Thuế nhập khẩu dần về 0% khiến nhà điều hành lo ngại tình trạng buôn lậu sẽ xảy ra khi giá xăng Việt Nam thấp hơn các nước láng giềng, và công cụ dự kiến được sử dụng là tăng thuế môi trường.
Bộ Tài chính đang đề xuất nâng khung thuế bảo vệ môi trường gấp đôi, gấp ba hiện hành với một loạt mặt hàng xăng dầu. Nếu được Thường vụ Quốc hội thông qua, đây sẽ là mức trần và sàn được cơ quan điều hành sử dụng làm giới hạn điều chỉnh thuế trong từng thời kỳ, tùy vào tình hình thực tế.
Cụ thể, khung thuế với mặt hàng xăng được tăng gấp đôi, từ 1.000 (sàn) đến 4.000 đồng (trần) lên mức 3.000-8.000 đồng. Là loại thuế tuyệt đối, gián thu, nên thuế bảo vệ môi trường được điều chỉnh sẽ ảnh hưởng trực tiếp giá xăng dầu, cũng như túi tiền của người dân.
Trao đổi với báo chí, ông Vũ Khắc Liêm – Phó vụ trưởng Vụ chính sách thuế khẳng định đây mới chỉ là đề xuất mức khung chứ không đồng nghĩa với việc sẽ tăng ngay mức thuế bảo vệ môi trường. Ông cho hay, trong trường hợp Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua khung như vậy thì thuế bảo vệ môi trường cũng chưa chắc đã tăng ngay. “Nếu tăng, thuế sẽ phải phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội, sức cạnh tranh của nền kinh tế, các doanh nghiệp”, vị này nói.
Lý giải về việc đưa ra mức trần 8.000 đồng cho thuế bảo vệ môi trường với xăng, đại diện Vụ Chính sách thuế Bộ Tài chính cho biết đây mới là mức được đưa ra để cùng lấy ý kiến các bên. Việc điều chỉnh khung này nhằm cơ cấu lại thu chi ngân sách, đón đầu việc thuế nhập khẩu với xăng dầu sắp tới có thể giảm về 0-5%. “Làm sao để khi tính toán, giá xăng dầu không thể thấp hơn các nước xung quanh, tránh việc buôn lậu”, ông nói.
Tuy nhiên, theo một chuyên gia trong ngành tài chính, “cái cớ” của cơ quan soạn thảo khi nới khung là để chống buôn lậu xăng dầu thì “không công bằng” với người tiêu dùng. Ông cho rằng, người dân, doanh nghiệp có quyền được hưởng giá xăng thấp nhất có thể để tạo điều kiện trong sinh hoạt và làm ăn. Còn việc đưa ra chính sách và có các công cụ cần thiết để chống buôn lậu thì thuộc về cơ quan quản lý.
Theo tính toán của VnExpress, giá xăng sẽ tăng gần 5.500 đồng nếu thuế bảo vệ môi trường nâng từ 3.000 đồng mỗi lít lên 8.000 đồng (mức trần theo khung Bộ Tài chính đề xuất). Thậm chí, kể cả khi “hội nhập” như ông Liêm nói, tức thuế nhập khẩu xăng dầu về 0%, giá xăng vẫn “đội” hơn 4.000 đồng mỗi lít, với mức giá thế giới (FOB) bình quân 15 ngày 66,5 USD một thùng/tấn, thuế nhập khẩu bình quân gia quyền 10,5% như kỳ điều chỉnh ngày 4/1.
Như vậy, nếu thuế môi trường từ 3.000 lên 8.000 đồng, thuế phí sẽ chiếm khoảng 60% giá cơ sở mỗi lít xăng. Ngoài ra, dù chỉ là mức khung “đề xuất” nhưng cả giới chuyên gia và doanh nghiệp đều thấy 8.000 đồng là mức quá cao. Lãnh đạo một doanh nghiệp xăng dầu đầu mối phía Bắc cho rằng nhà điều hành cần tính toán kỹ để tránh gây sốc cho người tiêu dùng.
Tiến sĩ Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu giá cả (Bộ Tài chính) khá bất ngờ với dự kiến mức trần mới của thuế bảo vệ môi trường Bộ Tài chính đưa ra. Theo ông hiện nay thuế, phí chiếm hơn 50% trong cơ cấu giá thành, nếu nhà làm chính sách lại tăng gấp đôi, ba thuế môi trường nữa thì khó chấp nhận. Thuế môi trường nếu tăng “kịch” khung mới là 8.000 đồng một lít thì gần bằng với mức giá xăng khi về cảng. “Xăng dầu là nguyên liệu đầu vào của sản xuất nên khiến giá hàng hoá ‘té nước theo xăng'”, ông Long nói.
Nhìn lại lộ trình tăng thuế môi trường từ 1.000 đồng lên 3.000 đồng mỗi lít trước đây, Bộ Tài chính từng khẳng định sẽ không ảnh hưởng gì, song thực tế ngược lại. Vị chuyên gia này đề xuất thay vì tăng thuế bảo vệ môi trường, Bộ Tài chính cần cơ cấu lại thu chi ngân sách, siết chặt kỷ cương tài chính để đảm bảo cân đối thu chi.
Hoài Thu – Thanh Lan
Theo Vnexpress