Dù chưa đảm bảo pháp lý và hiện trạng chỉ là đất trống nhưng khu đất vàng số 100 Hùng Vương, quận 5, TP. HCM của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát vẫn được các đơn vị thẩm định giá nâng khống lên gấp hàng chục lần, để thế chấp ngân hàng.
Khu đất “vàng” 100 Hùng Vương, quận 5, TP. HCM
Số phận đất công rơi vào tay Vạn Thịnh Phát
Trong vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, quá trình bà Trương Mỹ Lan hợp thức hoá thủ tục vay vốn để rút tiền từ Ngân hàng SCB có vai trò giúp sức không nhỏ của các thẩm định viên, công ty thẩm định giá.
Bà Lan đã chỉ đạo nhân viên Ngân hàng SCB trực tiếp hoặc thông qua trung gian, móc nối với công ty thẩm định giá để nâng khống giá trị tài sản đảm bảo lên nhiều lần và phát hành chứng thư thẩm định lùi ngày theo ý muốn.
Theo cáo trạng của Viện KSND Tối cao, hành vi thông đồng với nhân viên ngân hàng của các thẩm định viên trong vụ án đã gây thiệt hại 127.040 tỷ đồng cho Ngân hàng SCB. Trong đó, có vi phạm trong việc thẩm định giá tại dự án trên “đất vàng” số 100 Hùng Vương, quận 5.
Tại khu “đất vàng” tại số 100 Hùng Vương, quận 5 có diện tích hơn 7.400m2. Đây là khu đất thuộc sở hữu Nhà nước. Năm 2008, khu đất này được đưa ra bán đấu giá với giá khởi điểm 704 tỷ đồng. Tuy nhiên, trong quá trình chuẩn bị bán đấu giá, một số thủ tục thực hiện sai quy định nên UBND TP. HCM quyết định hoãn lại.
Ngày 29/10/2008, Bộ Tư pháp có công văn đề nghị UBND TP. HCM tạm ngưng việc tổ chức đấu giá nhà, đất số 100 Hùng Vương, quận 5 vì cho rằng việc tổ chức chọn người bán đấu giá, chuyển giao tài sản do Phòng Tài chính – Kế hoạch quận 5 thực hiện chưa chặt chẽ, chưa đúng quy định của pháp luật.
Khu đất số 100 Hùng Vương là nhà thuộc sở hữu nhà nước, được UBND TP. HCM ủy quyền cho Phòng Tài chính – Kế hoạch quận 5 chọn đơn vị tổ chức bán đấu giá thay vì giao Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản như đối với các tài sản khác. Khu đất có vị trí đắc địa, được UBND TP xác định giá khởi điểm 704 tỷ đồng. Tuy nhiên, cuộc đấu giá nhiều lần thất bại.
Sau khi thủ tục hoàn thiện lại đúng quy trình, tại phiên đấu giá vào tháng 01/2011, Hội đồng đấu giá quyền sử dụng đất TP tổ chức đấu giá lại “khu đất vàng” này với giá khởi điểm hạ xuống còn 652 tỷ đồng.
Theo thông báo của Sở Tài chính TP, phiên đấu giá đã diễn ra thành công với việc nhiều nhà đầu tư quan tâm đến khu đất này và Công ty cổ phần Đầu tư An Đông đã trúng đấu giá với giá trúng thầu là 1.020 tỷ đồng, gần gấp đôi giá khởi điểm.
Cũng trong buổi đấu giá trên, Hội đồng đấu giá quyền sử dụng đất TP cũng tổ chức đấu giá thành công hai khu đất khác là khu đất 136A Bùi Văn Ba, quận 7 (giá trúng đấu giá là 19,92 tỷ đồng) và khu đất 414/22 Hậu Giang, quận 6 (giá trúng đấu giá là 11,94 tỷ đồng).
Lô đất 100 Hùng Vương đang “gánh nợ” hàng trăm nghìn tỷ đồng
Sau khi trúng đấu giá khu đất trên, Công ty CP Đầu tư An Đông không thực hiện các bước thủ tục để đầu tư xây dựng dự án trung tâm thương mại, cao ốc văn phòng theo quy hoạch.
Tại Kết luận thanh tra được Thanh tra TP. HCM công bố vào tháng 12/2023, dự án số 100 Hùng Vương thuộc 8/17 dự án tại quận 5 đã được phê duyệt quy hoạch nhưng đến nay chỉ đang trong giai đoạn chuẩn bị, chưa hoàn chỉnh trình tự, thủ tục thực hiện. Đến nay vẫn chỉ là bãi đất trống làm chỗ giữ xe.
Trở lại vụ án Vạn Thịnh Phát, kết quả điều tra xác định, khi về Công ty CP Đầu tư An Đông thuộc hệ sinh thái VTP, lô đất vàng trên vẫn không có dự án cụ thể nào được triển khai. Tuy vậy đây lại là đối tượng cho nhiều công ty định giá phát hành chứng thư để làm tài sản thế chấp cho các khoản vay của Trương Mỹ Lan tại SCB.
Kết quả điều tra xác định, bị can Bùi Ngọc Sơn (nhân viên phòng tái thẩm định ngân hàng SCB) và Trần Văn Nhị, theo chỉ đạo của Trần Thị Mỹ Dung, đã yêu cầu Công ty thẩm định giá Thiên Phú ký phát hành 2 chứng thư, nâng khống giá trị tài sản, lùi ngày ký. Hai tài sản được thẩm định này gồm dự án Khu công viên Mũi Đèn Đỏ – Khu nhà ở và đô thị tại phường Phú Nhuận, quận 7 và quyền sử dụng đất lô đất số 100 Hùng Vương nói trên.
Ngân hàng SCB đã sử dụng 2 chứng thư thẩm định giá tài sản này để hợp thức hóa hồ sơ tài sản đảm bảo, giải ngân cho 65 khách hàng vay vốn. Tổng số tiền đã giải ngân là 105.656 tỷ đồng. Tổng dư nợ các khoản vay này đến 17/10/2022 là 127.384 tỷ đồng, trong đó dư nợ gốc 105.652 tỷ đồng và dư nợ lãi 21.731 tỷ đồng.
Công ty thẩm định giá Hoàng Quân định giá tài sản đảm bảo của 2 bất động sản này là 17.320 tỷ đồng. Không chỉ vậy, thông qua Hồ Bình Minh, bị can Bùi Ngọc Sơn đã yêu cầu Công ty thẩm định giá Tầm Nhìn Mới phát hành 2 chứng thư nâng khống giá trị tài sản.
Hai tài sản được Tầm Nhìn Mới phát hành chứng thư thẩm định giá là quyền sử dụng đất tại Dự án dân cư xã Long Phước, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai và quyền sử dụng đất tại dự án số 100 Hùng Vương.
Ngân hàng SCB đã dùng 2 chứng thư thẩm định giá này để đưa vào hồ sơ thế chấp cho 3 khoản vay, giải ngân số tiền 14.570 tỷ đồng. Tổng nghĩa vụ trả nợ đến 17/10/2022 là 15.523 tỷ đồng, trong đó dư nợ gốc 14.570 tỷ đồng và dư nợ lãi 953 tỷ đồng.
Công ty thẩm định giá Hoàng Quân định giá tài sản đảm bảo của 2 bất động sản này là 3.809 tỷ đồng.
Ngoài ra, Bùi Ngọc Sơn còn yêu cầu Công ty MHD phát hành chứng thư nâng khống giá trị tài sản tại số 100 Hùng Vương. Ngân hàng SCB sử dụng chứng thư này để đưa vào hồ sơ vay vốn cho 2 khoản vay, dư nợ đến 17/10/2022 là 10.208 tỷ đồng, trong đó dư nợ gốc 9.570 tỷ đồng và dư nợ lãi 638 tỷ đồng.
Công ty thẩm định giá Hoàng Quân định giá cho tài sản đảm bảo cho các khoản vay này là 1.646 tỷ đồng. Như vậy theo công ty thẩm định giá Hoàng Quân định giá tài sản đảm bảo số 100 Hùng Vương (theo chứng thư thẩm định do MHD phát hành), lô đất này có giá trị khoảng 1.646 tỷ đồng – chỉ cao hơn khoảng 600 tỷ đồng so với số tiền An Đông chi trong phiên đấu giá vào năm 2011.
Tính chung lô đất số 100 Hùng Vương, dự án Mũi Đèn Đỏ và khu dân cư Long Phước đang “gánh chung” số dư nợ 153.115 tỷ đồng. Khối tài sản này được công ty Hoàng Quân định giá 22.775 tỷ đồng, tương ứng số tiền gây thiệt hại khoảng 130.000 tỷ đồng chỉ từ những chứng thư thẩm định giá này.
Ninh Dương / Vietnamfinance