Trong khi mọi người mải “chĩa họng súng” vào Uber Việt Nam thì một mô hình khác khá tương đồng đang âm thầm phát triển. Đó là GrabTaxi.
Có mặt tại Việt Nam hơn 3 năm, GrabTaxi từ vị thế chiếu dưới, GrabTaxi với nhiều chiến lược phát triển đúng đắn đang dần qua mặt Uber. Trong khi GrabTaxi được Nhà nước cho thí điểm đề án Grabcar – dịch vụ giúp việc quản trị các doanh nghiệp vận tải dễ dàng hơn thì Uber lại đang bị “ghẻ lạnh”.
Uber Việt Nam liên tiếp hứng chịu chỉ trích từ phía hãng vận tải, taxi, cho tới cơ quan thuế.
Mới đây, GrabTaxi đã có sự thay đổi cho thấy rõ tham vọng của mình. Đơn vị này quyết định bỏ chữ Taxi đi và chỉ để tên của mình là Grab.
Tại sao việc chỉ bỏ đi 1 từ lại có ý nghĩa rất quan trọng? Hãy nghe GrabTaxi lý giải:
“Hãy gọi chúng tôi là Grab. Vì sao ư? Không chỉ đơn giản là sự rút gọn, thay vào đó còn là cam kết của chúng tôi cho tính thống nhất của Grab đối với tất cả phương tiện di chuyển. Chỉ đơn giản với tên gọi là Grab, 1 ứng dụng cho tất cả các nhu cầu về phương tiện di chuyển của bạn: GrabTaxi, GrabCar, GrabBike và dịch vụ giao hàng GrabExpress”.
Thông điệp của GrabTaxi: Chúng tôi không chỉ cung cấp dịch vụ taxi như mọi người vẫn nghĩ. Chúng tôi làm mọi thứ liên quan đến vận chuyển”.
Uber Việt Nam hẳn không vui vẻ gì trước điều này. Khi mới có mặt tại Việt Nam, chính Uber là đơn vị quảng cáo về ý tưởng cung cấp mọi dịch vụ vận chuyển như thế này. Tuy nhiên, trong khi Uber vẫn loay hoay để “danh chính ngôn thuận” hoạt động tại Việt Nam thì GrabTaxi cho thấy họ nhanh nhẹn hơn nhiều.
Không chỉ được Nhà nước ủng hộ, GrabTaxi còn được cánh tài xế yêu thích hơn vì chi phí phải trả ho GrabTaxi thấp hơn nhiều (chỉ 5% giá trị chuyến đi thay vì 20% của Uber).
Thực chất là “clone” (bản sao) của Uber, nhưng GrabTaxi rất khéo léo ẩn mình, để Uber Việt Nam đứng mũi chịu sào trước những công kích của các chủ doanh nghiệp vận tải. Đối thủ của các hãng vận tải truyền thống trong nước, hóa ra lại không phải Uber, mà chính là kẻ đang âm thầm phát triển này.
Trang Lam
Theo Trí Thức Trẻ