3 năm ròng rã chỉ nói với con bằng tiếng Anh, ông bố Hà Nội được đền đáp bằng những lời “bật” ra tự nhiên của con trong một kỳ nghỉ.
Hơn 4 tuổi mà bé Khánh Linh đã có thể nói tiếng Anh như tiếng Việt. Khi ở với bố hay gặp người nước ngoài thì bé nói tiếng Anh trôi chảy, ngay sau đó có thể quay sang mẹ nói tiếng Việt.
Trước đó, từ lúc 13 tháng tuổi, Khánh Linh đã biết nhận mặt chữ, 18 tháng biết đọc cả cụm từ, đến 20 tháng đọc được cả câu bằng cả tiếng Việt lẫn tiếng Anh. Hiện tại, cô bé 4 tuổi này có cả một thư viện sách và đã đọc qua hầu hết sách trong kho.
Con gái tự tin và vui vẻ như vậy hoàn toàn nhờ vào công của ông bố Đào Xuân Hoàng và vợ. Từng tốt nghiệp bằng xuất sắc khoa CNTT của Đại học Kỹ Thuật Sydney và có một thời gian làm việc tại Australia, anh Hoàng cũng chính là người sáng lập ra phần mềm học tiếng Anh Monkey Junior – hiện nằm trong 100 ứng dụng giáo dục được tải nhiều nhất thế giới. Đây cũng là phần mềm duy nhất của Việt Nam lọt vào chung kết cuộc thi Sáng tạo toàn cầu diễn ra ở Mỹ vào tháng 6 tới.
Từ khi Khánh Linh còn nằm nôi, vợ chồng anh đã giao ước, mẹ nói với con bằng tiếng Việt, còn bố nói tiếng Anh.
Lý do là sau nhiều năm học ở nước ngoài, anh Hoàng gặp rất nhiều trẻ con lai có thể nói thành thạo 3 ngôn ngữ từ khi còn rất nhỏ, do tiếp xúc với các thứ tiếng của bố mẹ. Các bé này không hề có chuyện “loạn ngôn ngữ”. Vì vậy, anh cho rằng càng sớm cho bé tiếp xúc đa ngôn ngữ càng tốt và anh luôn cố gắng cho con học mà chơi, chơi mà học.
Dù ở chợ hay hiệu sách, trên rừng hay dưới biển, lúc nào cũng là cảnh ông bố trẻ dắt tay con và nói đủ thứ nhìn thấy xung quanh bằng tiếng Anh, dù cho con có phản hồi hay không.
“Nhiều lần vào cửa hàng mua đồ, tôi nói bằng tiếng Anh, trong khi vợ nói tiếng Việt, nhân viên cứ nhìn tôi tò mò. Lúc đầu tôi cũng ngại, nhưng nghĩ nếu mình ngại thì bé sẽ không thể mạnh dạn được. Vậy nên tôi tận dụng mọi cơ hội nói chuyện, giải thích cho con bằng tiếng Anh, kể cả những khi đi gặp bạn bè, về quê, gặp họ hàng, nội ngoại”, anh kể.
Kỳ công hơn, vợ chồng anh còn tạo ra vài nghìn thẻ học từ bằng cả song ngữ Anh – Việt cho con. “Khoảng 2 năm đầu tôi cứ nói, còn bé thì ít phản ứng. Lúc nào hứng lên thì bé nói, còn bình thường chỉ nói tiếng Việt. Tôi động viên con, ví như lúc bé muốn bố giúp thì phải nói tiếng Anh bố mới hỗ trợ”, ông bố 33 tuổi cho hay.
Lúc đầu, con chỉ nói tiếng Anh theo cảm hứng khiến anh Hoàng phân vân, nghĩ rằng mình đang “tắc” ở đâu đó. “Có lần tôi đã gọi cho cô bạn người nước ngoài chia sẻ về điều này và cô ấy khuyên đừng quan tâm đến việc bé học đến đâu, cũng đừng quá quan trọng kết quả. Đây là giai đoạn ‘input – tiếp thu’, cho nên cứ phải truyền thật nhiều cho con, đến một lúc nào đó trẻ sẽ bật ra”, anh Hoàng nhớ lại.
Nỗ lực gieo hạt của ông bố trẻ cuối cùng cũng được đền đáp. Đó là đầu năm 2015, khi đó bé Khánh Linh vừa tròn 3 tuổi, cả gia đình có kỳ nghỉ ở Phú Quốc và cô bé đã “bật” thực sự.
“Bắt đầu kỳ nghỉ bé đã nói tiếng Anh rất nhiều và tự nhiên. Tôi nói về biển, ốc, san hô, cát sỏi… và bé đáp lại hào hứng. Thậm chí vừa đi bé còn hát vui vẻ rất nhiều bài tiếng Anh. Khi ở bể bơi, một khách du lịch Tây hỏi chuyện và con đã rất tự tin giao tiếp. Các vị khách nước ngoài tỏ ra ngạc nhiên khi biết bé sống ở Việt Nam mà nói tiếng Anh tốt như vậy”, anh Hoàng kể.
Cột mốc này của con khiến anh còn hạnh phúc hơn cả những thành tích bản thân mình đạt được.
Nhật ký anh viết lúc con 21 tháng tuổi có đoạn: “Tối hôm nay có một bé hơn Ly Ly (bé Khánh Linh) 2 tháng cùng ngồi trên xe với cả nhà đi chơi buổi tối. Bạn kia cứ hỏi đi hỏi lại ‘Mặt trăng đâu rồi nhỉ?’. Thế rồi tự dưng Ly Ly nói là ‘The moon is sleeping’ làm mọi người ồ lên ngạc nhiên”.
“Khi con thiếu 3 tháng nữa là 3 tuổi, bố hỏi là “Can you feed me Yogurt?” (Con đút bố ăn sữa chua được không?”). Bạn hỏi lại là “Can you let me watch Mini TFO”, (tức là Bố có thể cho con xem chương trình Mini TFO không?), rồi nhoẻn miệng cười…”.
“Quá trình dạy con học sớm đòi hỏi bố mẹ phải cực kỳ kiên trì và tâm huyết. Đôi khi chỉ có 5-7 phút mỗi ngày nhưng nếu vì bận việc mà bạn bỏ qua một ngày thì điều này cũng ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ học tập của trẻ”, anh Hoàng, giám đốc của một công ty công nghệ thông tin chuyên về giáo dục, chia sẻ.
Chính vì vậy anh trăn trở rất nhiều khi xây dựng chương trình học Monkey Junior. Anh muốn giúp bố mẹ không biết tiếng Anh vẫn có thể dạy con học ngoại ngữ một cách bài bản, vừa có thể tiết kiệm được thời gian và tiền bạc.
“Con gái đã giúp tôi rất nhiều để tạo nên một phần mềm gần gũi với trẻ em. Tôi hiểu rõ tâm lý trẻ sẽ bị dễ nhàm chán khi học một cái gì đó đó lặp lại, bởi vậy trong mỗi bài học, ví như cùng từ ‘con mèo’ thì phần mềm sẽ có nhiều video với các giọng đọc, hình ảnh, âm thanh khác nhau mô tả về ‘con mèo’ đó. Điều này giúp trẻ học và ôn lại từ nhưng được tiếp cận với nhiều cách thức khác nhau”.
Phan Dương
Theo Vnexpress