Quy định không tuyển học sinh đồng tính vào nội trú của trường THCS – THPT Việt Anh gây ra những tranh cãi trái chiều.
Nhiều phụ huynh ở TP HCM tỏ ra bức xúc khi trường THCS – THPT Việt Anh (quận Phú Nhuận) mới đây ra quy chế tuyển sinh không nhận học sinh nội trú đồng tính hoặc bệnh nguy hiểm, lây nhiễm.
Chiều 10/8, ông Nguyễn Mạnh Dương, Chủ tịch HĐQT trường THCS – THPT Việt Anh cho biết, quy chế tuyển sinh của trường đã đổi cụm từ “học sinh đồng tính” thành “học sinh ăn mặc, cư xử không phù hợp với giới tính khai báo” trong quy định không nhận nội trú.
“Đây chỉ là sự thay đổi về cách gọi để tế nhị hơn, còn bản chất chúng tôi vẫn giữ nguyên quan điểm là không nhận học sinh đồng tính vào ở nội trú”, ông Dương cho biết.
Trường Việt Anh đã hoạt động được 5 năm và trước đó chưa từng có quy định này. Song, qua các năm, nhiều tình huống phức tạp đã phát sinh khi có học sinh đồng tính ở nội trú. “Chúng tôi nhận thấy các em cần có cơ sở vật chất, điều kiện riêng. Điều đó chúng tôi chưa làm được nên ra quy chế không nhận học sinh đồng tính”, ông Dương phân trần.
“Khi ở nội trú, các em học sinh sẽ ăn, ngủ chung; thậm chí vệ sinh, tắm rửa trong không gian chung. Nếu tiếp nhận học sinh đồng tính vào nội trú sẽ dẫn đến bất tiện cho các em khác và chính bản thân các em này”, đại diện trường giải thích.
Ông Dương khẳng định không có sự kỳ thị, phân biệt người đồng tính trong quy chế tuyển sinh mà là sự rõ ràng, sòng phẳng với chính học sinh và phụ huynh.
“Chúng tôi nói rõ với phụ huynh ngay từ đầu để hơn ai hết họ hiểu rõ con mình, biết điều tốt nhất cho con mình. Nếu phụ huynh công nhận giới tính con mình là đồng tính có thể âm thầm rút hồ sơ vào nội trú, sẽ đỡ ngại cho chính họ và nhà trường”, ông Dương nói.
Vừa rút đơn xin học cho con trai vào trường, bà Hồ Thị Xuân (ngụ Phú Nhuận) tỏ ra gay gắt: “Tôi không hiểu sao môi trường giáo dục lại có sự phân biệt, kỳ thị giới tính một cách trắng trợn như vậy. Hiện cả xã hội đang công nhận người đồng tính thì hành động của trường này là đi ngược lại nỗ lực chung”.
Bà Xuân cho biết, con trai mình không phải là đứa trẻ đồng tính nhưng lại có cử chỉ, hành vi khá nhẹ nhàng, nhu mì vì tính nhút nhát. “Tôi lo con mình sẽ bị loại khỏi nội trú của trường và không chịu nổi cú sốc này nên rút lui sớm. Vả lại, tôi cũng không muốn con mình sống trong môi trường nội trú như vậy”, người mẹ bày tỏ.
Trong khi đó, ông Trần Quang (quận Tân Bình) có con đang theo học lớp 10 ở trường Việt Anh lại khá đồng tình với quy định của trường. “Thật lòng, bậc làm cha làm mẹ đều ngại khi con mình sống nội trú cùng một bé đồng tính. Tôi không kỳ thị nhưng cũng khó vượt qua cảm giác lo lắng. Liệu con mình có bị ảnh hưởng hay không? Với những đứa trẻ đồng tính, nếu chúng ở nội trú với các bạn liệu có bị xa lánh, kỳ thị? Nếu có chính các cháu mới là người khổ”, ông Quang nói.
Với góc nhìn của chuyên gia tâm lý, Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu, Trưởng bộ môn Tâm lý học ứng dụng (Đại học Sư phạm TP HCM) cho rằng, tiêu chí tuyển sinh thế nào là định hướng riêng của mỗi trường. Tuy nhiên, cách diễn đạt trong quy chế và cách giải thích của trường Việt Anh thể hiện rỏ sự kỳ thị.
“Ban đầu, nội quy xếp đồng tính cùng với các bệnh nguy hiểm, bệnh truyền nhiễm. Sau khi bị phản biện thì trường mới ‘giải thích lại’ là do trường chưa đảm bảo điều kiện chăm sóc các em. Tôi nghĩ quy định đó từ đầu không nên xuất hiện trong tiêu chí tuyển sinh”, ông Hiếu nói.
Chuyên gia này khẳng định, điều kiện sinh hoạt mỗi ngày của các học sinh đồng tính giống các bạn khác, chỉ khác nhau về xu hướng tính dục. Do đó, không nên xây khu riêng rồi cho tất cả các em đồng tính vào đấy ở.
“Điều quan trọng là làm sao sống chung mà các em vẫn được đối xử an toàn. Nếu các em bị tập thể kỳ thị, ghẹo chọc thì phải giáo dục tập thể kém lịch sự đó. Chỉ khi nào em ấy gây ảnh hưởng đến tập thể thì mới xem xét giáo dục hoặc kỷ luật như mọi học sinh nội trú khác mà thôi”, ông Hiếu đề xuất.
Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó chủ tịch Hội Luật gia TP HCM, khẳng định quy chế tuyển sinh của trường Việt Anh không những gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến cộng đồng người đồng tính mà còn vi phạm pháp luật hiện hành.
Ông Hậu dẫn chứng Điều 39 Hiến pháp 2013 đã khẳng định, công dân có quyền và nghĩa vụ học tập; Điều 26 Hiến pháp cũng quy định nghiêm cấm phân biệt đối xử về giới. Không những vậy, trẻ em, thanh niên còn là những thế hệ tương lai của đất nước, là những đối tượng được nhà nước, gia đình, xã hội tạo mọi điều kiện để bảo vệ, chăm sóc và giáo dục, tạo điều kiện học tập, lao động, giải trí, phát triển thể lực, trí tuệ.
Ngoài ra, Điều 10 Luật Giáo dục sửa đổi năm 2009 cũng quy định mọi công dân không phân biệt dân tộc, tôn giáo, tín ngưỡng, nam nữ, nguồn gốc gia đình, địa vị xã hội, hoàn cảnh kinh tế đều bình đẳng về cơ hội học tập.
“Rõ ràng tất cả quy định của pháp luật đều đã khẳng định công dân Việt Nam không phân biệt giới tính, tôn giáo đều được hưởng các quyền bình đẳng ngang nhau trong đó có cả là quyền học tập. Những người đồng tính bản thân họ cũng là một công dân thì hiển nhiên họ được hưởng tất cả các quyền của công dân Việt Nam”, luật sư Hậu khẳng định.
Mạnh Tùng
Theo Vnexpress
* Tên phụ huynh đã thay đổi.