Diễn viên “Đất phương Nam” mất sáng 1/5 tại bệnh viện ở TP HCM sau gần một năm điều trị ung thư.
Chị Khả Hân – con gái cố nghệ sĩ – cho biết đang cùng gia đình lo hậu sự cho ông. “Cha tôi mất nhẹ nhàng. Ông đã căn dặn tôi nhiều điều về việc hậu sự của ông, cũng như về các tâm nguyện”, chị Hân nói.
Lễ viếng cố nghệ sĩ từ chiều 1/5 tại Nhà tang lễ Bộ Quốc phòng (quận Gò Vấp). Lễ động quan sẽ diễn ra vào 7h sáng 4/5, sau đó, linh cữu nghệ sĩ được đưa đi hỏa táng tại Bình Hưng Hòa.
Giữa tháng ba năm nay, bệnh tình Lê Bình trở nặng. Gia đình đưa ông vào bệnh viện Quân y 175 kiểm tra mới biết khối u di căn đến tủy. Phần thân dưới từ thắt lưng trở xuống bị liệt. Đầu tháng tư, ông nhập viện đến khi mất. Những ngày cuối đời, sức khỏe nghệ sĩ xuống dốc. Ông khó khăn trong ăn uống, hầu như không nói chuyện được.
Diễn viên Phan Văn Sáng – người đồng nghiệp thân với cố nghệ sĩ – chia sẻ: “Anh Lê Bình nói anh không may mắn trong chuyện gia đình nhưng bù lại anh nhận được sự yêu thương, tình cảm to lớn của khán giả. Anh cảm thấy kiếp này anh ấy sống trọn vẹn”.
Lê Bình bị ung thư phổi giai đoạn thứ ba từ tháng 8/2018. Biết hoàn cảnh khó khăn của ông, nhiều đồng nghiệp như Cát Phượng, Trịnh Kim Chi, Đại Nghĩa… kêu gọi ủng hộ ông tiền chữa trị. Ban đầu, nghệ sĩ giấu bệnh vì sợ làm phiền mọi người. Diễn viên luôn cố gắng giữ tinh thần lạc quan để chống chọi bệnh tật.
Đại diện Sở Văn hóa TP HCM thăm nghệ sĩ Lê Bình ở bệnh viện Quân y 175 trưa 22/4.
Lê Bình tên thật là Lê Thanh Sơn, sinh năm 1953 trong một gia đình gốc miền Tây Nam bộ. Từ một họa sĩ vẽ tranh tuyên truyền cổ động, ông trở thành diễn viên, soạn giả, đạo diễn nhiều vở kịch. Tác phẩm của ông từng tham gia các liên hoan sân khấu quần chúng và chuyên nghiệp. Ông đã giành được ba huy chương vàng, ba huy chương bạc tại Hội diễn sân khấu chuyên nghiệp lẫn quần chúng và một bằng khen của Bộ Quốc phòng. Hơn 10 vở kịch của Lê Bình được dàn dựng ở các sân khấu Idecaf, 5B, kịch Phú Nhuận…
Vai diễn đầu tiên của ông trên màn ảnh là nhân vật ông chủ tiệm thuốc Bắc trong phim Dòng sông không quên. Ông tiếp tục được biết đến qua các phim: Đất phương Nam, Đợi khách, Người đàn bà không hóa đá, Hải âu, Đèn không hắt bóng, Mùa len trâu, Cô gái xấu xí, Dưới cờ đại nghĩa… Do ngoại hình cao gầy, khuôn mặt hiền lành, ông thường được giao hóa thân những nhân vật khắc khổ, cam chịu… Ông còn tham gia 16 vai trong loạt phim Cổ tích Việt Nam, được khán giả nhiều độ tuổi yêu thích.
Tam Kỳ/VNE