Xét tuyển sớm có mặt tích cực, nhưng cũng có mặt tiêu cực là làm học sinh phân tán, sao nhãng việc học tập, chưa thực sự bảo đảm độ tin cậy, khách quan, công bằng cho các thí sinh…
Tại Hội nghị Giáo dục đại học năm 2024 được tổ chức vào ngày 9/8 tại Hà Nội, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đánh giá, công tác tuyển sinh năm 2023 cơ bản được giữ ổn định, đánh giá đúng năng lực của thí sinh vào các ngành đào tạo, ngày càng minh bạch hơn về nguồn tuyển và chất lượng nguồn tuyển.
Theo Bộ GD&ĐT công tác tuyển sinh năm 2024 vẫn còn trường có quá nhiều phương thức, phương án xét tuyển phức tạp, nhiều nơi chưa bảo đảm công bằng, phân bổ chỉ tiêu chưa hợp lý, gây khó khăn cho thí sinh và hệ thống.
PGS-TS Trần Thiên Phúc, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa – ĐHQG TP HCM đề nghị xem xét bỏ phương thức tuyển sinh sớm, vì lúc đó học sinh chưa hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông. Sau đó, một số cán bộ tư vấn thí sinh đặt nguyện vọng đỗ sớm lên đầu khi đăng ký xét tuyển chung. Dù biết như vậy là không đúng, nhưng họ vẫn tư vấn cho thí sinh, dẫn đến thiếu công bằng, làm mất cơ hội của thí sinh. Để công bằng, cần sử dụng kết quả thi đánh giá năng lực, thi tốt nghiệp, sử dụng các tổ hợp xét tuyển.
PGS.TS Nguyễn Hữu Công, Phó Giám đốc ĐH Thái Nguyên, đặt vấn đề về xét tuyển sớm gây khó khăn cho các trường trong dự báo tỉ lệ ảo. Tại trường này, chỉ khoảng 20% thí sinh trúng tuyển sớm đăng ký nguyện vọng 1. Ông đề xuất từ năm 2025, xem xét lại phương thức xét tuyển sớm, có thể hạn chế phương án này, chỉ nên dành cho những ngành đặc thù, trọng yếu.
Đánh giá về xét tuyển sớm, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn thừa nhận phương thức xét tuyển sớm chưa thực sự bảo đảm độ tin cậy, khách quan, công bằng cho các thí sinh và giữa các cơ sở đào tạo. Ông Hoàng Minh Sơn cho biết, nhận được phản ánh từ nhiều sở GD&ĐT về việc học sinh sao nhãng học tập dù chưa hoàn thành chương trình phổ thông, do biết đã đủ điều kiện trúng tuyển. Xét tuyển sớm có mặt tích cực, nhưng cũng có mặt tiêu cực là làm học sinh phân tán. Nhiều học sinh khi biết mình đủ điều kiện đỗ sớm thì học kỳ II rất lơ là. Đây là đề nghị đáng quan tâm vì quan trọng nhất là phải bảo đảm công bằng với mọi thí sinh.
Phát biểu kết luận hội nghị, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cho rằng, ngành giáo dục đang đứng trước thách thức đổi mới công tác tuyển sinh để hô ứng với toàn bộ đổi mới từ giáo dục phổ thông đến giáo dục đại học. Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 có nhiều đổi mới, các trường đại học cần có trách nhiệm hơn với giáo dục phổ thông. Việc chúng ta xét tuyển sớm có tác động tiêu cực với giáo dục phổ thông ở giai đoạn cuối cùng của cấp học này. Không nên có quá nhiều phương án xét tuyển, càng đơn giản càng tốt, thuận lợi cho học sinh, cho xã hội. Các đại học tự chủ dù tự chủ cao trong vấn đề tuyển sinh, nhưng không có nghĩa thích làm gì thì làm.
Bộ GD&ĐT cho biết sẽ hoàn thành công tác tuyển sinh năm 2024 theo đúng quy định; hoàn thiện các phương thức tuyển sinh từ năm 2025 bảo đảm chất lượng và công bằng, đáp ứng yêu cầu đổi mới chương trình và phương pháp giáo dục phổ thông. Cụ thể, sẽ hoàn thiện và công bố kịp thời các phương thức tuyển sinh từ năm 2025 trở đi, khắc phục triệt để vấn đề thiếu công bằng, tin cậy trong các phương thức, tiêu chí xét tuyển; bảo đảm phù hợp với Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 đồng thời có tác động tích cực tới hoạt động dạy và học trong giáo dục phổ thông.
Thanh Hà / Báo Chính Phủ