Dọn dẹp xong xuôi bạn gái gọi tôi ra ngoài nói chuyện và tỏ thái độ không hài lòng về chị gái tôi.
Bạn gái tôi xinh xắn, thông minh, cư xử lễ phép. Chúng tôi đều sống và làm việc tại Hà Nội. Tôi đã đưa bạn gái về nhà ra mắt, ai cũng yêu quý cô ấy và mừng cho tôi. Chỉ có điều, chưa cưới mà cô ấy đã tự cho mình cái quyền phán xét chị gái tôi. Chuyện là, ngày giỗ mẹ, tôi đưa cô ấy về từ hôm trước, cô ấy cũng tất bật làm việc, chuẩn bị mọi thứ. Sáng hôm sau, cô ấy dậy từ khá sớm để làm bữa. Chị gái tôi gần 8 giờ mới về, dù từ Hà Nội về nhà chỉ gần 50 km. Chị về chỉ xem ti vi, để mọi việc cho các em làm. Đến bữa ăn có người họ hàng góp ý, chị bảo giờ lấy chồng rồi, đối với nhà tôi là khách nên không cần làm gì. Ăn xong chị cũng không dọn dẹp dù nhà neo người.
Dọn dẹp xong xuôi, bạn gái gọi tôi ra ngoài nói chuyện và tỏ thái độ không hài lòng về chị gái tôi. Cô ấy bảo là con gái giỗ mẹ đã về muộn mà không nhúng tay làm gì là không chấp nhận được và muốn tôi nhắc nhở chị. Tôi thấy cô ấy nghĩ và nói như vậy hoàn toàn hợp lý, nhưng chỉ khi cô ấy đã là vợ tôi. Tôi nói rằng chuyện này đã diễn ra từ nhiều năm, mọi người vẫn chấp nhận được thì tôi không thể vì cô ấy mà gây chuyện với chị. Cô ấy đáp trả đanh thép rằng nhà tôi có những tiêu chuẩn lựa chọn con dâu thì nhà người khác cũng vậy. Tôi thấy cô ấy thật ghê gớm, chưa lấy nhau mà đã như vậy, sau này là vợ chồng rồi sẽ không thiếu yêu sách. Tôi phải làm gì uốn nắn bạn gái để sau này cô ấy không đè đầu cưỡi cổ gia đình tôi?
Hoàng
GS.TS tâm lý Vũ Gia Hiền gợi ý:
Chào Hoàng!
Khi nói đến gia đình, việc đầu tiên là phải nền nếp, thiếu điều đó thì không còn là gia đình. Tuy nhiên, người xưa cũng nói “mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh”, đây lại chính là sự cá biệt. Giải thích cho sự cá biệt không dễ vì nền nếp gia phong đều được xã hội chuẩn hóa. Trong trường hợp này, bạn đã không dàn xếp khéo léo việc mà theo bạn “bao nhiêu năm đều thế”. Vấn đề của bạn liên quan đến ba người.
Trước hết là người yêu của bạn. Cô ấy về từ hôm trước và tất bật lo toan như con cái trong nhà, chỉ có những cô gái rất thực, nói là làm và làm mới nói mới được như vậy. Chính từ gia phong đã ăn sâu vào giáo dục trách nhiệm nên cô ấy không nề hà, không khách khí, thấy chuyện gì trái tai gai mắt là nói ngay. Mẫu người này có tâm lý trung thực, tính cách mạnh mẽ và khó thay đổi.
Người chị của bạn vào ngày giỗ mẹ đã về muộn, lại xem mình là khách thì không được, nhưng bạn nói chị ấy vẫn thế thì lại là vấn đề tâm lý. Người này có tâm lý phó thác, dễ bắt lỗi người khác và hay ngụy biện. Tâm lý của người yêu với chị gái bạn là hai mẫu tâm lý trái ngược nhau. Người yêu bạn tuy chưa cưới nhưng khi về nhà bạn, lo toan như thế chứng tỏ cô ấy đã tự đặt mình là người trong nhà, nên việc cô ấy nói thẳng với bạn là đúng, còn nếu gây gổ với chị bạn mới là sai.
Còn bạn, với tâm lý dĩ hòa vi quý, chuyện sao cứ để vậy, nên thấy khó chịu khi người yêu nhắc nhở chị mình. Lẽ ra bạn cần biết, nếu cô ấy nói đúng, mình cứ nhận lời rồi nói sau, giải thích cho bạn gái hiểu, thông cảm với gia đình mình, giúp cô ấy “nhập gia tùy tục”, nhưng bạn lại nghĩ “cô ấy thật ghê gớm” là không đúng. Cô ấy thẳng thắn và có thái độ rõ ràng. Bạn định uốn nắn cô ấy thì bạn phải chuẩn mực gia phong đã. Nếu bạn cho rằng cô ấy không được đụng chạm đến chị mình, vậy sau này cô ấy giống chị bạn thì sao. Bạn cần phân biệt chị mình sai nhưng phận là em khó nói, để người yêu thấy có lý có tình. Còn nếu bạn nhân câu chuyện sai của gia đình mình để sửa cô ấy thì vai trò của bạn chắc chắn sẽ xuống hạng. Đừng sợ ai cưỡi cổ gia đình mình, quan trọng là phải giữ nền nếp gia phong. Nếu bạn sửa cô ấy trong khi cô ấy đúng thì thật tai hại về sau.
Chúc bạn suy xét và so sánh kỹ để quyết định có hậu.
VNE