Nhiều chủ tàu lo lắng du khách đến Đà Nẵng sẽ quay lưng với dòng sông nổi tiếng này.
Sông Hàn về đêm những ngày qua vắng lặng thuyền bè qua lại, cả dòng sông tối om không còn ánh đèn tàu du lịch. Nhiều chủ tàu lo lắng du khách đến Đà Nẵng sẽ quay lưng với dòng sông nổi tiếng này.
“Phải rất lâu nữa người ta mới quên được tai nạn chết người này”
Sáng 9/6, trên con tàu Hàn Giang 3 đỗ tại Cảng sông Hàn, ông Đặng Hòa, Giám đốc DN tư nhân Hoàng Giang, đơn vị kinh doanh 2 tàu du lịch Hàn Giang ngồi thẫn thờ nhìn ra sông. 20 năm kể từ ngày đưa con tàu đầu tiên vào chở khách thưởng ngoạn sông Hàn, ông Hòa chưa từng chứng kiến tai nạn nào nghiêm trọng, có sức ảnh hưởng lớn đến ngành Du lịch của thành phố như vậy.
“Phải mất rất lâu nữa người ta mới quên được tai nạn chết người này. Nguy cơ du lịch đường sông Đà Nẵng đang gây dựng rơi vào khủng hoảng đã hiện hữu trước mắt”, ông Hòa nói với giọng đượm buồn. Năm 1996, khi Đà Nẵng còn chưa chia tách với Quảng Nam, ông Hòa đã mạnh dạn hoán cải 1 tàu du lịch từ tàu cá để chở khách vãn cảnh dòng sông. 20 năm sau, số lượng tàu du lịch hoạt động lên đến gần 30 chiếc, biến con sông Hàn thơ mộng về đêm trở nên sôi động, thu hút du khách. Chưa bao giờ các tàu du lịch phải “đắp chiếu” nằm bờ lâu như vậy.
Theo ông Hòa, việc chú trọng phát triển du lịch đường sông là hướng đi đúng đắn của lãnh đạo TP Đà Nẵng, đặc biệt khi từng cây cầu nổi tiếng lên tục nối nhịp đôi bờ sông Hàn. “Ai đến Đà Nẵng du lịch mà không muốn xuống sông Hàn ngắm cảnh, vừa mát, vừa quan sát toàn cảnh các cây cầu, rồi xem cầu Rồng phun lửa. Giờ bị tai nạn như thế, cả các chủ tàu cũng ám ảnh nữa là du khách”, ông Hòa chia sẻ.
Ngày 9/6, làm việc với Bộ GTVT tại Đà Nẵng, Bí thư Nguyễn Xuân Anh đã thẳng thắn nhận trách nhiệm khi để xảy ra vụ chìm tàu trên sông Hàn khiến 3 người chết. Bí thư Xuân Anh thừa nhận, thiệt hại về người không quá lớn nhưng rất nghiêm trọng, ảnh hưởng xấu đến du lịch mà Đà Nẵng gây dựng nhiều năm.
Bí thư Xuân Anh cũng khẳng định, sẽ nghiêm túc điều tra, xử lý nghiêm các cá nhân sai phạm dẫn đến tai nạn, cả lãnh đạo Sở GTVT, Sở Du lịch Đà Nẵng cũng sẽ bị xem xét trách nhiệm.
Trên con tàu du lịch tiền tỷ to nhất Đà Nẵng, ông Trần Kim Thọ, quản lý tàu Rồng sông Hàn (Công ty Đồng Vĩnh Thịnh) thở dài nhìn hàng ghế trống không 1 bóng người trên khoang tàu. Tàu Rồng sông Hàn vốn kinh doanh thêm cà phê, điểm tâm ban ngày nhưng giờ cũng ế khách, nhân viên ngồi nhìn nhau không nở nổi nụ cười.
“Vụ này ảnh hưởng quá lớn. Tàu chúng tôi đã liên hệ với các hãng lữ hành hoãn nhiều tour đưa khách từ TP HCM, Hà Nội lên tàu, thiệt hại về tiền bạc không lớn nhưng danh tiếng cũng giảm sút nhiều. Một số hướng dẫn viên du lịch quen biết gọi liên tục để hỏi khi nào tàu chạy lại, nhưng tôi chỉ biết nói sau ngày 16/6 mới biết được vì thành phố đang rà soát lại”, ông Thọ nói và cho biết, nhiều du khách vẫn hăm hở lắm nhưng quả thật tour tuyến sông nước không sôi động như trước nữa.
Chủ tàu Thảo Vân 2 chơi “luật rừng”?
Nhắc đến thảm nạn tối 4/6 làm 3 người chết, 1 chủ tàu du lịch (đề nghị giấu tên) tố cáo chủ tàu Thảo Vân 2 chơi “luật rừng”, giành khách từ các tàu khác với thái độ côn đồ. “Chúng tôi ai cũng biết tàu Thảo Vân 2 hoạt động “chui” chứ làm gì được chở khách du lịch. Khi neo đậu ở đây, tôi cũng né tàu đó ra vì người của tàu đó chèo kéo khách dữ lắm, không cẩn thận họ chửi bới, dọa nạt khiến nhân viên của tôi cũng khiếp sợ”, vị chủ tàu này nói.
Vị này nói thêm, hoạt động du lịch đường sông Đà Nẵng khá bát nháo. Nhiều tài xế taxi, hướng dẫn viên du lịch cứ thấy tàu nào trả hoa hồng cao là đưa khách lên tàu đó, chứ không cần quan tâm tàu đó có an toàn hay không. “Du khách thì được giới thiệu đến đâu là lên tàu đó thôi. Họ đâu biết công tác quản lý an toàn như thế nào. Cứ được xuống tàu với giá rẻ là đi thôi”, vị chủ tàu nói thêm.
Tìm hiểu của Báo Giao thông, cánh tài xế taxi nhận 20% hoa hồng trên mỗi khách đưa xuống tàu. Mỗi khi có khách muốn được chở ra đi tàu du lịch, tài xế liền gọi cho các tàu quen biết hỏi giá, hoa hồng cụ thể rồi mới thống nhất chở khách đến.
Nói về việc tàu du lịch hoán cải không an toàn, các chủ tàu đều cho rằng “bị oan”. Bởi, từ nhiều năm trước TP Đà Nẵng chủ trương khuyến khích người dân nâng cấp tàu cá thành tàu du lịch để chở khách. Công tác quản lý khi đó khá chặt chẽ vì các tàu nâng cấp đều phải có bản thiết kế chi tiết, sửa chữa tại các hãng đóng tàu lớn tại Đà Nẵng sau đó đăng kiểm chứng nhận mới được hoạt động.
Đưa chúng tôi xem giấy chứng nhận đăng kiểm có dấu của Cục Đăng kiểm Việt Nam, ông Đặng Hòa cho rằng, công tác quản lý không tốt mới dẫn đến tai nạn, chứ tàu cá hoán cải hoạt động bình thường lâu nay, chở đúng số người quy định thì làm sao xảy ra chuyện được. “Chẳng qua tàu hoán cải không đẹp như tàu đóng mới chuyên chở khách du lịch thôi chứ chúng tôi được chứng nhận đàng hoàng, tàu cá ra biển chịu được bão tố huống chi đi trên sông. Thành phố khuyến khích làm, chứng nhận đủ thứ rồi giờ nói tàu không an toàn thì oan quá”, ông Hòa nói.
Tấn Việt
Theo Giao Thông