Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TP.HCM yêu cầu các trường rà soát, báo cáo việc tuyển dụng, thỉnh giảng ông Nguyễn Trường Hải dùng bằng tiến sĩ giả.
Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TP.HCM vừa gửi công văn yêu cầu các trường đại học, cao đẳng, trung cấp, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn TP.HCM rà soát, báo cáo việc tuyển dụng, mời giảng với trường hợp của ông Nguyễn Trường Hải (sinh ngày 13/8/1981) tại đơn vị.
Báo cáo của các đơn vị cần nêu rõ thời gian công tác, vị trí, chức vụ, tổng số giờ đã tham gia giảng dạy của ông Nguyễn Trường Hải tại đơn vị (nếu có). Đồng thời sớm phản hồi thông tin về Sở.
Với việc tuyển dụng, sử dụng và quản lý nhà giáo, Sở này đề nghị các đơn vị nghiên cứu và thực hiện đầy đủ các quy định hiện hành. Cụ thể, tuyển dụng, sử dụng, bồi dưỡng đối với nhà giáo giáo dục nghề nghiệp, thực hiện theo quy định của thông tư số 6 và 28 của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội.
Với các đơn vị sự nghiệp công lập, khi tuyển dụng viên chức, cần lưu ý việc thẩm tra, xác minh văn bằng, chứng chỉ của người trúng tuyển bảo đảm chính xác theo quy định pháp luật trước khi ký hợp đồng làm việc với người trúng tuyển viên chức theo quy định của Bộ Nội vụ.
Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TP.HCM cũng đề nghị các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tư thục nghiên cứu, vận dụng việc thẩm tra, xác minh văn bằng, chứng chỉ của nhà giáo trước khi ký hợp đồng lao động tại đơn vị.
Về tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ của nhà giáo giáo dục nghề nghiệp, Sở yêu cầu các trường thực hiện theo quy định. Các trường phải đảm bảo thực hiện đầy đủ các quy định về chế độ làm việc của nhà giáo giáo dục nghề nghiệp, chế độ làm thêm giờ của nhà giáo giáo dục nghề nghiệp.
Liên quan vụ việc trên, TS Nguyễn Đức Cường, Chánh Thanh tra Bộ GD&ĐT cho biết, việc giảng viên sử dụng bằng thạc sĩ, tiến sĩ có dấu hiệu như báo chí nêu, Bộ sẽ yêu cầu các trường liên quan báo cáo, giải trình và xử lý trước theo quy định.
“Trên cơ sở xác minh, báo cáo và kết quả xử lý của các trường, theo chức năng, nhiệm vụ của các đơn vị thuộc Bộ, Thanh tra sẽ tham mưu làm rõ và xử lý theo thẩm quyền. Việc mua bán, sử dụng “bằng giả” theo nghĩa đen thuộc chức năng xác mình, kết luận của cơ quan công an”, ông Cường nêu.
Theo TS Nguyễn Đức Cường, các trường phải chịu trách nhiệm về hồ sơ ứng viên (trong đó có văn bằng, chứng chỉ) khi tuyển dụng giảng viên, có trách nhiệm kiểm tra, xác minh thông tin liên quan đến lý lịch, văn bằng chứng chỉ khi có nghi ngờ hoặc dấu hiệu không đúng.
Hiện nay có nhiều công cụ để thực hiện việc này, các cơ sở đào tạo khi cấp bằng tốt nghiệp cho người học cũng đã công khai thông tin trên trang thông tin điện tử của họ. Nếu văn bằng do nước ngoài cấp thì gửi cơ quan công nhận văn bằng, chứng chỉ của Bộ GD&ĐT để công nhận.
Ông Nguyễn Trường Hải là nhân vật gây xôn xao dư luận thời gian gần đây, khi dùng bằng tiến sĩ giả để giảng dạy, ứng tuyển vào nhiều trường đại học, cao đẳng trên địa bàn TP.HCM.
Đến nay ít nhất 5 trường đại học, cao đẳng trên địa bàn TP.HCM xác nhận, ông Hải dùng bằng thạc sĩ, tiến sĩ giả trên để xin việc và giảng dạy trong giai đoạn từ năm 2016 đến nay.
HÀ CƯỜNG / VTC News