thị trường dầu mỏ thế giới. Trong quý I, giá dầu WTI giảm mạnh từ 77,8 USD/thùng xuống còn hơn 67 USD/thùng, chịu tác động bởi các yếu tố như thuế quan, điều chỉnh sản lượng từ OPEC+, căng thẳng địa chính trị và triển vọng kinh tế toàn cầu suy yếu. Biến động giá khiến chi phí giá vốn tăng, buộc doanh nghiệp phải trích lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho theo quy định.
Tính đến cuối quý I, tổng tài sản của Petrolimex đạt hơn 80.000 tỷ đồng, giảm nhẹ so với đầu năm. Trong đó, tài sản ngắn hạn chiếm gần 59.000 tỷ đồng. Tiền mặt và tiền gửi tăng nhẹ lên gần 30.500 tỷ đồng, trong khi hàng tồn kho giữ nguyên ở mức 15.700 tỷ đồng. Đáng chú ý, dự phòng giảm giá tồn kho tăng mạnh lên 334 tỷ đồng – cao gấp 4,5 lần so với đầu năm.
Về cơ cấu nguồn vốn, nợ ngắn hạn chiếm phần lớn tổng nợ phải trả với 49.700 tỷ đồng. Trong đó, nợ vay ngắn hạn tăng 15%, vượt mốc 20.000 tỷ đồng. Tỷ suất thanh toán hiện hành ở mức 1,18 lần, trong khi hệ số thanh toán nhanh chỉ đạt 0,87 lần – phản ánh đặc thù của ngành xăng dầu với mức tồn kho lớn và sự phụ thuộc cao vào vốn lưu động.