Gần Bệnh viện Từ Dũ (quận 1, TP HCM) có một “khu chợ” tinh trùng hoạt động tấp nập lâu nay, người mua có cả “giấy bảo hành”. Một địa điểm ở hẻm A1 Cống Quỳnh, quận 1, TPHCM chuyên cho thuê trọ “chữa bệnh vô sinh”.
Theo các tay cò mồi, quy trình thụ tinh ở đây không chỉ là bơm qua thiết bị mà còn “bơm trực tiếp”, người mua có cả “giấy bảo hành”! Hiện nay, số lượng các cặp vợ chồng hiếm muộn, vô sinh dường như ngày càng nhiều. Lợi dụng mong ước có con cháy bỏng của họ, các đối tượng cò mồi đã giở nhiều chiêu trò mua bán, bơm cấy tinh trùng.
“Vào bệnh viện làm gì!”
Để làm rõ hơn về “thế giới ngầm” mua bán giống người, nhiều ngày liên tiếp, chúng tôi đã có mặt bên trong lẫn bên ngoài Bệnh viện Từ Dũ ghi nhận thực tế. Tại đây, nhiều tay cò mồi luôn tìm cách tiếp cận các cặp vợ chồng đến bệnh viện. Ngoài chuyện hướng dẫn cách phá thai chui, những đối tượng này còn lôi kéo các cặp vợ chồng vô sinh, hiếm muộn đến “chợ” mua bán tinh trùng.
Tràn lan trên mạng
Chỉ cần bỏ ra vài phút lên mạng tìm hiểu về việc mua bán tinh trùng, chúng tôi đã nhận được hàng chục số điện thoại, email liên lạc. Thông tin về người bán tinh trùng, tình trạng sức khỏe, độ tuổi… đều được đăng tải chi tiết.
Chúng tôi thử liên hệ với một người rao bán tinh trùng có số điện thoại 0912224… Anh ta cho biết hiện 27 tuổi, chưa vợ và đang cần tiền. Giá mà anh ta đưa ra là 9 triệu đồng cho “2 lần bơm”. “Mình không uống rượu, không sử dụng chất kích thích, có giấy chứng nhận sức khỏe…”, anh ta giới thiệu.
Chúng tôi chọn một người chạy xe ôm đứng tuổi đang đậu xe sát tường bệnh viện để hỏi thăm: “Trong bệnh viện, chỗ nào điều trị hiếm muộn vậy anh?”. Ông ta nhanh nhảu: “Không có con, đúng không?”. Thấy chúng tôi gật đầu, ông ta bĩu môi: “Vào bệnh viện làm gì cho tốn tiền, tốn thời gian, chưa kể đủ thứ phiền phức”.
Thấy chúng tôi ngơ ngác, người chạy xe ôm giới thiệu tên Hòa rồi tỏ ra rất nhiệt tình giới thiệu về chuyện mua bán, bơm cấy tinh trùng. Nhìn quanh quất, ông ta phán: “Để tôi chỉ cho cô cậu mấy chỗ, bảo đảm bơm nhanh, an toàn, có hợp đồng đàng hoàng”. Nói rồi, ông ta đọc vanh vách địa chỉ các nơi có thể khám và đưa ra phác đồ điều trị.
Chưa biết chúng tôi có đồng ý hay không, ông Hòa vội kéo tay cả 2 vào con hẻm A1 Cống Quỳnh, quận 1, cách Bệnh viện Từ Dù chừng 200 m, để “gặp những người có khả năng thụ tinh, tạo con”. Vừa đi, ông ta vừa gọi điện thoại cho ai đó: “Có người đến nè, nhanh ra đón khách vào trị bệnh!”.
15-18 triệu đồng/lần
Chúng tôi vào hẻm đợi hơn 5 phút, một phụ nữ khoảng 50 tuổi xuất hiện xưng tên là Tiên, quê Hà Nam. Vừa gặp chúng tôi, bà ta liền sỗ sàng: “Em gái này tịt hay anh chồng?”. Cô bạn tôi ấp úng: “Dạ, chồng em… Chị có cách nào không?”. Bà Tiên vỗ vai cô: “Dễ ợt mà, ở đây lo hết”.
“Lo cách nào vậy?” – chúng tôi thắc mắc. Theo bà Tiên, chỗ của bà ta bao ăn ở 5 ngày, trong thời gian ấy sẽ cho bơm tinh trùng hoặc “cấy giống trực tiếp”. “Nhưng phải bảo đảm với tôi là khi anh chồng đã đồng ý rồi thì không được đến đây quậy nhé”, bà ta dặn đi dặn lại.
Bà Tiên khoe bà ta nắm trong tay rất nhiều người sẵn sàng bán tinh trùng, tất cả đều “khỏe mạnh, cao to, đẹp trai”. “Họ chỉ 22-30 tuổi, có cả người lần đầu bán tinh trùng. Tôi sẽ cho xem giấy khám sức khỏe của họ do trung tâm chẩn đoán y khoa cấp”, bà ta quả quyết.
Chúng tôi yêu cầu gặp người bán tinh trùng, bà Tiên lắc đầu quầy quậy: “Không được đâu! Khi nào làm thì gặp một lần luôn cho tiện. Người ta cũng ngại, sợ biết gốc tích con cái mình sau này nữa”.
Thấy chúng tôi vẫn e dè, bà Tiên bảo sẽ làm “giấy bảo hành”. Nếu kết quả không đúng như lời bà ta thì chúng tôi sẽ được hoàn tiền gấp đôi. “Với cách bơm tinh trùng qua các thiết bị thì 15-18 triệu đồng/lần. Nhưng muốn tiết kiệm thì có thể bơm trực tiếp giữa người bán và người mua” – bà ta giải thích.
Để tạo lòng tin, bà Tiên đưa chúng tôi đến khu trọ mà bà ta quản lý ở gần đó. Chúng tôi chứng kiến gần 10 phụ nữ nằm ngồi la liệt đợi kết quả có thụ thai hay không. “Cấy tinh trùng xong, em có thể về nhà nghỉ ngơi, 15 ngày sau quay lại kiểm tra kết quả. Còn không thì thuê phòng ở đây, chị cùng một số người sẽ theo dõi. Tất cả do tụi em quyết định. Bọn chị làm ăn ở đây lâu dài, chẳng dại gì đi lừa người ta đâu”, bà ta ngọt ngào thuyết phục.
Trong lúc chúng tôi trò chuyện, hẻm A1 Cống Quỳnh xuất hiện hàng loạt phụ nữ tay xách nách mang. Hầu hết những người này đều lộ rõ sự lo âu, hồi hộp. Viện lý do cần suy nghĩ cho kỹ, hôm khác sẽ quay lại, chúng tôi rút lui. Bà Tiên lập tức trở mặt, tức tối: “Tôi nói đến mức đó mà không tin thì thôi. Có giỏi thì vào bệnh viện xem! Ở đó có khối người xếp hàng, tốn kém hàng chục triệu đồng rồi về tay trắng”.
Mỏi mòn chờ con
Theo tìm hiểu của chúng tôi, ở khu vực quanh Bệnh viện Từ Dũ, đường dây chuyên mua bán, bơm cấy tinh trùng của bà Tiên không phải là duy nhất. Chỉ riêng hẻm A1 Cống Quỳnh đã có khoảng 10 đường dây như thế. Những đối tượng này vừa móc nối với một số phòng khám tư vừa làm chủ nhà trọ cho người điều trị hiếm muộn lưu trú.
Trò chuyện với chúng tôi, bà Thủy (một người sống lâu năm ở hẻm A1) cho biết từ lâu, khu hẻm này được mệnh danh là “xóm hiếm muộn”. “Rất nhiều người chực chờ ở đây gần 2 năm nhưng vẫn chưa có con. Giá thuê trọ khu này rất cao nhưng không khi nào còn phòng. Nói là phòng cho sang chứ người thuê chỉ ngủ nghỉ dưới nền nhà, lắm khi còn nằm chung với nhau”, bà cám cảnh.
Theo bà Thủy, khu vực này từng xảy ra nhiều vụ cự cãi, gây gổ vì điều trị không có con. Tuy nhiên, vì mấy tay cò mồi rất dữ dằn nên không ai dám làm gì. “Không hiểu sao mà nhiều người lại liều mạng mua bán tinh trùng như thế, nhất là bơm cấy trực tiếp”, bà Thủy băn khoăn.
Hậu quả khó lường
Luật sư Nguyễn Anh Minh (Đoàn Luật sư TP HCM) cho biết hiện nay chưa có quy định nào cho phép buôn bán tinh trùng, nhất là bơm cấy tinh trùng trực tiếp. “Đó được cho là hành vi mua bán dâm. Nếu tình trạng này không được quản lý chặt thì sẽ có nhiều hậu quả khôn lường, như tranh chấp thừa kế về sau, thậm chí sâu xa hơn là chuyện loạn luân” – luật sư Minh lo ngại. Luật sư Minh khuyến cáo nếu cặp vợ chồng nào không có khả năng sinh con thì nên xin trẻ về nuôi thay vì mua bán, bơm cấy tinh trùng.
* Tên nhân vật đã thay đổi.
Lê Phong – Nguyễn Mi
Theo Người Lao Động