Đến năm 2035 mức độ thịnh vượng trung bình của người Việt Nam vẫn còn thua xa Đài Loan, Hàn Quốc và chỉ bằng gần một nửa của Nhật Bản và 1/3 so với Singapore vào thời điểm năm 2011.
Nhận định trên được đưa ra trên cơ sở so sánh về hai chỉ tiêu GDP/công nhân và GDP/nhân công nông nghiệp do Viện kinh tế Việt Nam thực hiện.
Theo đó, dù lấy năm 1970, 1980 hay năm 2000 của Việt Nam là năm cơ sở để so sánh, thì xuất phát điểm của Việt Nam cũng đều thấp hơn phần lớn các quốc gia khác. Điều đáng bàn là khoảng cách tuyệt đối về năng suất lao động của công nhân Việt Nam và các nước đều đang tăng nhanh, vì thế, cho dù năng suất lao động của Việt Nam có cao hơn những nước thuộc nhóm thu nhập cao thì khoảng cách thực tế về mức độ thịnh vượng quốc gia vẫn ngày một lớn hơn.
Thua xa thế giới về mức độ thịnh vượng của quốc gia
Sản xuất nông nghiệp được coi là một thế mạnh của Việt Nam, khi đây là nguồn sinh kế chính của phần lớn người dân trong nước. Cho dù trong bảng xếp hạng các quốc gia xuất khẩu gạo, cà phê, dệt may, thủy hải sản thì Việt Nam đều có vị trí nhất nhì, song nhìn vào chỉ tiêu năng suất lao động thì đây là điểm “thiếu sáng” theo đánh giá của TS. Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam.
Dữ liệu chỉ số phát triển thế giới (WDI) cho biết, năm 1990 bình quân một công nhân ngành nông nghiệp tạo ra giá trị gia tăng tương đương 266 USD (theo giá cố định năm 2005); đến năm 2000 tăng lên 355 USD và lên 476 USD vào năm 2013.
Mặc dù năng suất lao động ngành nông nghiệp đã tăng lên đều đặn trong 20 năm qua, nhưng việc so sánh tỷ lệ giữa giá trị gia tăng nông nghiệp/nhân công Việt Nam với một quốc gia và nhóm quốc gia khác lại cho thấy, nền nông nghiệp Việt Nam đang ngày càng tụt hậu.
Theo đó, năng suất lao động nông nghiệp Việt Nam chỉ tương đương 1% Singapore, bằng 1-4% của Nhật Bản, Hàn Quốc hay các nước OECD; bằng khoảng ½ của các nước thu nhập trung bình thấp. Đầu những năm 1990, năng suất lao động nông nghiệp Việt Nam tương đương 80% so với Trung Quốc, nhưng tỷ lệ này giảm bình quân mỗi năm 1 điểm phần trăm trong 3 thập niên qua.
Đặc biệt, khi so sánh về sức mạnh kinh tế tổng hợp của quốc gia khi lấy Trung Quốc làm cơ sở tham chiếu, cho thấy kinh tế Việt Nam ngày càng nhỏ so với nước này. Tại thời điểm bắt đầu đổi mới, quy mô GDP của Việt Nam tương đương 4,1% của Trung Quốc, tức là bằng 1/25.
Song tỷ lệ này không ngừng giảm xuống, đến năm 2013 chỉ còn 1,9%, vị thế của người Việt Nam vẫn không thay đổi, khi tỷ lệ của hai tiêu chí là bình quân đầu người của Việt Nam so với Trung Quốc thì đều đang giảm đi.
Một so sánh khác khi lấy dữ liệu GDP theo đầu tư hợp tác công tư (PPP) năm 2005 trong cơ sở dữ liệu tài khoản quốc gia (Penn World Teble). Với một giả định về kịch bản lạc quan nhất trong giai đoạn 2015 – 2020, Việt Nam sẽ tăng trưởng GDP/đầu người ở mức 6% và sau đó đạt bình quân 8% cho thời gian còn lại, thì đến năm 2035 mức độ thịnh vượng trung bình của người Việt Nam vẫn còn thua xa Đài Loan, Hàn Quốc, chỉ bằng gần một nửa của Nhật Bản và bằng 1/3 so với Singapore vào thời điểm năm 2011.
Mức độ chi tiêu đáng giật mình
Theo Viện Kinh tế Việt Nam, nếu coi những giả định trên là hợp lý thì tính từ năm 2015, Việt Nam phải mất lần lượt là 10, 12 và 17 năm nữa để vượt qua mức của Trung Quốc, Thái Lan và Malaysia đã đạt được ở năm 2011. Do đó, TS. Thiên cho rằng nếu trong hai thập kỷ tới, Việt Nam không có những yếu tố đột phá vượt trội thì sẽ không có gì thay đổi.
Trong khi GDP bình quân đầu người ở mức thấp, nền kinh tế tụt hậu ở ngay cả những lĩnh vực có thế mạnh là nông nghiệp và sức mạnh tổng hợp của quốc gia còn hạn chế, thì mức độ chi tiêu của người Việt lại đáng giật mình. Mặc dù ngân sách khó khăn, song mỗi năm vẫn chi ra tới gần 13.000 tỷ đồng để nuôi 40.000 xe ôtô công, chưa bao gồm xe tại các đơn vị vũ trang, doanh nghiệp Nhà nước.
Trước đó, trao đổi với chúng tôi đại biểu Bùi Đức Thụ (đoàn Lai Châu), Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội cho rằng việc chi nhiều cho xe công là nguyên nhân khiến cho tỷ lệ chi thường xuyên tăng cao, gây áp lực lớn cho chi ngân sách nhà nước. Do đó, cần có biện pháp tiết kiệm như khoán xe công, xử lý nghiêm việc sử dụng xe công không đúng mục đích hoặc cắt giảm các hoạt động lãng phí như hội nghị, khánh tiết…
Nhìn ở góc độ khác, tờ Straitstimes dẫn theo báo cáo về tăng trưởng ngành công nghiệp ô tô ở khu vực Đông Nam Á, cho hay doanh số bán hàng tại Việt Nam năm 2014 là 37,6% và dự báo sẽ đạt 19,9% trong năm nay. Đây là mức cao hơn nhiều so với nhiều nước trong khu vực, khi Philippines đạt 29%, Indonesia đạt 6,6% và Malaysia chỉ có 1,9%.
Đáng chú ý là nhu cầu xe hạng sang của Việt Nam rất lớn và có thể sẽ vượt qua Singapore, nước có tỷ lệ sử dụng xe sang lớn nhất, theo thông tin từ tờ Los Angeles Times, nếu vài năm trước, Mercedes và BMW còn thống trị thị trường xe sang Việt Nam, thì gần đây đã có thêm Rolls-Royce, Porsche, Audi, Lexus, Infiniti và Lamborghini đã tới Hà Nội. Lượng xe hơi bán tại Việt Nam đã tăng hơn gấp đôi trong 2 năm, từ 9.500 chiếc vào năm 2012 lên 21.700 chiếc năm 2014.
“Những chiếc Rolls-Royce nhập khẩu về Việt Nam có giá từ 979.000 USD cho đến 2,5 triệu USD, không ít phiên bản đặc biệt, mạ vàng thể hiện nhu cầu xa xỉ của dân Việt” – tờ này trích dẫn.
Người Việt Nam cũng khá mạnh tay chi ra nhiều tiền để xài đồ xa xỉ, khi Việt Nam đang trở thành kinh đô mới mà các nhãn hàng xa xỉ đặt chân đến. Hãng nghiên cứu Knight Frank trong báo cáo Wealth Report 2015 công bố, hàng xa xỉ tại Việt Nam đã và đang tăng trưởng mạnh mẽ. Các loại mặt hàng túi xách cao cấp như Hermes, Cartier, Louis Vuiton đều có mặt tại các trung tâm thương mại lớn, nhỏ tại TPHCM và Hà Nội…
San Ngọc
Theo Trí thức trẻ